GÓC NHÌN:

10 năm khủng bố ở Mỹ, suy ngẫm về 3 thách thức của TK 21

11/09/2011 09:03
TS. Văn Đình Ưng
(GDVN) - Đó là 1 trong 3 sự kiện ghi dấu ấn đậm nét, và chắc chắn không phai mờ trong lịch sử nhân loại.
Nhân loại chia tay Thế kỷ 20 để bước vào Thế kỷ 21 với biết bao thăng trầm, thách thức, với những sự kiện lớn nhỏ diễn ra khắp nơi trên hành tinh của chúng ta, khiến nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà khoa học, nhà triết học đau đầu...

Vì có những sự kiện, có những thách thức đối với loài người quá lớn, quá lạ lùng, nằm ngoài dự đoán. Theo chúng tôi, có 3 sự kiện, 3 thách thức lớn đối với nhân loại trong khoảng 20 năm chuyển giao thế kỷ, từ Thế kỷ 20 bước vào Thế kỷ 21. Ba sự kiện này thật đáng suy ngẫm thấu đáo để tư duy, dự đoán tương lai.
Hai toà tháp biểu tượng của nước Mỹ bị khủng bố tấn công
Hai toà tháp biểu tượng của nước Mỹ bị khủng bố tấn công
Đó là 3 sự kiện ghi dấu ấn đậm nét, và chắc chắn không phai mờ trong lịch sử nhân loại trong thời gian chuyển giao thế kỷ 20-21. Ba sự kiện hết sức kỳ lạ, sự kiện này diễn ra cách sự kiện kia đúng 10 năm:

1/ Sự kiện ngày 19/8/1991: Mô hình Chủ Nghĩa Xã hội Liên Xô - thành trì của CNXH, biểu tượng của sức mạnh một chế độ xã hội mới đang lên, được xây dựng có bài bản trên cơ sở vận dụng Học thuyết khoa học và cách mạng Mác-Lênin, bị sụp đổ bởi tự những sai lầm xuất phát trong quá trình phát triển của chính mình;

2/ Sự kiện ngày 11/9/2001: Tòa Tháp đôi ở Mỹ - biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, tài chính, siêu cường quân sự của Mô hình Chủ nghĩa Tư bản Mỹ - thành trì của CNTB, bị lực lượng khủng bố tấn công làm sụp đổ;

3/ Sự kiện ngày 11/3/2011: Nhà máy điện nguyên tử Fukusima I của Nhật Bản- biểu tượng của sức mạnh khoa học công nghệ hàng đầu thế giới chinh phục thiên nhiên, bị động đất và sóng thần làm hư hại, tức là bị chính thiên nhiên tàn phá.

 Như vậy, chỉ riêng với 3 sự kiện lớn đó đã làm cho nhân loại thật sự bị choáng váng, bị sốc quá nặng khi chuyển từ Thế kỷ 20 bước vào Thế kỷ 21. Cùng với nó lại còn hàng trăm, hàng nghìn sự kiện, hiện tượng đau lòng khác đang làm cho mỗi người dân, mỗi nhà lý luận, nhà tiên tri lừng danh, mỗi nhà lãnh đạo đất nước, mỗi tổ chức quốc tế dù lớn dù nhỏ, cũng khó tránh khỏi bàng hoàng, lúng túng, thậm chí hoang mang trong hoạch định tương lai, trong niềm tin vào hiện tại.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn diễn ra, Thế kỷ 21 sau khi đưa nhân loại vượt qua 3 thách thức lớn, vẫn lao về phía trước với nhịp điệu ngày càng nhanh hơn, bất chấp loài người có trù liệu được tương lai của mình hay không.

Chủ Nghĩa Xã Hội vẫn đang sinh sôi, hồi sinh ở nơi này, nơi kia. Những tòa tháp đôi đã xây ở nơi này, nơi kia vẫn đang tồn tại và sẽ tiếp tục được xây dựng mới ở nơi này, nơi khác.

Những nhà máy điện nguyên tử đã có vẫn đang hoạt động và sẽ có những nhà máy điện nguyên tử thế hệ mới ra đời. Cuộc sống là như vậy, vận động và phát triển không ngừng, đó là quy luật, là biện chứng của tự nhiên.

Thế rồi, cũng như bao thế kỷ đã đi qua, khát vọng sống, động lực sống đã, đang và sẽ cho chúng ta niềm tin, hy vọng. Và thực tế khi bước vào thế kỷ mới chúng ta cần phải tin, hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhân loại đã từng trải qua biết bao cuộc khủng hoảng, biết bao thăng trầm, kể cả những cuộc chiến tranh diễn ra trên quy mô thế giới, nhưng đều đã vượt qua, tiến về tương lai.

Biết đâu, 3 sự kiện lạ lùng đó, 3 thách thức có tính thời đại đó, sẽ là những cú hích vĩ đại để loài người tư duy lại tương lai, điều chỉnh ngay những phương thức sản xuất của cải vật chất hiện tại, xem xét lại lối sống hiện tại của mình, đưa ra những triết lý sống mới.

Cũng do bệnh chủ quan, duy ý chí, mà dường như có lúc chúng ta quên mất một điều giản dị, rằng: loài người dù có những khả năng phi thường cải tạo cả thiên nhiên, bay lên Mặt Trăng và các hành tinh khác...thì cũng chỉ là một bộ phận của tự nhiên mà thôi. Chúng ta chỉ có thể nhận thức tự nhiên và khuôn theo tự nhiên mà sống, mà mưu cầu hạnh phúc, chứ không thể “lãnh đạo” tự nhiên được.


TS. Văn Đình Ưng