Thương hiệu Việt tan vỡ: Bibica ngay ngáy lo bị thôn tính

17/10/2012 10:04
Theo Vef
Với tỷ lệ nắm giữ gần 40% và vai trò chủ tịch HĐQT, phía Lotte có rất nhiều quyền lực để phục vụ cho những ý đồ riêng và có thể một ngày nào đó, Lotte - Bibica sẽ chỉ còn một cái tên Lotte, giống như kịch bản đã diễn ra với một số thương hiệu Việt khác, thua lỗ và dần dà biến thành công ty con của DN nước ngoài.

"Cái bắt tay" có ấm?
Đại hội cổ đông của công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) diễn ra ngày 24/3/2012 vừa qua đã gây nhiều ngạc nhiên cho các cổ đông khi ông Jung Woo Lee ( Hàn Quốc), Chủ tịch Bibica, dự định đổi tên Bibica thành "Lotte - Bibica". Nhiều người đã tỏ ra lo lắng, bức xúc trước nguy cơ thương hiệu Bibica có thể bị thâu tóm bởi Lotte.
Thực tế đã chứng minh, khi mất dần vai trò kiểm soát trong các liên doanh với nước ngoài, các DN Việt Nam thường mất luôn thương hiệu về tay đối tác.
Trước đó, ngày 4/10/2007, lễ ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Bibica và Lotte (Hàn Quốc) đã diễn ra. Theo đó, Bibica chuyển nhượng cho Lotte 30% tổng số cổ phần, tương đương khoảng 4,6 triệu cổ phiếu.
Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp Bibica đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. Theo thỏa thuận, Lotte giúp Bibica xây dựng hai nhà máy, gồm Bibica Miền Đông giai đoạn 2 và nhà máy Bibica Miền Bắc, hỗ trợ thương mại để Bibica nhập khẩu và phân phối sản phẩm của Lotte tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc. Phía Bibica thì có sẵn nhà máy Bibica Miền Đông và hơn 20.000 điểm bán hàng hỗ trợ cho Lotte ở khâu sản xuất và phân phối.

Đại diện phía Lotte ký vào bảng khánh thánh Nhà máy sản xuất bánh Lottepie hồi tháng 2/2010 (ảnh TBKTSG).
Đại diện phía Lotte ký vào bảng khánh thánh Nhà máy sản xuất bánh Lottepie hồi tháng 2/2010 (ảnh TBKTSG).

Thực chất đây là văn bản hợp tác toàn diện giữa hai bên, bao gồm các thỏa thuận về sản xuất, phát triển nhãn hàng, quản lý và phát triển các dự án đầu tư. Về phía Bibica, sẽ được nhận chuyển giao công nghệ từ Lotte; đổi lại, Lotte có thể tận dụng mạng lưới của phân phối sẵn có của Bibica để phân phối các sản phẩm nhập khẩu. Sự hợp tác này nhằm mục đích hai bên cùng lớn mạnh.

Lotte bước chân vào Bibica với tư cách cổ đông chiến lược đến nay đã được 5 năm. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực mà cả hai bên và các cổ đông kỳ vọng vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Theo thời gian, nhiều nghi vấn về đối tác đang nắm gần 39% cổ phần này liên tục được đặt ra.
Sau khi Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành Bibica, doanh số công ty đã có bước nhảy vọt. Doanh thu thuần của Bibica từ mức 545 tỷ đồng năm 2008 tăng dần lên 627 tỷ đồng (năm 2009) rồi 788 tỷ đồng (năm 2010) và vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2011. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại không gia tăng tương ứng. Nếu như năm 2009, Bibica đạt lợi nhuận 57 tỷ đồng thì năm 2010 con số này giảm xuống 42 tỷ đồng và chỉ tăng lên chút ít vào năm ngoái, đạt 46,4 tỷ đồng.
Doanh thu tăng, trong khi lợi nhuận giảm được phân tích là do Lotte ra áp lực yêu cầu Bibica không được sử dụng nhãn hàng Chocopie nên Bibica phải xây dựng thương hiệu riêng. Để phát triển dòng sản phẩm mới, Bibica đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí marketing khiến tỷ suất lợi nhuận của nhãn hàng thời gian qua âm 20%.
Điều đáng nói là với các sản phẩm Lottepie xuất khẩu (trong hợp tác hai bên, Bibica đã phát triển thương hiệu, sản xuất và phân phối sản phẩm bánh Lottepie, một nhãn hiệu thuần túy của Lotte), Bibica bán trực tiếp cho cổ đông lớn Hàn Quốc với giá 6,9 USD/thùng. Tuy nhiên, năm 2011, Bibica gặp sự cố dây chuyền sản xuất phải nhập khẩu ngược sản phẩm này tư nước ngoài vào để cung cấp đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa thì giá nhập từ Lotte lên tới 7,4 USD/thùng khiến tỷ suất lợi nhuận xuất nhập khẩu của Bibica âm 18%.
Ban lãnh đạo nội địa của Bibica nhận xét, trong hợp tác vừa qua, Bibica chỉ đóng vai trò là đơn vị sản xuất gia công và xây dựng thương hiệu riêng cho Lotte. Thời gian này, thị phần và thương hiệu của Bibica không được gia tăng tại nội địa.
Về dự án nhà máy tại Hưng Yên "dậm chân tại chỗ" từ năm 2009 tới nay, ban lãnh đạo người Việt của Bibica cho biết, cổ đông Hàn Quốc cũng đang gây sức ép với Công ty tương tự như dự án Lottepie trước đây. Họ gạt bỏ đề xuất sản xuất một số sản phẩm từ phía Việt Nam, các bất đồng này khiến cho dự án đã bị trì hoãn khá lâu. Đang "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" thì phía Lotte lại bất ngờ đề nghị đổi tên Công ty thành Lotte - Bibica khiến nhiều cổ đông lo ngại thương hiệu Bibica có nguy cơ bị xóa sổ.
Tại đại hội, nhiều cổ đông phía Việt Nam khá bức xúc trước việc Lotte ngày càng nắm nhiều quyền hành ở Bibica và có thể dùng quyền hành đó để đưa ra những quyết định có lợi cho họ. Các cổ đông cho rằng, với tỷ lệ nắm giữ gần 40% và vai trò chủ tịch HĐQT, phía Lotte có rất nhiều quyền lực để phục vụ cho những ý đồ riêng và có thể một ngày nào đó, Lotte - Bibica sẽ chỉ còn một cái tên Lotte, giống như kịch bản đã diễn ra với một số thương hiệu Việt khác, thua lỗ và dần dà biến thành công ty con của DN nước ngoài.

Vẫn lo ngay ngáy

Trước những phản ứng gay gắt của nhiều cổ đông, cuối cùng, phía Lotte đã rút lại yêu cầu đổi tên. Bước đầu, các cổ đông Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến gìn giữ thương hiệu Bibica, nhưng nguy cơ bị thôn tính của Bibica xem ra vẫn nguyên.
Sau 5 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác Bibica, đến nay Lotte đã nắm giữ được gần 40% cổ phần thương hiệu bánh kẹo - đang nắm thị phần lớn thứ hai tại thị trường nội địa này. Hiện tại, ngoài việc sản xuất những nhãn hiệu bánh kẹo truyền thống, Bibica đang phát triển khá mạnh một nhãn hiệu thuần túy có lợi cho Lotte - bánh Lottepie.


Một số cổ đông còn bày tỏ sự lo ngại về kế hoạch đầu tư trong năm 2012, với tổng giá trị dự chi khoảng 236 tỷ đồng của Bibica. Trong đó, riêng đầu tư tiếp cho dự án nhà máy Hưng Yên là hơn 208 tỷ đồng. Cổ đông lo ngại, giá trị đầu tư quá cao so với tiềm lực công ty có thể dẫn đến việc Bibica rơi vào tình huống lệ thuộc Lotte về mặt tài chính.
Theo các cổ đông, trên thực tế, Bibica chỉ có thể đảm bảo 100 tỷ đồng cho kế hoạch bằng vốn tự có, còn lại dự kiến sẽ đi vay hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, tình hình huy động vốn sắp tới không dễ dàng chút nào. Khi đó, rất có thể Lotte sẽ đề nghị hỗ trợ tài chính với chi phí thấp hơn thị trường. Sau đó, tập đoàn Hàn Quốc này sẽ tạo áp lực lên ban điều hành, hoặc đưa các khoản hỗ trợ tài chính thành vốn góp để gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Có ý kiến cho rằng với các quy định nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phiếu của công ty cổ phần, Lotte không thể hoàn toàn chiếm lĩnh được Bibica. Nhưng 51% cổ phần thuộc về Bibica lại nằm rải rác ở rất nhiều cổ đông, trong khi toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, chiến lược và chức vụ quan trọng - nhất là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính - đều do Lotte nắm giữ, thì Lotte vận hành Bibica theo guồng máy của họ là hiển nhiên.
Và sự thật là vào thời điểm tháng 3/2012 này, chưa cần sở hữu đến 49%, nhưng Lotte đã áp đảo các cổ đông có mặt trong HĐQT, như ông Trương Phú Chiến (từng ở vị trí chủ tịch HĐQT) nay là phó chủ tịch HĐQT, ông Võ Ngọc Thành (thành viên hội đồng quản trị)... với tỷ lệ nắm giữ cổ phần chỉ một vài phần trăm.
Việc Lotte mua cổ phiếu của Bibica trên sàn chứng khoán có thể nói là cách nhanh nhất để họ có thể bước chân vào thị trường bánh kẹo Việt Nam một cách chắc chắn, Lotte có thể sản xuất ngay trên nhà máy của Bibica Miền Đông, khai thác mạng lưới phân phối sẵn có của Bibica lên đến 20.000 cửa hàng mà không tốn công tốn sức để xây dựng từ đầu.
Theo nhận xét của các cổ đông, sau 5 năm hợp tác thì hiệu quả mang lại không như mong đợi, Lotte đã nhiều lần đưa ra những yêu sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Bibica. Cho đến nay, cách nhìn của hai đối tác vẫn hết sức khác nhau: trong khi phía Lotte cho rằng Bibica là công ty con của họ (do sở hữu trên 30% cổ phần), thì Bibica vẫn xác định Lotte chỉ là một đối tác chiến lược.
Các cổ đông phía Việt Nam của Bibica đang lên phương án chống lại kế hoạch thâu tóm của Lotte bằng việc tăng sở hữu lên trên 25%. Muốn thay tên Bibica, công ty bắt buộc phải sửa đổi lại điều lệ hoạt động. Theo quy định hiện hành, việc sửa đổi điều lệ công ty chỉ có giá trị pháp lý khi được ít nhất 75% số cổ phần tham dự đại hội cổ đông đồng ý . Việc sở hữu trên 25% sẽ giúp ngăn cản sự thâu tóm của Lotte trong thời gian tới.
Theo Vef