Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014) với chủ đề “Cải các thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” với sự tham dự của một số Bộ, ngành Trung ương và các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế. Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm nay tập trung thảo luận các khuyến nghị Chính phủ Việt Nam các nhóm chủ đề chính liên quan đến cải cách thể chế kinh tế thị trường và phát triển khu vực tư nhân.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn năm nay là phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng khái quát 6 trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2015, trong đó tập trung huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực; cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, nhất là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: TTXVN. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013 là động lực và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã có, đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ sở để Chính phủ tiếp tục tạo thuận lợi, khuyến khích thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư trên thế giới.
Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt hơn việc bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ.
Nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quyết tâm thực hiện kiên trì, đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát huy quyền dân chủ của người dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo pháp luật các hành vi tham nhũng.
Tại Diễn đàn, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới đòi hỏi tất cả các quốc gia phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Những thách thức đó đòi hỏi các quốc gia phải có những hành động thích hợp và nghiên túc để tận dụng triệt để lợi thế hội nhập kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro. Là một nước thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng - xây dựng kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (2016-2020), chuẩn bị văn kiện Đai hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016.
“Đây là cơ hội ít có để chúng ta lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng” - Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.
Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, Việt Nam đã hết sức nỗ lực và quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, qua đó đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn so với các nước có cùng trình độ phát triển và kết quả khả quan là Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ gia tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua. Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Gần đây, Quốc hội cũng thông qua việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,… Đây là thời điểm rất tốt cho việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế tiếp theo.