Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khởi công từ tháng 10/2011 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm khoảng 7,8 tỷ kWh, có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ, do vướng mắc trong cơ chế cấp vốn.
Vướng mắc trong cơ chế tài chính khiến cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chưa thể về đích và tiến độ dự án càng kéo dài càng bị đội vốn. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý điện lực dầu khí Thái Bình 2 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho thấy, tính đến 30/6/2019, giá trị giải ngân từ khi khởi công của nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 32,6 nghìn tỷ đồng, đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng ban quản lý dự án, đối với phần vốn vay nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng vay đã ký là hơn 937 triệu USD và đã giải ngân được trên 610 triệu USD. Đến nay, việc gia hạn thời gian giải ngân đối với các hợp đồng vay nước ngoài chưa được Bộ Tài chính đồng ý.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang cùng các bên cho vay đang trong quá trình xem xét, phê duyệt nội bộ để tiếp tục gia hạn giải ngân. Tuy nhiên, đối với phần vốn vay trong nước, hiện nay các ngân hàng vẫn chưa thu xếp vốn vay cho dự án.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ có đóng góp lớn cho quốc gia |
PVN đã phải có văn bản gửi Bộ Công thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi về hệ lụy khi dự án tiếp tục bị chậm tiến độ?
Ông Bùi Sơn Trường - Giám đốc ban điều hành dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (đại diện tổng thầu PVC) cho biết, nếu giải quyết được vấn đề vốn và cơ chế thì chúng ta không bị lãng phí 32 nghìn tỷ đã bỏ ra, vì hiện nay chậm ngày nào là phát sinh chi phí thêm ngày đó.
"Tiến độ dự án kéo dài thì chi phí cho bộ máy ban điều hành cũng tăng lên. Mỗi tháng chi phí cho ban điều hành, từ lương đến bảo vệ, điện nước, xe cứu hỏa, cứu thương,... tốn khoảng 3,5 tỷ đồng/tháng. Đó là những chi phí bất biến để duy trì bộ máy. Như vậy, chậm tiến độ 1 năm phải bỏ ra thêm hơn 40 tỷ đồng", ông Trường cho biết.
Theo ông Bùi Sơn Trường, dự án cần 1.000 tỷ để tiến vào giai đoạn đốt dầu và khoảng hơn 2.500 tỷ nữa để tiến vào giai đoạn đốt than.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các điều kiện thanh toán giải ngân trong nội bộ hợp đồng giữa bên A và bên B, hai là cơ chế giải pháp từ các bộ ban ngành và Chính phủ. Về phía tổng thầu, nếu không có những khoản như vậy chúng tôi không hoàn thành được dự án. Còn những hệ lụy tiếp sau đó, ở vai trò tổng thầu chúng tôi cũng chưa đánh giá hết được
Dự án này là tài sản, là của nhân dân, của đất nước. Nếu để nó thành đống sắt vụn thì đau xót vô cùng”, ông Trường nói.
Ông Bùi Sơn Trường - Giám đốc ban điều hành dự án nhiệt điện Thái Bình 2: "Đây là tài sản của nhân dân, của đất nước, rất đau xót nếu biến thành sắt vụn". ảnh: Ngọc Quang. |
Trước đó vào tháng 2/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.
Trả lời những kiến nghị của địa phương, liên quan đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư, phát triển tại địa phương như Công ty bia Hà Nội - Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Riêng đối với nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW, bộ trưởng nhấn mạnh: "Không có lí do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu dự án này. Nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các bộ, ngành liên quan và địa phương.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng: Hãy đoàn kết, chung sức vì sự phát triển PVN |
Theo PVN, để cụ thể hoá chủ trương hoàn thành dự án vào năm 2020 cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, riêng PVN không thể giải quyết được, đặc biệt là cơ chế thu xếp tài chính để nhanh chóng đưa dự án về đích.
Trong khi ấy, dự án đã ký hợp đồng vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài với giá trị 937,14 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải ngân được 610,32 triệu USD. Phần còn lại chưa được giải ngân là 326,83 triệu USD và đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018.
Đối với phần vay trong nước số tiền 4.600 tỷ đồng từ 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi đàm phán điều kiện vay, xin phê duyệt cho vay vượt hạn mức nhưng vẫn không thể triển khai được vì các ngân hàng này đưa lý do Ngân hàng Nhà nước đề nghị thẩm định lại dự án, thẩm định năng lực của nhà thầu EPC và cần xin phép Thủ tướng…
Việc tìm hướng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng gặp khó khăn, do dự án không thuộc Danh mục Cấp tín dụng Nhà nước theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP. Ngay cả việc PVN định thu xếp vốn từ nguồn trái phiếu trong nước hoặc khoản vay SACE không có bảo lãnh của Chính phủ cũng gặp khó khăn, bởi không được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp nhận.
Ngoài các nguyên nhân dẫn đến việc dự án có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ như nêu trên, PVN cho rằng: Chi phí quản lý dự án của Tổng thầu PVC tăng cao; hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án còn một số vấn đề không đảm bảo nên có rất nhiều việc hoàn thành nhưng không thể thanh/quyết toán (trong đó có cả yếu tố tâm lý của những cán bộ được cử đến “giải cứu” dự án này) và những rủi ro phát sinh về máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành, không vay thêm được vốn… cũng là những nguyên nhân quan trọng.
Để dự án có thể hoàn thành, PVN đã đề nghị áp dụng một số biện pháp cần phải giải quyết ngay, trong đó tập trung vào cơ chế/cách thức nghiệm thu từng phần - giải ngân cho dự án; phần vốn vay chưa được Bộ Tài chính cho giải ngân (hơn 327/937 triệu USD vốn vay nước ngoài đã được Chính phủ bảo lãnh và các Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước chưa cho vay), trước mắt cần sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân nhằm đáp ứng mục tiêu phát điện.
Cùng với đó, do sớm nhận diện được các khó khăn của dự án nên từ tháng 11/2017, PVN đã có các báo cáo Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền đã được PVN báo cáo tại các công văn số: 7490/DKVN-HĐTV ngày 24/11/2017; số 796/DKVN-BĐ-TCKT ngày 13/02/2019 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, chấp thuận nên nguy cơ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục bị chậm và chi phí tiếp tục bị đội lên nhiều tỷ đồng.