Báo Nga: Việt Nam là đối tác đem lại lợi thế toàn diện nhất cho Mỹ

27/05/2015 14:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - Thương nghị sĩ Mỹ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry lại trở thành những người tích cực nhất và tiên phong trong nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ.

Tờ Lenta của Nga ngày 26/5 dẫn lời Anton Svetovekspert, một chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế bình luận, hiện nay đã hội tụ đủ yếu tố có thể cho phép quan hệ Việt-Mỹ phát triển lên mức "đối tác toàn diện".

Theo ông Svetovekspert, 20 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, những cựu chiến binh như Thương nghị sĩ Mỹ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry lại trở thành những người tích cực nhất và tiên phong trong nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ có chuyến thăm nước Mỹ trong năm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ có chuyến thăm nước Mỹ trong năm nay.

Thậm chí, ngày 19/5/2015, tại phòng họp của Thượng viện, ông McCain còn đứng lên bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất cá da trơn Việt Nam, chống lại những nhà vận động hành lang từ Nam Mỹ. 

Bốn mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam và Mỹ gần như biến thành một "cặp đôi thú vị nhất" ở phía tây Thái Bình Dương. Ngày nay, "điệu nhảy" của họ đang được toàn khu vực dõi theo chặt chẽ.

Khi Liên Xô suy yếu và dẫn tới sụp đổ cùng toàn bộ khối Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng đất nước không thể tồn tại một mình. Năm 1990, Việt Nam nối lại quan hệ với Trung Quốc và năm 1995 tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. 

Hai mươi năm kể từ khi bình thường hóa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phát triển rất nhanh, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế khi Việt Nam đang hội nhập nhanh chóng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. 

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng bắt đầu thay đổi về chất lượng trong những năm qua. Lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực, kể từ năm 2010, Mỹ đã thúc đẩy sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của mình, hướng sự chú ý nhiều hơn tới khu vực Đông Nam Á.

Việc tăng cường quan hệ với các đồng minh cũ và bạn bè mới sẽ cho phép Mỹ không chỉ tăng cường khả năng đối phó với Bắc Kinh mà còn tiết kiệm được sức lực và tiền bạc.

Ngoại trưởng John Kerry (trái) và Thượng nghị sĩ John McCain là hai chính khách tiên phong trong xu hướng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Ngoại trưởng John Kerry (trái) và Thượng nghị sĩ John McCain là hai chính khách tiên phong trong xu hướng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. 

Với một người bạn mới là Việt Nam, lợi thế của Washington trong khu vực sẽ được tăng cường hơn nữa. Việt Nam là quốc gia hội tụ nhiều yếu tố có thể đem lại cho Mỹ những lợi thế ấn tượng và toàn diện hơn hai đồng minh truyền thống trong khu vực là Thái Lan và Philippines.

Các cuộc đảo chính liên tiếp trong Thái Lan khiến mối quan hệ của họ với Mỹ trở nên khó đoán trước, nhất là khi chính quyền mới tỏ ra không thích sự "ảnh hưởng" của Washington tại đây. Tại Philippines, tình hình chính trị ổn định hơn nhiều nhưng các vị trí phòng thủ thấp, quân đội Philippines ít kinh nghiệm chiến đấu. Hơn nữa, hai đồng minh cũ này cũng chưa thể giải quyết được vấn đề chủ nghĩa hồi giáo cực đoan trên lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Quân đội Việt Nam có quy mô lớn và giàu kinh nghiệm chiến đấu, tính kỷ luật cao. Việt Nam có đường bờ biển dài với các cảng nước sâu nằm trong vùng biển chiến lược và gần với bờ biển phía nam của Trung Quốc. 

Môi trường kinh tế, chính trị và xã hội cua Việt Nam khá ổn định, tiềm năng phát triển kinh tế cao. Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều điểm chung về quân sự và chính trị. Cùng với Philippines, Việt Nam là một trong những quốc gia phản đối tích cực nhất những tuyên bố và hành động bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Quyền truy cập vào Biển Đông của Mỹ là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn mưu đồ bá chủ của Trung Quốc. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác lên một tầm cao nữa giữa hai nước. 

Trong năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã nhất trí cùng hướng tới sự phát triển "quan hệ đối tác toàn diện". Trong năm 2014, hai bên đã đạt được một bước đột phá trong các lĩnh vực chiến lược như: Mỹ bắt đầu gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, các ủy ban liên quan của Thượng viện cho phép các công ty Mỹ bán các thiết bị hạt nhân cho Việt Nam.

Cả hai bên đều khẳng định sẽ hướng tới việc cắt bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, bởi theo lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: quan hệ giữa hai nước không thể được xem là bình thường khi lệnh cấm còn tồn tại.

Trong năm 2015 sẽ diễn một sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ có chuyến thăm Washington. Đây sẽ là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư Việt Nam. 

Sự phát triển của quan hệ đối tác Mỹ-Việt là một biểu hiện điển hình về một thế giới đa cực đang nổi lên. Không có gì là hiện đại hơn các lợi ích quốc gia và không có gì cổ xưa hơn tình bạn và thù hận, tác giả bài viết kết luận./.

Nguyễn Hường