Báo Hồng Kông viết gì về Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp?

08/10/2013 11:39
Việt Dũng
(GDVN) - Võ Nguyên Giáp và đội du kích của ông đi dép xăng-đan được chế từ lốp xe cao su, dựa vào sức người để kéo từng khẩu pháo lên núi cao, đánh bại quân Pháp được vũ trang tiên tiến, đã tạo nên một thắng lợi “gần như không thể”...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Ngày 6 tháng 10, tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông có bài viết cho rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy quân sự quan trọng, lỗi lạc trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, từng trải qua các chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương… Truyền thông phương Tây thường nhắc đến Tướng Giáp là “Napoléon Hồng”.

Bài báo cho rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vóc người thanh thoát, xuất thân không phải từ người được đào tạo về quân sự. Ở Việt Nam, là một nhà lãnh đạo tiền bối, sự nổi tiếng của ông chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các phương tiện truyền thông quốc tế như hãng Reuters, ông là người chỉ huy quân sự nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Trong chiến tranh Việt Nam, ông được đăng trên bìa tuần san “Thời đại” Mỹ đến 3 lần, danh hiệu “Napoléon Hồng” được lưu truyền từ đó.

Trong 4 năm qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  được chữa trị trong Viện Quân y 108 tại Hà Nội. Ngày 4 tháng 10, người nhà và bác sĩ của Đại tướng xác nhận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, nguyên nhân là do “quy luật tự nhiên – sinh, lão, bệnh, tử”.

Theo bài báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở miền Trung Việt Nam. Năm 18 tuổi, ông bị thực dân Pháp giam cầm do tham gia phong trào sinh viên. Sau khi được thả, ông giành được học vị luật tại một trường đại học ở Hà Nội, sau đó làm giáo viên trung học và phóng viên. Năm 27 tuổi, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.

Năm 1940, theo bài báo, để tránh bị thực dân Pháp truy nã, Võ Nguyên Giáp đã đến Côn Minh, Trung Quốc, gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Khi đó, vợ ông bị thực dân Pháp bắt giữ và sau đó mất ở trong tù.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, Võ Nguyên Giáp tổ chức lực lượng quân sự, chống lại quân đội thực dân Nhật xâm lược. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam khi đó.

Chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng

Theo bài báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng, tiêu diệt hơn 5.000 quân Pháp, bắt 11.000 tù binh, phá hủy 62 máy bay các loại, 4 xe tăng; thu được 30 trọng pháo (đại bác), 6 xe tăng; cuối cùng buộc quân Pháp đầu hàng và ký “Hiệp định Geneva”, giải phóng miền bắc Việt Nam.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp và đội du kích của ông đi dép xăng-đan được chế từ lốp xe cao su, dựa vào sức người để kéo từng khẩu pháo lên vùng cao, đánh bại quân Pháp được vũ trang tiên tiến, đã tạo nên một thắng lợi “gần như không thể”. Thắng lợi này đến nay vẫn là hình mẫu được học trong các trường quân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ làm “trọng thương” Pháp, thực dân đế quốc lớn thứ hai toàn cầu khi đó, mà còn làm cho chủ nghĩa thực dân đi đến hồi kết trên phạm vi thế giới.

Hơn 10 năm sau, Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội Bắc Việt chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, đồng thời trực tiếp tham gia mở “đường mòn Hồ Chí Minh”, đến tháng 5 năm 1975 miền nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn.

Nhân tố con người quyết định thắng lợi

Tuy “cả đời trên lưng ngựa chinh chiến”, nhưng Võ Nguyên Giáp chưa từng được đào tạo quân sự chính quy. Ông từng nói rằng đã học “trường quân sự rừng cây”. Khi kỷ niệm tròn 50 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với các phóng viên phương Tây: “Nếu một dân tộc phải đứng lên, sức mạnh sẽ rất lớn, có thể đánh bại mọi kẻ thù mạnh nhất”.

Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Nam cũng bị tổn thất to lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vì vậy bị truyền thông phương Tây chụp mũ, xuyên tạc cho là “không tiếc tổn thất con người” cho chiến tranh. Năm 2005, trả lời phỏng vấn hãng AP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích về vấn đề này: Chiến tranh Việt Nam thực sự thiệt hại nặng nề, nhưng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

            Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
  Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Gần đây, khi trả lời phỏng vấn một kênh truyền thông của nước ngoài với câu hỏi "Những ngày qua báo chí nước ngoài đã viết rất nhiều về Tướng Giáp. Có ý kiến nói ông là một nhà quân sự tài ba, nhưng cũng có ý kiến nói ông thành công vì chấp nhận tổn thất quá lớn, điều mà đối thủ của ông không chấp nhận được. Ông nghĩ sao về hai luồng ý kiến này?" Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987 đã trả lời rằng:

"Rõ ràng là người ta đem chiến tranh đến cho đất nước chúng tôi chứ không phải Tướng Giáp gây chiến tranh. Pháp đến muốn đô hộ chúng tôi thì phải đánh, mà họ có lực lượng quân sự rất to lớn, Mỹ cũng thế thôi.

Một nước còn kém về các phương tiện vũ khí thì tự nhiên phải có tổn thất thôi. Chiến tranh tất nhiên phải có tổn thất, phía nào có vũ khí phương tiện tốt hơn thì có thể sát thương đối phương tốt hơn.

Nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ đi Độc lập Tự do. Không phải do chúng tôi gây ra chiến tranh mà do người ta mang chiến tranh đến cho chúng tôi, buộc chúng tôi phải chống lại".

Đại tướng nói: “Đối mặt với Mỹ, chúng tôi lấy yếu thắng mạnh, lấy lạc hậu chiến thắng tiên tiến”. “Thực ra, là nhân tố con người đã quyết định thắng lợi của chúng tôi”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi trả lời phỏng vấn nhà sử học Stanley Karnow vào năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đứng trước 500.000 quân Mỹ, chúng tôi không đủ mạnh, nhưng, mục đích của chúng tôi không phải là đánh bại Mỹ, mà là đập tan tham vọng tiếp tục chiến tranh của Chính phủ Mỹ”.

Năm 2004, trả lời phỏng vấn phóng viên hãng AP về vấn đề chiến tranh Iraq, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Bất cứ đội quân nào muốn áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác nhất định sẽ thất bại”.

Giải đố lịch sử

Khi thăm Việt Nam vào năm 2003, nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai người ngồi dưới bức ảnh của V.I. Lênin và nói chuyện rất vui vẻ.

Năm 1995, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông Robert McNamara thăm Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đối thoại trực tiếp với “đối thủ một mất một còn” cũ này.

Câu đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với McNamara không hề khách khí là: “Tôi đã sớm nghe nói đến ngài”. McNamara cũng đáp lại một câu: “Tôi cũng đã sớm nghe đến ngài”.

Sau đó, McNamara hỏi một câu liên quan đến lịch sử - “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Ngày 4 tháng 8 năm 1964, Cục Tình báo Trung ương (CIA) báo cáo Chính phủ Mỹ, tàu chiến Mỹ bị Việt Nam tấn công trong vịnh Bắc Bộ.

Sau đó, McNamara ra sức thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua “Dự luật vịnh Bắc Bộ”, trao quyền cho Tổng thống Lyndon Johnson leo thang chiến tranh toàn diện. Sau này, Mỹ không ngừng tăng quân ở Việt Nam. Khi McNamara rời chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 1968, Mỹ điều tổng cộng 500.000 quân tới Việt Nam.

Ngày 23 tháng 6 năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara
Ngày 23 tháng 6 năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara

Nhưng, sau đó, liên tục có nhà sử học nghi ngờ tính chân thực của “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Khi gặp mặt, ông McNamara hỏi Tướng Võ Nguyên Giáp “Ông có thể nói ngày 4 tháng 8 năm 1964 rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Ngày 4 tháng 8, tuyệt đối không xảy ra bất cứ việc gì”. Tướng Giáp giải thích với ông Mc Manarama rằng không hề có quân lính Bắc Việt tấn công tàu chiến Mỹ. Và khi tướng McManarama cố gắng nói đi nói lại nhằm cung cấp cho Tướng Giáp một luồng thông tin khác và khi ông McManarama cứ ép mãi, Tướng Giáp cuối cùng nói dứt khoát: Tôi chỉ nói cho ông biết sự thật mà thôi. Và tranh cãi của họ kết thúc.

Việt Dũng