5 không của người Đà Nẵng khiến người Hà Nội phải thèm thuồng

13/07/2012 13:16
Độc giả Trà Giang
(GDVN) - “Không nhìn thấy rác là một trong những ấn tượng của tôi với thành phố Đà Nẵng. Nếu bạn thường xuyên đi ăn hàng quán ở Hà Nội, nhất là các quán vỉa hè chắc không lạ gì cái cảnh khách vào sau dẫm lên rác của bao khách vào trước xả ra. Nhiều quán ăn ở Hà Nội còn có thói quen cuối bữa mới quét dọn”, độc giả Trà Giang chia sẻ.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng lớn, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian qua nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử phục vụ, văn hóa nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong những phản hồi ấy là của độc giả Trà Giang với nội dung kể lại chuyến du lịch đáng nhớ tại Đà Nẵng, khi độc giả này cảm nhận được cách cư xử rất mực thân thiện, mến khách của người dân nơi đây. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng bài viết này. 


Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Internet.
Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

Chuyến du lịch thành phố Đà Nẵng của gia đình tôi chỉ vỏn vẹn 4 ngày. Tôi trở lại với thủ đô Hà Nội, nơi tôi đã sống 15 năm và nhận ra rằng ở Đà Nẵng có những điều mà người dân thủ đô phải mơ ước. 

Bãi biển Mỹ Khê không hổ thẹn là một trong sáu bãi biển đẹp của thế giới. Tạo hóa ưu đãi cho địa thế chỉ là một phần. Ở đây tôi muốn nói đến ý thức và nhân cách của những con người sinh sống ở đây ngay cạnh bờ biển. Sau vài lần đi ăn nhà hàng, gặp người trên phố được nghe họ nói chuyện quả thật tôi chẳng còn phải lo lắng chuyện trộm cắp, hoàn toàn yên tâm để hẳn túi đồ có cả máy ảnh, điện thoại, ví ngay cạnh bờ biển để tắm biển thỏa thích. 
Tôi ngạc nhiên khi thấy ông chú họ chở tôi ra chợ Hàn, đến nơi ông để xe máy ngay đầu cổng chợ, không có người trông và dẫn tôi vào mua hàng. Ở Hà Nội bạn dám rời nửa bước nếu trước các cửa hàng, chợ không có người trông xe? 

Tôi đi vào Nhà thờ họ Trần, khu nhà cổ nhất nhì của Đà Nẵng. Vào đến nơi giật mình nhớ ra cái túi máy ảnh có cả 2 chiếc điện thoại trong đó hình như đã để quên ở nhà hàng trong phố cổ. Tôi đứng ngồi không yên. Rời khỏi khu nhà thờ và đang tính gọi điện cho bạn bè đang ngồi ở đó tìm cái túi thì lại nhìn thấy nó treo ở ngay xe của ông chở xích lô. Tôi mừng thấy rõ.

Ông xích lô bảo "yên tâm đi, ở đây không mất được đâu" mặc dù biết tỏng lòng mình vẫn thấy lo lo, không biết có còn nguyên đồ trong đó. Có lẽ nỗi lo lắng ấy đã trở thành thói quen vì nó hoàn toàn có thể xảy ra tại Hà Nội.


Đường Bạch Đằng, Đà Nẵng. Ảnh: Internet.
Đường Bạch Đằng, Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

Không nhìn thấy rác là một trong những ấn tượng của tôi với thành phố này. Nếu bạn thường xuyên đi ăn hàng quán ở Hà Nội, nhất là các quán vỉa hè chắc không lạ gì cái cảnh khách vào sau dẫm lên rác của bao khách vào trước xả ra. Nhiều quán ăn ở Hà Nội còn có thói quen cuối bữa mới quét dọn.

Cũng là quán vỉa hè, không máy lạnh, không sang trọng gì, mỗi quán chỉ kê có 5 - 7 cái bàn cạnh đường bờ biển. Nhưng cứ mỗi lần khách đứng dậy chủ quán lại cầm chổi và hót rác đi dọn hết. Khách ra vào đông nhưng không thấy rác dưới gầm bàn. Trước khi đến với biển, nhân viên công ty du lịch dặn chúng tôi cần lưu ý với quy định không được mang túi ni lông hay đổ rác ra gần bãi biển. Không trộm cắp, không xả rác, không gái mại dâm, không có người ăn xin là những gì mà tôi chứng kiến trong mấy ngày ở Đà Nẵng. 

Nhân viên công ty du lịch nói với chúng tôi rằng Đà Nẵng là thành phố của 5 không và chỉ mới tiết lộ với chúng tôi 2 không là không mại dâm và không ăn xin. Không biết trong những cái tôi được biết đã nằm trong 5 không chưa nhưng cũng đủ để lại trong tôi những ấn tượng đẹp mà những con người đang sinh sống tại Hà Nội bây giờ phải suy nghĩ.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Trà Giang