11 gia đình nông dân có nguy cơ mất hàng trăm triệu vì 'cò' XKLĐ

03/06/2012 07:24
Nguyễn Tiến
(GDVN) -11 gia đình ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã nộp hàng chục nghìn USD để cho con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với mong muốn có thu nhập cao nhưng khi sang đó họ phải làm việc khổ như 'nô lệ'.
Tin vào mức lương “hời”
Theo như phản ánh của những hộ gia đình ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Tháng 7/2010, ông Hoàng Văn Chiêm ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tới một số gia đình ở các xã lân cận 'môi giới' có nhu cầu lấy người đi nước ngoài làm thợ may với mức lương hấp dẫn.

Số tiền lương mà ông Chiêm đưa ra đối với mỗi lao động khi đi làm tại đây là từ 4 đến 5 triệu đồng (đối với người chưa biết may) và 6 đến 7 triệu đồng (đối với người biết may).

Người phụ nữ này đã chạy vạy nhiều nơi để vay tiền đóng cho con đi nước ngoài nên hiện nay đang lâm vào cảnh nợ nần
Người phụ nữ này đã chạy vạy nhiều nơi để vay tiền đóng cho con đi nước ngoài nên hiện nay đang lâm vào cảnh nợ nần

Số tiền này người lao động sẽ nhận được sau khi đa trừ hết chi phí ăn, ở và sinh hoạt. Đồng thời ông Chiêm cũng cho biết người lao động sẽ được hưởng chế độ làm việc ngày 8 tiếng, chủ nhật được nghỉ và nếu ngày lễ đi làm sẽ được hưởng lương gấp đôi ngày bình thường .

Chi phí để ông Chiêm đưa người sang Nga lao động là 2.200 USD. Trong đó 1.100 USD được nộp trước khi bay còn 1.100 USD còn lại được trừ dần vào lương của người lao động khi sang Nga làm việc. Thời hạn của hợp đồng lao động khi đi Nga ít nhất là 3 năm.
Trao đổi với phóng viên, các hộ gia đình này cho biết: Vì tin tưởng ông Chiêm là người cùng quê và cũng có con cái đang làm việc ở nước ngoài nên nhiều gia đình ở các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến đã tin tưởng vào những lời hứa của ông Chiêm.

Sau đó lần lượt 11 gia đình này đã đưa tiền cho ông Chiêm để lo cho con cái họ đi xuất khẩu lao động với tổng số tiên là 12.100 USD tiền mặt. Số tiền 12.100 USD còn lại sẽ được trừ vào lương của người lao động khi sang đó làm việc.
“Trước khi chúng tôi nộp tiền cho ông Hoàng Văn Chiêm, chúng tôi có làm tờ hợp đồng  giao kèo là khi chúng tôi đưa tiền cho ông Chiêm, ông Chiêm phải có trách nhiệm đưa con chúng tôi đi đến nơi về đến chốn, đồng thời phải có công việc ổn định, nơi ăn, chốn ở như ông Chiêm đã nói trước đó và hỏi ông ấy là có nhất trí thì kí vào tờ hợp đồng này.

Ông Chiêm nói là nhất trí, khi chúng tôi giao tiền ông Chiêm bảo để hợp đồng tôi kí rồi phô tô là ba bản gửi ông Tráng (người có con cũng đi xuất khẩu lao động – PV) đưa chúng tôi sau”, bà Phùng Thị Tuyết (xã Nam Phương Tiến) cho biết. 
Tuy nhiên sau đó ông Chiêm đã không đưa lại những bản hợp đồng này lại cho mọi người.

11 gia đình này mong các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ sự việc trên
11 gia đình này mong các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ sự việc trên

Mất hàng chục nghìn USD đi làm khổ như “nô lệ”

Sau khi 11 gia đình này đã nộp tiền cho ông Chiêm, hơn 1 tháng sau đến ngày 1/10/2010, 11 lao động này đã được đưa xuất khẩu sang nước ngoài để làm việc. Tuy nhiên khi những lao động này tới nơi thì bắt đầu nhận ra sự thật không như những gì mà ông Chiêm đã quảng cáo.
Theo phản ánh của những người trực tiếp sang bên đó làm việc cho biết, mỗi ngày họ phải làm việc hơn 12 tiếng, không có ngày nghỉ. Tuy làm việc trong điều kiện hết sức vất vả trong các xưởng may nhưng nhiều tháng liền họ phải làm việc mà không được chủ trả lương. Thậm chí khi họ hỏi về vấn đề này thì bị những người quản lý trong các xưởng may ở đó mắng mỏ và đưa đi làm ở trong các trại quản thúc...?
Những người lao động cho biết, họ đi bằng đường du lịch nên phải chốn chui chốn lủi. Gần một năm sau nhiều người đã bị đưa dần về nước. “Có người đi được gần 10 tháng, có người đi được gần một năm không được đồng tiền công nào mà phải vay tiền để mua vé máy bay về nước”, những người trực tiếp đi lao động ở nước ngoài về cho biết.
Sau khi về nước, gia đình 11 lao động này đã đến nhà ông Chiêm để yêu cầu ông Chiêm phải có trách nhiệm với gia đình họ. Tuy nhiên ông Chiêm tuyên bố là mình không có trách nhiệm gì đối với 11 gia đình trên. Cực chẳng đã, những gia đình trên đã làm đơn tố cáo ông Chiêm tới cơ quan công an nhưng cho tới nay vẫn chưa nhận được hồi âm gì.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Xuân Thiện, Trưởng Công an xã Nam Phương Tiến cho biết: “Công an xã đã nhận được đơn của các gia đình tố cáo của các gia đình liên quan đến việc ông Chiêm đưa người đi lao động ở nước ngoài từ ngày 19/2/2012. 

Vì việc này vượt quá thẩm quyền của xã nên xã đã xin ý kiến của công an huyên và vẫn đang tiến hành giải quyết. Khi công an xã triệu tập ông Chiêm lên lấy lời khai, ông Chiêm cũng thừa nhận việc nhận của 11 gia đình, mỗi gia đình là 1.100 USD, Ông Chiêm không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động".

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những gia đình có con em đi nước ngoài này có hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải vay nợ nhiều nơi để nộp tiền cho ông Chiêm. Hiện nay rất nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc này...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin về diễn biến của sự việc này đến với độc giả...

Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Vụ bỏ đói bệnh nhân phong ở Hà Đông
Vẻ đẹp thanh tịnh ở những ngôi chùa đẹp nhất VN
Phì cười xem biển quảng cáo
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot

Nguyễn Tiến