Báo cáo Quốc hội về việc Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa

08/10/2014 11:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII kéo dài 33 ngày, chính thức khai mạc sáng 20/10.

Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sáng nay tại Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến kỳ họp khai mạc sáng 20/10 và bế mạc vào chiều 28/11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có những nội dung thông tin liên quan tới việc Trung Quốc xây dựng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc xây dựng trái phép tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc xây dựng trái phép tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đồng thời bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về một số vấn đề: Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Tình hình triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; Tình hình người nghiện ma túy trong phạm vi cả nước; việc thực hiện các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện ma túy và công tác quản lý đối với người sau cai nghiện hiện đang sống trong cộng đồng dân cư; Tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Phúc đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày để bảo đảm thời gian làm rõ vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn. Như thường lệ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp.

Bên cạnh đó, những phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và thảo luận về đổi mới chương trình - sách giáo khoa cũng dự kiến được truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.

Cho ý kiến về chương trình kỳ họp, ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc thảo luận đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông truyền hình trực tiếp có nhạy cảm không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đây là đề nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội".

Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bố trí thảo luận, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và bố trí thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) vào đầu kỳ họp.

Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm từ lần lấy phiếu tín nhiệm trước để làm tốt hơn.

"Lần trước lấy phiếu vào buổi chiều và kiểm phiếu luôn, đến 2 giờ sáng thì phát hiện ra phiếu của Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lẫn nhau. Lúc ấy tổ phục vụ nghỉ hết rồi, cho tới sáng mới sửa, sửa được Nghị quyết thì không sửa được phiếu, mà với 500 loại văn bản như thế thì không thể duyệt ngay được. Tôi đề nghị lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 14 và sau khi kiểm tra rõ ràng mạch lạc thì sáng 15 công bố trước Quốc hội, yên tâm không có gì sơ xuất nữa. Ở đây bây giờ ta lấy phiếu vào ngày 15, vậy thì 16 là chủ nhật ta sẽ không công bố được nếu có sự sơ xuất, mà để qua ngày chủ nhật thì rất nhạy cảm. Đồng bào sẽ nói là Quốc hội lấy phiếu tại sao không công bố".

Ngọc Quang