Báo Nga: Moscow có sẵn Kế hoạch B cho Ukraine

10/08/2015 11:02
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Kế hoạch B" của Nga là lập ra một khu vực tự trị, ít nhất là nằm trong ranh giới Donetsk và Lugansk hiện nay, chấm dứt các hỗ trợ kinh tế.

Tờ Expert ngày 10/8 đưa tin, Nga đang cảm thấy mệt mỏi với việc thực hiện Hiệp định Minsk của chính phủ Ukraine và sẵn sàng thực hiện "Kế hoạch B" nếu cần thiết.

Số phận của Ukraine sẽ phụ thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo hiện nay của nó. Ảnh Expert.
Số phận của Ukraine sẽ phụ thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo hiện nay của nó. Ảnh Expert.

Việc thực thi Hiệp định Minsk đang rất trì trệ. Thỏa thuận đình chiến liên tục bị vi phạm. Các bên vẫn tiếp tục nã pháo hạng nặng vào nhau. Trong khi đó, các giải pháp chính trị cho vấn đề Donbass vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Expert, cách tiếp cận thỏa thuận trên của chính quyền Ukraine khiến Nga rất không hài lòng. Do đó, Moscow đã đưa ra cảnh báo rằng nếu chính phủ Kiev không thay đổi tình trạng này, Nga có thể thay đổi lập trường của mình về tương lai của Ukraine và bắt đầu thực hiện "Kế hoạch B".

"Kế hoạch B" của Nga là lập ra một khu vực tự trị, ít nhất là nằm trong ranh giới của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk hiện nay, chấm dứt hỗ trợ kinh tế cho chính quyền Kiev (bao gồm cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt khi mùa mùa đông đang đến gần).

Moscow hiện vẫn chưa sử dụng "Kế hoạch B" vì hai lý do. Thứ nhất là Nga vẫn hy vọng rằng thỏa thuận Minsk sẽ được thực thi. Bởi kết quả của sự phân cấp quyền lực đưa Donbass trở thành khu vực tự trị là việc có thể thực hiện được trong khả năng của chính phủ Kiev, lại có hiệu quả hơn nhiều so với mọi cách thức khác. 

Thứ hai là những rủi ro liên quan tới việc thay đổi lập trường của Nga đối với tình hình Ukraine. Việc thay đổi các biện pháp ứng phó với tình hình Ukraine hiện nay có thể tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa Moscow và phương Tây, vốn đang rất xấu trong bối cảnh hiện nay.

Theo Expert, các nhà chức trách Nga cũng nên lưu ý rằng cần phải rạch ròi khái niệm về "chính sách chặt chẽ" với "chính sách khiêu khích". Trong quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia, Nga cũng cần cố gắng tránh mọi hành động khiêu khích có thể dẫn đến leo thang tình hình và lôi kéo nước Nga vào một cuộc chiến tranh mới.

Đó cũng là lý do khiến Nga dù đang nhận thấy Tổng thống Ukraine phá hủy Hiệp định Minsk, nhưng vẫn đang chờ đợi và xem xét các chiến lược khác./. 

Nguyễn Hường