Báo Nga: Trung Quốc có thể sớm trở thành cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới

12/03/2015 07:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bắc Kinh thực sự muốn thay thế quyền bá chủ chiến lược của Washington và Moscow trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Tờ TV Zvezda của Nga hôm 11/3 cho biết, Trung Quốc có thể sẽ sớm giành được vị trí thứ ba trong danh sách các cường quốc hạt nhân thế giới sau Mỹ và Nga, vượt qua Pháp.

Trung Quốc có thể sẽ sớm giành được vị trí thứ ba trong danh sách các cường quốc hạt nhân thế giới sau Mỹ và Nga, vượt qua Pháp.
Trung Quốc có thể sẽ sớm giành được vị trí thứ ba trong danh sách các cường quốc hạt nhân thế giới sau Mỹ và Nga, vượt qua Pháp.

Tờ báo dẫn tuyên bố của Đô đốc Cecil D Haney của Mỹ trong một phiên họp của Uỷ ban Vũ khí Hạ viện Mỹ vào hôm 26/2 cho biết, quân đội Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh tên lửa liên lục địa bằng cách phát triển ra hệ thống phóng lưu động mới cũng như các tên lửa có khả năng mang theo nhiều đầu đạn cùng lúc.

Nhiều khả năng Đô đốc Haney đã đề cập đến phiên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31B có tầm xa 11.200km từng được Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vào ngày 25/9/2014. Theo báo Nga, tên lửa này rất khó phát hiện, có thể chạm tới Mỹ và lần đầu tiên trong lịch sử hạt nhân của Trung Quốc, nó đã cho nước này khả năng tấn công phủ đầu.

Báo cáo này đã gây ra một sự chấn động trong Lầu Năm Góc và thay đổi hoàn toàn thái độ của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc, tờ báo Nga cho biết.

"Trung Quốc đang cố gắng để tạo ra một bộ ba hạt nhân chính thức, giống như ở Nga và Mỹ, bao gồm lực lượng hạt nhân mặt đất, trên biển và trên không", báo Nga dẫn lời  cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu số 4 của Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan tham gia nghiên cứu phát triển và hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Vladimir Dvorkin cho biết.

DF-31A đã hay đổi hoàn toàn thái độ của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc.
DF-31A đã hay đổi hoàn toàn thái độ của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Trung Quốc.

Theo ông, Bắc Kinh thực sự muốn thay thế quyền bá chủ chiến lược của Washington và Moscow trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Các thông tin về DF-31B hiện có rất ít. Nhưng theo các chuyên gia, khả năng của nó có thể sánh với đặc tính chiến đấu của tên lửa đạn đạo Liên Xô Topol RT-2PM. Tính năng nổi bật nhất của nó chính là tốc độ khởi động nhanh hơn hầu hết các tên lửa đạn đạo khác.

DF-31B được ra mắt lần đầu hồi háng 9 năm ngoái và đã thu hút nhiều sự chú ý ở Washington. Sau khi đánh giá các cuộc thử nghiệm, các nhà phân tích của Mỹ chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh chứng minh được rằng họ không chỉ mong muốn cân bằng khả năng hạt nhân với Nga, Mỹ mà còn hơn thế nữa. Phạm vi của tên lửa này có thể chạm tới Mỹ. Nhưng nguy hiểm hơn là nó được đặt trên bệ phóng di động khiến việc phát hiện nó trở nên khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia Nga, chương trình phát triển hệ thống tên lửa di động của Trung Quốc phù hợp với chiến lược trả đũa hạt nhân của nước này. Hệ thống di động đảm bảo cho Bắc Kinh rằng nếu có điều gì xảy ra, họ sẽ có cái để trả đũa Washington. Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc đã đào nhiều hầm sâu trong các vùng núi để che giấu các hệ thống phóng tên lửa di động.
 
Theo phân tích của Defense News, Mỹ đang cố gắng để xác định hệ thống đường hầm che giấu vũ khí hạt nhân và đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama gần đây đã ký thành luật một khái niệm mới về an ninh quốc gia, trong đó lệnh cho Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM) báo cáo về "mạng lưới đường hầm tại Trung Quốc và khả năng sử dụng lực lượng thông thường và hạt nhân của Mỹ để phá hủy hoặc làm tê liệt các hệ thống đường hầm này".  

Hiện nay, tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc không bằng Nga và Mỹ với khoảng 60 hệ thống DF-21, 20 đến 30 hệ thống DF-31/31A. Dự kiến ​​sau khi thử nghiệm thành công tên lửa DF-31B vào năm 2015, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể đạt tới tổng 130-140 đơn vị. Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể sẽ bổ sung thêm hệ thống DF-41 có tầm xa 1.400 km và mang 6-10 đầu đạn hạt nhân. Điều này giúp kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ có khoảng 200-240 đầu đạn hạt nhân, đưa nước này vượt qua Pháp trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới./.

Nguyễn Hường