Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát tổng số xe ô tô dư thừa để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ công tác được giao.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do các doanh nghiệp tặng.
Trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2017.
Bên cạnh đó, rà soát tất cả các xe ô tô do cơ quan, nhà nước thanh lý để bảo đảm việc thanh lý xe thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch.
Số tiền thanh lý xe ô tô thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước, không để xảy ra sai sót, thất thoát tài sản công.
Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý, trang bị tài sản công để bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công; đồng thời khắc phục được những tồn tại hạn chế từ việc các cơ quan nhà nước nhận tài sản (trong đó bao gồm cả xe ô tô) do các doanh nghiệp biếu, tặng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an rà soát để thu hồi ngay biển số xe đối với những xe các cơ quan nhà nước đã thanh lý; báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng biển số xe.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số xe ô tô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế đấu giá biển số, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2017. ảnh minh họa: Tạp chí tài chính. |
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Quốc phòng rà soát, thu hồi biển số xe đã cấp cho các doanh nghiệp hoạt động kinh tế, không liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 13/3, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí như sau:
Đối với quy định của pháp luật về thanh lý tài sản nhà nước
Tại Điều 26 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định:
“1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý.”
Bộ Tài chính nói gì về việc thanh lý xe công giá "rẻ như bèo"? |
Như vậy, theo quy định này, thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản (trong đó có xe ô tô công – bán hoặc tiêu hủy) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc thanh lý tài sản thực hiện theo hình thức bán đấu giá thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được Bộ, ngành, địa phương giao nhiệm vụ phải thực hiện bán công khai, minh bạch theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Theo các quy định trên đây, Bộ Tài chính chỉ thực hiện trách nhiệm tổng hợp số liệu từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương.
Về tổ chức thực hiện thanh lý xe ô tô: Căn cứ báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương về kết quả xử lý xe ô tô dôi bằng hình thức thanh lý, kết hợp với thông tin thanh lý xe ô tô tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (do các Bộ, ngành, địa phương nhập từ ngày 01/01/2016 đến ngày 6/3/2017), Bộ Tài chính đã tổng hợp được 761 xe ô tô mà các bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý, tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng (số tiền thu được sau khi thanh lý được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
Qua rà soát, số liệu tại báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thấy rằng:
+ 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính;
+ 17 xe báo cáo đã thanh lý (trong đó có 09 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 08 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền.
+ 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) với tổng số tiền thu được là 5.455.803.699 đồng.
Vì vậy, nếu chia bình quân số xe thanh lý/ tiền thu được ra kết quả 46.2 triệu đồng/ xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là xe ô tô công.
Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục nhận báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương về kết quả xử lý xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.