30 năm sống bên những xác chết

12/05/2012 16:40
Theo Hải Minh/Phụ nữ và đời sống
Trước đây tôi cứ nghĩ rằng coi nhà xác là công việc ghê rợn nhất trần gian nhưng nếu so với công việc của người đàn ông và người phụ nữ dưới đây thì công việc coi nhà xác cũng “bình thường thôi”. Họ là hai người không thể thay thế ở Viện giải phẫu (Đại học Y Hà Nội), nơi lưu giữ rất nhiều tử thi được ngâm trong các bể bảo quản phục vụ công tác học tập, nghiên cứu giải phẫu của sinh viên y khoa.
Một người chuyên làm nhiệm vụ đi nhận xác hiến cho y học, ngâm tẩm hoá chất để bảo quân rồi vớt các tử thi để phục vụ cho những giờ thực hành giải phẫu, người còn lại mấy chục năm nay trông coi Viện giải phẫu một mình, lầm lũi đi đi về về nơi được mệnh danh là “âm phủ trốn trần gian”.

“Mẹ ơi mẹ về đi không ma ám”

Lần nào cũng thế, cứ đi ngang Viện giải phẫu nằm trên con phố Pasteur là nhiều người lại có cảm giác rùng mình. Rùng mình vì cái không khí liêu trai nơi đây lúc nào cũng phảng phất.

Những người sống xung quanh chốn này thì bảo âm khí chỗ này rất nặng nên đi ngang qua thôi, nhiều người cũng muốn đi cho nhanh.

Sự thực thì Viện giải phẫu đúng là cũng âm u thật. Viện này cũng đã có lịch sử hình thành và phát triển cả trăm năm, từ khi Đại học Y Hà Nội được người Pháp xây dựng. Từ ngày ấy Viện giải phẫu đã có chức năng tiếp nhận, bảo quản và nghiên cứu tử thi phục vụ cho ngành giải phẫu y học.

"Dị nhân" 30 năm sống bên những xác chết, Tin tức trong ngày, vien giai phau, giai phau nguoi, hien xã, hien noi tang, sinh vien y khoa, sinh vien y thuc hanh, thuc hanh tren xac chet, thuc hanh o truong y, phau thuat, xac chet, mo xac, kham nghiem tu thi, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Bà Nguyễn Phương Nam với công việc hàng ngày là quét dọn, trông nom Viện Giải phẫu

Thế nên, có lẽ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn xác chết đã “đến” rồi “đi” khỏi nơi này. Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, giảng viên bộ môn giải phẫu là người chỉ lối cho chúng tôi khám phá nơi mà anh gọi là “nơi công tác” của mình.

Anh Nghĩa trấn an: “Tôi thấy những người sợ ma là những người hay làm điều mờ ám thôi chứ chẳng ma nào nỡ hại người tốt cả”.

Cảm giác đầu tiên khi vào khuôn viên của Viện này là vắng vẻ, đúng như cách những người ác miệng vẫn đồn thổi là: “Nơi ma nhiều hơn người”. Nhưng cái vắng không sợ bằng sự u tịch và cũ kĩ. Có lẽ đến vài chục năm nay nơi này không được sửa sang, quét vôi lại.

Chắc vì người ta nghĩ sửa sang nhà cửa, phòng ốc thì “ma” ở là chính chứ người đâu có ở và làm việc nên chẳng ai chịu đầu tư sửa chữa. Ở giữa khu nhà của Viện là một khoảng sân rộng cỏ mọc um tùm, rêu phong bám đầy trên những mảng tường vôi vữa chóc lở.

Đang lạnh người vì chốn liêu trai này thì tôi như hồn bay phách lạc với cái vỗ vai nhè nhẹ: “Này, làm gì đấy?”. Trong một tích tắc chưa kịp định thần, tôi ngỡ: “Thôi xong rồi, ma hỏi thăm rồi” nhưng vừa quay lại thì tôi gặp một người phụ nữ đã ngoại ngũ tuần, dáng vẻ khắc khổ. Bà cầm theo cây chổi và mặc bộ blouse trắng toát. Cười một nụ cười thân thiện bà tự giới thiệu: “Cô là lao công ở đây. Cháu đến đây làm gì?”.

Ở Viện này chỉ có một lao công duy nhất, phụ trách luôn cả việc thu dọn những trang thiết bị giải phẫu. Bà Nguyễn Phương Nam, năm nay đã 53 tuổi nói rằng bà đã làm công việc này gần 30 năm nay.

"Dị nhân" 30 năm sống bên những xác chết, Tin tức trong ngày, vien giai phau, giai phau nguoi, hien xã, hien noi tang, sinh vien y khoa, sinh vien y thuc hanh, thuc hanh tren xac chet, thuc hanh o truong y, phau thuat, xac chet, mo xac, kham nghiem tu thi, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Ông Nguyễn Văn Lâm: “Đây là phương tiện giúp tôi vận chuyển xác cho sinh viên thực hành phẫu tích”

Cái duyên đưa đẩy bà đến với công việc này vì gia đình ngày trước khó khăn, bà chấp nhận bất cứ công việc gì. Hơn nữa bà Nam bảo: “Việc ở đây thì nhàn. Bao năm qua vẫn vậy”.

Người phụ nữ này hơn gần 30 năm qua ngày nào cũng tỉ mẩn quét dọn từng căn phòng, nơi đặt những quan tài bằng inox chứa tử thi, rồi những phòng giảng dạy giải phẫu bằng trực quan cho sinh viên nhưng đáng kể nhất phải kể đến khu bể chứa xác mới ngâm thuốc mà bà khuyên tôi: “Đừng lại gần”. Người đàn bà lao công này phải làm công việc này một mình là bởi Viện giải phẫu không thể tìm ra một ai chấp nhận công việc này.

“Nếu có ai làm thay thì có lẽ tôi cũng xin nghỉ thôi. Nhưng khổ nỗi đứa nào vào đây làm được vài ngày cũng bỏ. Dù tôi đã nói chuyện, động viên trấn an tinh thần họ rằng không có ma quỷ gì ở đây cả nhưng lý do ra đi của tất cả đều gói gọn trong một từ - sợ!”.

Bà Nam bảo rằng, đúng là để gắn bó được với công việc này đến ngày hôm nay, bà cũng đã phải vượt qua rất nhiều nỗi sợ hãi.

“Lúc đầu mới đến đây tôi cũng sợ chứ. Làm vài năm rồi vẫn thấy sợ. Thậm chí đến bây giờ có nhiều người bảo tôi có ma tôi vẫn sợ. Chỉ có điều tôi biết rằng, sẽ không có ma quỷ nào làm hại mình nên tôi yên tâm làm thôi” - bà Nam tâm sự.

Các con của bà Nam là những người không thích công việc này của bà nhất. Bà có hai cô con gái và cả hai đứa đều không muốn bà làm nghề này. “Hồi các con tôi còn bé trước khi tôi đi làm là chúng lại nhắc rằng: “Mẹ ơi mẹ nhớ về sớm không ma ám!”.

Còn bây giờ nếu có đến gặp tôi thì chúng cũng chỉ dám đứng ngoài cửa chứ không vào bên trong này”. Người phụ nữ lao công này bảo rằng nếu bà kể về những lần “gặp ma” của bà khi làm việc ở đây thì có lẽ không ai dám đến chứ đừng nói là làm công việc này.

“Tôi thường phải dọn dẹp sau khi các sinh viên kết thúc giờ thực hành, đó là thời điểm chỉ có một mình tôi. Có lần tôi nghe có tiếng người bảo ở lại chơi cho vui. Lần khác đã đóng hết các cửa sổ rồi nhưng khi gần về thì các cửa lại mở bung ra”.

Bà bảo: “Có thể đó chỉ là trò đùa của một sinh viên nào đó. Hay thậm chí là một cơn gió cũng có thể làm cho cửa mở. Ở đây vắng vẻ lại ít đồ đạc nên chỉ một tiếng nói cũng vang rất xa nên nhiều người sợ và tin rằng ngôi nhà này có ma thôi”.

Ế vợ vì “âm khí” quá nặng

Gia nhập Viện giải phẫu sau bà Nam 10 năm nhưng ông Nguyễn Văn Lâm lại đảm nhận một công việc cần nhiều đến sức lực hơn: Khuân vác xác chết.

Nhiệm vụ của người đàn ông này là đi nhận các xác vô thừa nhận, xác hiến cho y học về tẩm hoá chất, ngâm trong bể phục vụ nghiên cứu, và thực hành giải phẫu.

Trong các giờ thực hành của sinh viên y khoa, ông vớt xác từ bể lên, để trên bàn giải phẫu cho ráo nước rồi sau khi cái xác được giải phẫu ông lại “gói ghém” tất cả cất đi.

"Dị nhân" 30 năm sống bên những xác chết, Tin tức trong ngày, vien giai phau, giai phau nguoi, hien xã, hien noi tang, sinh vien y khoa, sinh vien y thuc hanh, thuc hanh tren xac chet, thuc hanh o truong y, phau thuat, xac chet, mo xac, kham nghiem tu thi, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Giờ thực hành giải phẫu của sinh viên Y khoa trên xác người

Ông Lâm bảo rằng: “Đúng là công việc của tôi là độc nhất vô nhị. Nhiều người nói tôi dị nên họ xa lánh và sợ tôi như… sợ ma”. Cũng như bà Phương Nam, ông Lâm đến với công việc này tình cờ rồi gắn bó luôn với nó.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, ông Lâm ấp ủ ước mơ được theo học y khoa để trở thành thầy thuốc. Không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn nhưng ông vẫn nuôi giấc mộng một ngày nào đó được công tác trong ngành y.

Khi có người giới thiệu với công việc trông coi tử thi, ông Lâm chưa định hình nổi nhưng cũng mau chóng gật đầu. Ông không biết rằng cái tặc lưỡi nhận lời ấy đã thay đổi cuộc đời ông, gắn chặt ông với một trong những công việc mà người ngoài nhìn vào ai cũng nổi da gà.

Lần đầu tiên “lượm xác” về cho Viện giải phẫu, ông Lâm được cử đi lấy một tử thi vô thừa nhận cùng cán bộ Viện. Chưa có kinh nghiệm, ông Lâm nhắm mắt nhắm mũi đưa được cái xác về nhưng đêm đầu tiên bước chân vào nghề cũng là đêm ông không thể chợp mắt.

Ông bảo: “Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy cái xác. Thậm chí đó là một xác chết đã bốc mùi và cái mùi đó tôi cũng không thể quên được dù sau khi về nhà tôi đã tắm 4-5 lần”.

Thấm thoắt, ông Nguyễn Văn Lâm đã làm công việc này được 20 năm. Ông không nhớ nổi mình đã đi nhận bao nhiêu cái xác cho Viện giải phẫu. “Có lẽ đến cả trăm tử thi rồi. Còn công việc thường ngày của tôi vẫn là mỗi ngày vớt một xác ra để sinh viên thực hành phân tích rồi lại cất xác đi”- ông nói.

Ông Lâm tự thấy công việc mình đang làm cũng “bình thường như bao nghề khác” nhưng những người xung quanh ông thì luôn coi ông là “kẻ lập dị”. Người ta còn gắn cho ông cái biệt danh Lâm “âm phủ”.

Dần dà ông Lâm bị mọi người xa lánh vì ai cũng sợ gần ông thì “âm khí” nặng lắm. Đàn ông sợ, đàn bà con gái cũng gặp ông là lảng tránh nên giờ đã ngoại tứ tuần nhưng người đàn ông này vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai.

Hình như vì giờ sống và làm bạn với người chết nhiều hơn là người sống nên ông cũng có thái độ bất cần với “dương gian”. Ông nói: “Tôi không có nhu cầu tiếp xúc với ai hay mở rộng quan hệ. Họ nhìn thấy tôi là đã sợ rồi nhưng nói thật là giờ tôi nhìn nhiều người sống còn đáng sợ hơn người chết”.

Ông Lâm chưa bao giờ yêu và có lẽ ông cũng không có ý định lấy vợ. Ông tâm sự rằng: “Nếu lấy vợ chắc chắn tôi phải bỏ nghề nhưng tôi thì lại không muốn điều đó”.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, trưởng bộ môn giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) nói rằng: “Bộ môn sẽ rất khó khăn nếu vắng những người như bà Nam, anh Lâm. Họ thầm lặng nhưng có đóng góp rất ý nghĩa cho bộ môn. Nếu sau này họ nghỉ chúng tôi không biết sẽ tìm đâu ra người thay thế”.

Tình người gửi lại… những xác chết

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, ngay trong Viện giải phẫu có phòng khâm liệm và cầu siêu cho các xác chết được mang về đây. Hàng năm, bộ môn và trường Đại học Y đều tổ chức lễ cầu siêu và tri ân những người hiến xác cũng như gia đình họ.

Vào những ngày lễ tết, ngày giỗ của những người hiến xác, gia đình họ đều đến đây thắp hương. Đó là lúc, những người như bà Nguyễn Phương Nam, ông Nguyễn Văn Lâm được nghe về những câu chuyện thật đặc biệt về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp khi đã chết đi vẫn hiến thân thể cho khoa học.

Ông Lâm bảo rằng, nếu không có những người hiến xác thì không có dụng cụ trực quan cho sinh viên nghiên cứu, phẫu tích và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tay nghề của các bác sĩ tương lai. “Vì thế tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cảm ơn những người đã khuất nhưng vẫn gửi cơ thể lại cho trần gian”.

Điểm nóng

Bộ GTVT chính thức lên tiếng về Đề án trụ sở 12.000 tỷ đồng

Hà Nội: Cả khu chợ Trời náo loạn vì taxi lao điên cuồng trên phố

Cận cảnh vụ hành hung dã man hai nhà báo tại Văn Giang qua ảnh

Viết chữ xấu, một học sinh bị đòn nhừ tử

Giám đốc CA tỉnh Hưng Yên: Việc 2 nhà báo bị hành hung là ngoài ý muốn

Google Maps sửa lỗi vi phạm chủ quyền Việt Nam

Giây phút kinh hoàng hai phóng viên bị hành hung ở Văn Giang

Theo Hải Minh/Phụ nữ và đời sống