Chúng tôi đang ở khu chợ Hội An, nơi quanh năm khách nước ngoài nhiều hơn khách Việt.
Lão tá điền nói tiếng Anh “như gió”
Vừa nói, chị chủ tiệm ăn vừa hướng tay về quán nước mía phía đối diện, nơi một ông lão tóc bạc trắng, đội chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp đang đon đả chào gia đình vị khách châu Âu. Ông lão nhiệt tình giới thiệu từng chút một về... ly nước mía, nói về xuất xứ, chất lượng, giá cả món hàng của mình... bằng tiếng Anh.
Cô bạn đi cùng tôi là một phiên dịch viên tròn mắt ngạc nhiên rồi nhận xét: "Ông ấy nói nhanh và lưu loát quá, cách phát âm chuẩn từng câu chữ không khác gì người bản xứ!".
Ông lão hơn 70 tuổi, chưa được đi học như nói tiếng Anh “như gió”. |
Đến bắt chuyện với ông lão hơn 70 tuổi này mới hay, ông lão vốn xuất thân là một tá điền, một chữ bẻ đôi không biết. Giải thích cho cái sự nói tiếng Anh “như gió”, ông cười khề khà: “Có chi mô! Hồi nào không biết thì học. Học bằng cách ngày nào cũng ra bến chợ đây ngồi, nghe họ nói chuyện, rồi mình nói lại với họ. Hơn 10 năm nay tui chỉ học bằng cách đó thôi. Nói riết rồi quen miệng, nhiều chừng về nói với mấy đứa nhỏ ở nhà cũng... bằng tiếng Anh luôn!”
“100% tiểu thương chợ tôi nói tiếng Anh lưu loát”
Dạo một vòng quanh chợ, từ các sạp trái cây rau củ, đến các tiệm ăn, các quầy quần áo, vải sợi, giầy dép cho đến các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức hoặc các gian hàng nhỏ bán hủ tiếu, phở, bún bò... đều phải ngạc nhiên với những cuộc trao đổi, trò chuyện bằng ngoại ngữ giữa các tiểu thương và khách hàng. Có lẽ không chợ nào ở Quảng Nam, và cả miền Trung lại có nhiều khách nước ngoài như chợ Hội An này.
Một tiểu thương kể, những năm về trước, số người buôn bán ở đây biết ngoại ngữ không nhiều. Nhưng rồi ai cũng phải "cố mà học thôi". Một số người học theo kiểu bắt chước, tuy giao tiếp được nhưng chỉ có thể nói tiếng Anh "bồi”. Quan trọng là mình hiểu họ muốn gì, và họ hiểu mình. "Buôn bán ở đây mà không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì có mà dẹp tiệm thôi!", chị bán bún vừa cười với hai vợ chồng người khách đến từ Úc, vừa tranh thủ nói vọng vào.
Ở Hội An, quanh năm khách Tây nhiều hơn khách Việt. Ảnh LAT |
Hỏi họ học ngoại ngữ có khó không, một chị bán trái cây nhanh nhảu nói: “Khó chi mô mà khó chú! Cứ nói qua, nói lại. Ban đầu mình nói chưa đúng thì họ nói lại cho mình nghe, lần sau mình sửa. Lâu dần nói được thôi! Cái quan trọng là mình phải nhanh nhẹn, đừng ngại người ta cười mình là được. Học cái tiếng Tây ni cũng là giúp mình bán buôn đắt khách hơn!”
Chị Trần Thị Vân, buôn vải vóc tại chợ cũng học theo cách như vậy. "Ngày đó có khi một câu mà nói tiếng Việt hơn một nửa, còn lại nói tiếng Anh", chị Vân cười nhớ lại.
Bây giờ chị đã nhiều "bạn hàng" là mối quen người nước ngoài. Họ còn trao đổi kiến thức với nhau: chị dạy tiếng Việt cho họ và ngược lại được các bạn hàng chỉnh sửa ngữ pháp, cách phát âm khi nói tiếng Anh. Tranh thủ lúc vắng khách, đọc thêm từ điển để bổ sung vốn từ vựng cho mình. Bây giờ vốn tiếng Anh của chị đã “rất khá” - như lời nhận xét có phần tự hào của chị.
Và lời nhận xét này của một chị bán thực phẩm tươi sống ở chợ Hội An cũng rất tự hào: "100% tiểu thương ở chợ ni đều có thể nói tiếng Anh lưu loát, nghe hiểu khi trò chuyện với người nước ngoài, và nói lại được với họ!”.
Trung tâm ngoại ngữ giữa chợ
Mỗi buổi trưa, cuối giờ chiều, những ngày nghỉ cuối tuần, nơi đây lại xuất hiện những học sinh, sinh viên của các trường trong TP. Hội An, trong tỉnh Quảng Nam, và cả sinh viên từ Đà Nẵng vào để... học ngoại ngữ.
Bạn Nguyễn Thị Lệ (1990) là sinh viên khoa Du lịch của trường Đại học Quảng Nam giải thích: “Chúng em là sinh viên, được học tiếng Anh hơn 7 năm khi còn ở bậc phổ thông, lên đại học được học chuyên ngành tiếng Anh du lịch mà vẫn không "ăn nhằm" gì nếu so với các cô chú buôn bán ở đây. Các cô chú nói tiếng Anh vừa trôi chảy, vừa chuẩn xác ".
Vì thế, cứ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Lệ đều cùng một nhóm bạn đến đây, vừa phụ giúp các tiểu thương bán hàng, vừa để được trò chuyện nhiều hơn với khách nước ngoài.
Bạn Võ Văn Bản, sinh viên năm cuối của trường Đại học Phan Chu trinh, TP.Hội An nói chắc nịch: "Đọc sách, học trung tâm Anh ngữ cũng không bằng được nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài. Ngay cả các thầy cô dạy ngoại ngữ của trường cũng thường xuyên ra đây để trau dồi thêm!".
Chợ thứ 7, chủ nhật rộn ràng hơn bởi có mặt của các bạn trẻ ham học này. Họ truyền tai nhau địa chỉ của những người bán hàng "nói ngoại ngữ như gió", thậm chí có người còn biết đến 3 - 4 ngoại ngữ khác nhau khiến không ít khách du lịch phải "tròn xoe mắt" thán phục.
Theo Bee