“Anh Văn ra đi nhưng những lời căn dặn với Hải quân Việt Nam còn mãi”

06/10/2013 06:25
Hoàng Lực (thực hiện)
(GDVN) - Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam run run, nghẹn ngào chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi ông hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
7 giờ sáng. Còn quá sớm để bắt đầu một ngày làm việc của một vị Thiếu tướng đang ở tuổi 78. Nhưng hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Chuẩn Đô đốc - Thiếu tướng Lê Kế Lâm để báo cho ông biết hung tin này, khi nhắc đến tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, vị Thiếu tướng 78 tuổi không khỏi nghẹn ngào “buồn quá cháu ơi, dù biết ngày này sẽ đến nhưng sao lại nhanh vậy...!”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi những lời căn dặn của Đại tướng với Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam còn mãi
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi những lời căn dặn của Đại tướng với Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam còn mãi


Qua lời kể của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, khi ông hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào chiều tối 4/10 khiến ông lặng người, mọi thứ suy nghĩ trong ông cứ quẩn quanh, cứ bố rối: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn đã mất!..." 

Theo thói quen sinh hoạt hàng ngày cứ mỗi sớm Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm lại dạy sớm thể dục nhưng hôm nay khác, ông dạy từ sớm hơn, nhâm nhi chén trà hồi tưởng những thời gian quý báu được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần Đại tướng đến thăm Học viện Hải Quân nơi ông từ công tác.

Theo lời Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, anh Văn (bí danh thân thuộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà người Anh ấy luôn dành sự ưu ái quan tâm đặc biệt tới lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

“Tôi không nhớ con số chính xác nhưng rất nhiều lần Đại tướng đã đến thăm cán bộ giảng viên, học viên của Học viện Hải Quân, mỗi lần Đại tướng đều căn dặn các chiến sĩ học viên phải cố gắng học tập rèn luyện đạt thành tích tốt nhất. Rồi Đại tướng nói chuyện về tầm quan trọng của biển đảo và giữ gìn bảo vệ biên giới biển đảo”. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho biết.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nghẹn ngào khi hay tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nghẹn ngào khi hay tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời 

Chuẩn Đô đốc Lê Kê Lâm nhớ lại, nói chuyện với chiến sĩ học viên tại Học viện Hải quân trong những lần Đại tướng đến thăm những người lính, tính cách ông không câu nệ lễ nghi...Đại tướng bắt tay ngồi trò chuyện với cán bộ học viên như những người lính, đồng đội với nhau. Đại tướng là người thấu hiểu khó khăn của người lính hải quân khi chiến đầu trên biển ngoài kẻ thù còn là sóng giữ, gió lớn với bao khó khăn nói đến đó Đại tướng nhận mạnh: “Càng khó khăn càng phải tích cực rèn luyện học tập để bảo vệ tổ quốc bảo vệ nhân dân”. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhớ lại.

Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hiểu sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của biển đảo quê hương cả về quốc phòng và kinh tế.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của ta đang bị chiếm giữ trái phép”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.

Còn Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 đã chia sẻ những kỷ niệm của mình.

Ông nhớ: "Tôi không được nghe trực tiếp mà qua Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân có nhắc lại chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.
Sau khi nghe chỉ thị này, anh em mới bàn nhau: “Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đến là đánh và quyết đánh thắng ngay trận đầu” Thiếu tướng Mai Năng kể lại.
Tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 2 ngày 12 và 13/10/2013

Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4 tháng 10 năm 2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

"Linh cữu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.

Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình).

Trong hai ngày tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12 và 13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.
./.
Hoàng Lực (thực hiện)