Ấn Độ nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới năm 2011

27/12/2011 13:11
Trịnh Tuân (theo vpk)
(GDVN) - Cuộc chạy đua với Trung Quốc và tham vọng trở thành cường quốc thế giới đã khiến Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới năm 2011

Theo một số liệu sơ bộ từ Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (TSAMTO) Nga, trong năm nay, Ấn Độ đã chi tới 6,61 tỉ đôla cho việc nhập khẩu vũ khí và trở thành nhà nhập khẩu vũ khí số 1 thế gới.

Qua số liệu thống kê từ 104 quốc gia, trong năm 2011, giá trị nhập khẩu vũ khí của thế gới đạt 70,2 tỉ đôla. Đây là một con số kỷ lục trong suốt thời gian kể từ khi kết thúc "Chiến tranh lạnh".

Trong tổng số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới năm 2011, Ấn Độ chiếm tới 9,4%. Con số này của giai đoạn 2006-2010, theo một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vào tháng 3/2011 là 9%.

Dự kiến đến năm 2012, Ấn Độ sẽ vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế gới, chiếm 12,3% số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới với tổng giá trị lên tới 8,03 tỉ đôla.

Su-30MKI của Ấn Độ
Su-30MKI của Ấn Độ

Xếp ở vị trí thứ 2 là một bất ngờ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong năm 2011 được xem là một trong những nước nước bạo chi nhất trên thị trường vũ khí thế giới.

Với việc chi tới 6,14 tỉ đôla cho nhập khẩu vũ khí (chiếm 8,7% số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới), UAE đã đánh bật Trung Quốc để soán lấy ngôi vị số 2. Theo dự báo của TSAMTO, đến năm 2012, UAE sẽ chi 5,01 tỉ đôla cho việc nhập khẩu vũ khí (chiếm 7,7%).

Úc xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong năm 2011, Úc chiếm 7,4% số vũ khí nhập khẩu toàn cầu khi chi tới 5,23 tỉ đôla cho việc nhập khẩu vũ khí. Con số này theo dự kiến của TSAMTO vào năm 2012 sẽ giảm đi đáng kể với tổng giá trị 2,42 tỉ đôla (3,7%).

Việc Trung Quốc không nằm trong số những quốc gia bạo chi nhất trên thị trường vũ khí năm nay không phải là một bất ngờ lớn, khi mà nước này hiện đại hóa quân đội bằng các nguồn lực dồi dào trong nước và tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp vũ khí nội địa, điều mà Ấn Độ chưa làm được.

Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của xe tăng Nga năm 2011
Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của xe tăng Nga năm 2011

Tiếp theo trong bảng xếp hạng những ông lớn nhập khẩu vũ khí toàn cầu là Saudi Arabia - 4,74 tỉ đôla (6,8%), Hàn Quốc - 3,61 tỉ đôla (5,1%), Iraq – 2,75 tỉ đôla (3,9%), Hoa Kỳ - 2,43 tỉ đôla (3,5%), Venezuela – 2,33 tỉ đôla (3,3%), Thổ Nhĩ Kỳ - 2,08 đôla (3,0%), Pakistan – 1,81 tỉ đôla (2,6%).

Việt Nam xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng của TSAMTO với việc chi 1,74 tỉ đôla cho việc nhập khẩu vũ khí, chiếm 2,5% số vũ khí nhập khẩu toàn thế giới, chủ yếu là vũ khí Nga.

Trong số 10 hợp đồng cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Nga trong năm 2011, Việt Nam có tới 5 bản hợp đồng, bao gồm hợp đồng cung cấp hộ vệ hạm tên lửa Gepard 3.9 và tàu tuần tra thuộc Project 10412 Svetlyak cho Hải quân Việt Nam; bàn giao hệ thống Bastion-P thứ hai và chương trình cung cấp bộ phận để lắp đóng tàu Molniya tại Việt Nam.

Hộ vệ hạm tên lửa Lý Thái Tổ của Việt Nam
Hộ vệ hạm tên lửa Lý Thái Tổ của Việt Nam

Trong giai đoạn 2011-2014, Việt Nam cùng với Ấn độ và Venezuela là 3 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, chiếm đến 67,5% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự của nước này.

Singapore là quốc gia Đông Nam Á thứ 2 sau Việt Nam nằm trong số những khách hàng lớn nhất của thị trường vũ khí thế gới năm 2011 với 1,56 tỉ đôla (chiếm 2,2%). Con số này của Thái Lan chỉ là 774 triệu đôla.

Trịnh Tuân (theo vpk)