Australia, Mỹ, Nhật Bản cùng đồng thời chỉ trích Nga, Trung Quốc

18/11/2014 11:13
Bình Nguyên
(GDVN) - Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào về tuyên bố 3 bên vừa được các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia công bố.

Báo Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ vừa có bài bình luận cho biết, bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G-20, Australia, Mỹ, Nhật Bản cùng đồng thời chỉ trích Nga, Trung Quốc, cáo buộc hai quốc gia này đã gây ra và phải có trách nhiệm với nhiều vấn đề lớn của thế giới.

Lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Australia
Lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Australia

Theo Đa Chiều, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 dã diễn ra hôm 16/11/2014 vừa qua tại Brisbane, Australia và đây là ngày mà các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cơ hội việc làm cũng như chú trọng đến các vấn đề cấp bách như giải quyết khủng hoảng chính trị ở Ucraine, đại dịch Ebola, vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương.

Cũng trong buổi sáng ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzon Abe và Thủ tướng Australia Tonny Abbott đã cùng nhau tham gia một cuộc gặp gỡ ba bên bên lề hội nghị chính thức G-20 với mục đích được tờ Đa Chiều cho là chỉ để chĩa mũi dùi nhằm vào Nga và Trung Quốc.

Trong một tuyên bố chung, cả ba nhà lãnh đạo đã cùng lên án đổ lỗi cho Nga đã gây lên tình trạng mất ổn định ở Ucraine, kêu gọi Moscow phải có trách nhiệm về vụ việc một chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH17 của Malaysia bởi Mỹ và hai đồng minh Nhật, Australia cho rằng Nga đã cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân, dẫn đến việc chiếc máy bay dân sự của Malaysia bị bắn rơi.

Mặc dù Trung Quốc chưa bị chỉ trích trực diện nhưng theo một số nhà quan sát chính trị, cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia cũng là dịp thể họ thảo luận các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh.

Nhiều khả năng Mỹ, Nhật, Australia đã và sẽ bàn cách can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố chung kêu gọi cần phải đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và cần phải giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế hợp pháp như trọng tài phân định.

Mốt bình luận khác của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia cũng có thể được xem như những công cụ can thiệp vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong đó có việc cam kết bảo vệ các giá trị chung như dân chủ, kinh tế mở, đưa tranh chấp vào khuôn khổ luật pháp quốc tế…

Ý định này dường như đã được thể hiện rõ hơn trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama được thực hiện sau ngày 16/11 chỉ một ngày. Ông Obama đã ám chỉ các tranh chấp với láng giềng của TQ xuất hiện cùng với những lo ngại khi Bắc Kinh đang ngàn càng gia tăng sức mạnh quân sự của mình.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ không có thay đổi nào trong các cam kết của ông về chiến lược xoay trục sang châu Á của nước Mỹ.

Tuyên bố của ông Obama được đưa ra với các đồng minh của mình ở khu vực đúng vào lúc nước Mỹ đang phải căng mình trên một số mặt trận khó khăn như vấn đề Ucraine, khủng bố nổi dậy ở Trung Đông, đại dịch Ebola bùng phát cũng như tiến trình hạt nhân hóa ở Iran.

Thời điểm này, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào về tuyên bố 3 bên vừa được các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia công bố.

Bình Nguyên