Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp không dùng tiền mặt

28/07/2020 17:20
Vương Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành Bảo hiểm xã hội đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM) để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.

Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số người nhận chế độ với phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội và Bảo

hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.

Đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí

Song song với chi bằng tiền mặt, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM với hàng trăm nghìn người hưởng hằng tháng.

Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, đảm bảo được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động...

Do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định.

Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Hiện, quy trình chi trả qua tài khoản thẻ ATM được thực hiện thống nhất tại tất cả các địa phương theo quy định:

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng được cơ quan Bưu điện chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày làm việc kế tiếp kể từ khi nhận được danh sách chi trả từ cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển sang.

- Người lao động, thân nhân người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe được cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngân hàng nơi người hưởng mở tài khoản, thực hiện đối chiếu thông tin, số hiệu tài khoản để chi trả ngay cho người hưởng.

- Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thì tháng đầu tiên được cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển tiền ngay khi nhận được danh sách chi trả; từ tháng hưởng trợ cấp thứ hai, chuyển tiền trong vòng 05 ngày kể từ ngày bắt đầu theo danh sách chi trả.

Khuyến khích người hưởng nhận chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng

Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển người hưởng qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng để phục vụ người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện thanh toán qua ngân hàng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch số 1764/KH-BHXH ngày 23/5/2019 về thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Công văn số 2965/BHXH-TCKT ngày 15/8/2019 về giao chỉ tiêu phấn đấu chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Kế hoạch số 1823/KH-BHXH về đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu quyết tâm thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của phương thức chi trả này; yêu cầu Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo Bưu điện các cấp phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người hưởng hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua thẻ ATM, từ đó tích cực đăng ký tham gia.

Đặc biệt, để khuyến khích người hưởng nhận lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM, cơ quan Bảo hiểm xã hội hỗ trợ người hưởng chi phí mở tài khoản cá nhân lần đầu và chi phí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người hưởng (nếu có).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân (giảm phí mở thẻ, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, các giao dịch đều được giảm hoặc miễn phí); tăng cường lắp đặt mở rộng hệ thống trụ ATM, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để người lao động, người hưởng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng, hiệu quả; cung cấp đủ lượng tiền; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM.

Với những nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội, số người nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng đã gia tăng đáng kể:

Năm 2019, số người hưởng tại khu vực đô thị ở nước ta đạt 33,8%, tăng 9,76% so với năm 2018, đạt 67,6% so với mục tiêu đề ra đến năm 2021 (theo Nghị quyết số 02/NQ-CP phải đạt 50% số người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM ở khu vực đô thị); số tiền chi qua tài khoản cá nhân ước đạt 34%, hoàn thành vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 241/QĐ-TTg (đến năm 2020 là 20%).

Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định, mục tiêu quan trọng nhất của Ngành trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức đại lý của ngân hàng; đẩy mạnh việc tổ chức cung cấp dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt với dịch vụ đơn giản, thuận lợi, chi phí thấp để phục vụ cho người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có mức hưởng thấp.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội ban hành tại Quyết định số 241/QĐ-TTG và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

Theo đó, để thực hiện thành công mục tiêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ của Ủy ban nhân dân các cấp để đẩy mạnh công tác tổ chức, thực hiện chi trả trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua hệ thống ngân hàng, phục vụ người hưởng ngày càng tốt hơn.

Như vậy, việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM đã mang lại nhiều tiện ích và đang được ngành Bảo hiểm xã hội tích cực đẩy mạnh, đạt những hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực đem tới sự thuận tiện, hài lòng cho người tham gia.

Hi vọng rằng, với những giải pháp và bước đi phù hợp, ngành Bảo hiểm xã hội không chỉ đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại mà còn góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người hưởng và góp phần vào công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội đất nước.

Vương Thủy