Bangkok hỗn loạn, Thái Lan bác tin đồn Thủ tướng rời đất nước

02/12/2013 07:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Đám đông biểu tình đã gieo hỗn loạn tại một trong những thành phố lớn nhất Đông Nam Á, tấn công và chiếm 7 xe cảnh sát, buộc Thủ tướng Thái Lan phải rời khỏi Văn phòng đến một địa điểm không được tiết lộ, nơi bà lên kế hoạch cho các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí.
Đụng độ giữa những người biểu tình đòi lật đổ chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra với cảnh sát Thái Lan tại Bangkok.
Đụng độ giữa những người biểu tình đòi lật đổ chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra với cảnh sát Thái Lan tại Bangkok.
Reuters ngày 1/12 đưa tin, khoảng 30 ngàn người biểu tình Thái Lan đã phát động một cuộc "đảo chính toàn dân" nhằm vào chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm qua khi họ tràn vào các cơ quan nhà nước trong các cuộc đụng độ bạo lực, chiếm quyền kiểm soát một đài truyền hình nhà nước và buộc Thủ tướng Thái Lan phải rời khỏi văn phòng trong sự yểm trợ của cảnh sát. Sau một ngày đụng độ giữa những người biểu tình ném đá và bom xăng chống lại cảnh sát bạo động sử dụng hơi cay, vòi rồng để bảo vệ Phủ Thủ tướng, những người biểu tình đã thất bại trong việc chiếm Văn phòng Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tuy nhiên những người biểu tình đã không chỉ bao vây duy nhất Phủ Thủ tướng mà kéo đến nhiều nơi khác nhau, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr nói với Reuters. Đám đông biểu tình đã gieo hỗn loạn tại một trong những thành phố lớn nhất Đông Nam Á, tấn công và chiếm 7 xe cảnh sát, buộc Thủ tướng Thái Lan phải rời khỏi Văn phòng đến một địa điểm không được tiết lộ, nơi bà lên kế hoạch cho các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí. Các bệnh viện cho biết đã có 46 người bị thương vào ngày Chủ nhật và 4 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ cuối tuần qua. Một nguồn tin khác nói với AFP, đã có ít nhất 57 người bị thương.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck không xuất hiện tại nhiệm sở khi người biểu tình bao vây Phủ Thủ tướng.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck không xuất hiện tại nhiệm sở khi người biểu tình bao vây Phủ Thủ tướng.
AFP dẫn lời Phó Thủ tướng Thái Lan Pracha Promnok kêu gọi người dân Bangkok ở trong nhà từ 10h đêm Chủ nhật đến 5h sáng Thứ Hai để đảm bảo an toàn cho mình, ông nói rằng đây không phải lệnh giới nghiêm mà chỉ đơn thuần kêu gọi người dân hợp tác. Ông cho biết các cơ quan chính phủ sẽ làm việc trở lại như thường lệ vào sáng nay trong khi lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ, Suthep Thaugsuban kêu gọi các quan chức và nhân viên chính phủ không đến công sở sáng nay và yêu cầu các phương tiện truyền thông nhà nước ngừng đưa tin từ chính phủ. Bà Yingluck đã không có mặt vào thời điểm những người biểu tình bao vây Phủ Thủ tướng, nhưng chính phủ Thái Lan bác bỏ tin đồn bà đã rời khỏi đất nước. Phó Thủ tướng Pracha Promnok xuất hiện trên truyền hình khuyến cáo người dân ở nhà, cam kết sẽ khôi phục lại tình trạng bình thường càng sớm càng tốt. Ông cáo buộc Suthep đã tìm cách lật đổ chính phủ và gọi đó là tội phản quốc, cần phải trừng phạt bằng cái chết. Vương quốc Thái Lan đã phải chứng kiến tổng cộng 18 cuộc đảo chính thực tế hoặc âm mưu đảo chính từ năm 1932, gần đây nhất là vụ lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai Thủ tướng đương nhiệm năm 2006. Tuy nhiên quân đội đã xuất hiện miễn cưỡng để can thiệp vào bế tắc hiện tại. Các cơ quan chức năng Thái Lan đang triển khai hơn 2,700 quân để củng cố an ninh tại Bangkok. Lần đầu tiên một số lượng đáng kể những người lính được huy động để đối phó với tình trạng bất ổn.

Hồng Thủy