Argentina mua máy bay TQ cũng khó làm thay đổi cân bằng đảo Malvinas

20/02/2015 08:35
Việt Dũng
(GDVN) - Argentia và Trung Quốc đạt được nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng trên nhiều phương diện như chế tạo xe chở quân bọc thép, tàu chiến, máy bay chiến đấu...
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo, lệ thuộc vào nhập khẩu động cơ Nga
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo, lệ thuộc vào nhập khẩu động cơ Nga

Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 10 tháng 2 đưa tin, trong thời gian thăm Trung Quốc, Tổng thống Argentina Christina đã đạt được nhất trí với Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác quân sự song phương. Hai bên hợp tác cùng thắng, phía Trung Quốc sẽ thông qua Argentina, tiếp tục mở cửa thị trường bán vũ khí Mỹ Latinh, trong khi đó Argentina cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của Trung Quốc, tăng cường thực lực quân sự của nước này.

Bài báo cho rằng, Công ty công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc sẽ cùng với phía Argentina hợp tác chế tạo xe chở quân bọc thép đổ bộ bánh lốp 8 x 8 Type VN1, tàu phá băng mới, tàu kéo hải quân, bệnh viện di động và chế tạo tàu chiến mới cho Hải quân Argentina.

Trong đó, tàu chiến mới rất có thể là tàu tuần tra biển gần Type P-18N lượng giãn nước 1.800 tấn, 2 chiếc sẽ chế tạo ở Trung Quốc, sau đó sẽ chế tạo 3 chiếc ở Argentina. Hai bên sẽ tăng cường giao lưu sĩ quan. Ngoài ra, Trung Quốc và Argentina cũng sẽ thành lập Tiểu ban công tác mới để hỗ trợ cho hai bên tiến hành hợp tác trong chương trình máy bay chiến đấu.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí vào ngày 5 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Agustin Rossi cho biết, Argentina dự định bán xe chở quân bọc thép đổ bộ Type VN1 cho các nước Mỹ Latinh khác. Điều này cũng có nghĩa là Argentina sẽ không quan tâm đến mua xe chở quân VBTP-MR do Bộ Quốc phòng Brazil và phía Italia hợp tác phát triển.

Từ đưa tin của Argentina sau hội nghị có thể cho thấy, Trung Quốc và Argentina đã tiến hành đàm phán về vấn đề bán 14 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long của Công ty máy bay Thành Đô – công nghiệp hàng không Trung Quốc. Nhà máy chế tạo máy bay FAdeA Argentina trước đó từng cho biết, họ rất quan tâm đến hợp tác với Trung Quốc sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ Kiêu Long, đồng thời cho biết có ý định bán loại máy bay chiến đấu này cho các nước Mỹ Latinh khác.

Hai bên cũng đã đạt được nhất trí về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ. Phía Trung Quốc sẽ thành lập một trạm giám sát và điều khiển tàu vũ trụ diện tích 200 ha ở miền nam Argentina. Quyết định này sẽ giúp Trung Quốc hoàn thiện mạng lưới vệ tinh của họ, có lợi cho xây dựng trạm không gian vũ trụ và phát triển công trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, phía Argentina cũng có thể nhận được rất nhiều thông tin quan trọng có ý nghĩa chiến lược từ phía Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, mặc dù năng lực chi trả có hạn của phía Argentina tạo ra một số tính không xác định cho quan hệ quân sự Trung Quốc-Argentina, hơn nữa, hơn 100 xe chở quân bọc thép, 5 tàu tuần tra biển gần và 14 máy bay chiến đấu sẽ không thể làm thay đổi khoảng cách sức mạnh quân sự giữa Argentina với các nước láng giềng, cũng sẽ không làm cho Argentina có được nhiều thẻ bài quân sự hơn trong việc đoạt lại quần đảo Malvinas (Anh gọi là quần đảo Falkland), nhưng điều này đánh dấu sự phát triển thực chất về xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo, lệ thuộc vào nhập khẩu động cơ Nga
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo, lệ thuộc vào nhập khẩu động cơ Nga

Phía Trung Quốc có thể thông qua đầu cầu Argentina, tiếp tục mở cửa thị trường vũ khí Mỹ Latinh. Các hợp tác giữa Trung Quốc và Argentina trong đó có lĩnh vực vũ trụ cũng có thể sẽ làm thay đổi tình hình hiện nay ở Mỹ Latinh, tăng cường vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng, ở Nam Mỹ, Brazil luôn hy vọng trở thành nước đứng đầu về khoa học công nghệ quân sự của khu vực, trước đây, Brazil từng hy vọng hợp tác với Argentina, chẳng hạn hợp tác với FAdeA Argentina sản xuất máy bay vận tải KC-390 của Công ty công nghiệp hàng không Brazil.

Việt Dũng