Bao nhiêu nhân vật quan trọng đã lên tiếng vụ tài sản ở Hải Dương?

30/05/2012 07:06
Thảo Lăng (tổng hợp từ VNE, VNN, tuoitre,...)
(GDVN) - Sự bất thường xoay quanh câu chuyện dinh cơ bạc tỷ ở Hải Dương đã khiến nhiều nhà quản lý, ĐBQH, nhà sử học phải lên tiếng.

Dinh cơ bạc tỷ được cho là thuộc sở hữu của con trai ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương không chỉ làm dư luận cả nước xôn xao mà còn thu hút sự chú ý từ phía các ĐBQH, nhà sử học, nhà quản lý. 

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông: "Đó là chuyện không bình thường"

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ cuối tuần qua, Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, vừa qua báo chí đã đưa tin về hiện tượng chưa gọi là tiêu cực vì chưa có kết luận "nhưng có thể gọi là không bình thường" ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông

"Con đồng chí bí thư tỉnh ủy xây dựng căn nhà với quy mô đầu tư, diện tích như vậy trong một vùng thuần nông là không bình thường”, ông Son nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, chưa thể khẳng định việc xây nhà đó là có "tiêu cực hay không" vì "chưa có kết luận".

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội): "Có 3 cơ quan phải vào cuộc"

Trả lời phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, ông Thảo, cho rằng, khi có hiện tượng nêu lên như vậy thì có 3 cơ quan phải vào cuộc.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng thì cơ quan nào quản lý hồ sơ kê khai tài sản phải vào cuộc đầu tiên. Thanh tra công vụ, cơ quan tổ chức, bộ phận tổ chức là nơi nắm giữ hồ sơ có kê khai tài sản.

Ông nói thêm, nếu liên quan tới đất đai, tài sản thì thanh tra Tài nguyên - Môi trường phải đi làm. Nếu liên quan đến cấp nào thì cơ quan cấp trên (phải trên 1 cấp) phải vào cuộc thì mới khách quan.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: "Nên kiểm tra xem có liên hệ nào về mặt tài sản với chính vị lãnh đạo tỉnh ủy"

Ông Đương cho rằng, một dinh thự “hoành tráng” của con trai lãnh đạo tỉnh ủy mà giá trị, quy mô diện tích của nó khiến dư luận phải để ý thì cũng nên kiểm tra xem có mối liên hệ nào về mặt tài sản với chính vị lãnh đạo tỉnh ủy đó.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Ông nói thêm: “Bây giờ kê khai tài sản của người ta thường không đứng tên, mà thường vợ, con, thậm chí bạn bè thân thích. Tôi cho làm thế không khác nào hình thức rửa tiền. Rửa tiền qua vợ chồng con cái, đứng tên vợ chồng con cái nhà cửa, đất đai, công xưởng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, kê khai tài sản phải thực chất”.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Đảng: "Tôi thấy đây là điều không bình thường"

Ông Hùng nói: Đây là lần đầu tiên ông được biết thông tin về khu nhà vườn có độ hoành tráng và có giá trị lớn như vậy lại được xây dựng ở một vùng nông thôn.

"Qua những hình ảnh đó, tôi thấy đây là một điều không bình thường” – ông Hùng đánh giá.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Đảng
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Đảng

Theo ông Hùng, để xác định được việc này là như thế nào thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ thực chất "hiện tượng lạ" này một cách khách quan, thẳng thắn, cần làm rõ tính pháp lý? Nguồn kinh phí? Hợp đạo lý?... của việc xây dựng "công trình khủng" này.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc: "Công khai tài sản"

Ông nói: Tôi không muốn trả lời trực tiếp trường hợp ông Quyến, nhưng tôi muốn trả lời nhân chuyện Quốc hội vừa bỏ phiếu bãi nhiệm bà Hoàng Yến. Rõ ràng, nhờ có sự giám sát đã phát hiện sai sót trong bản kê khai lý lịch của bà Hoàng Yến. Đương nhiên, bây giờ việc của bà Yến đã ngã ngũ.

Chúng ta thở phào, nhưng không “nhẹ nhõm”. Không nhẹ nhõm là vì cử tri có quyền đặt câu hỏi là trong toàn bộ qui trình bầu đại biểu Quốc hội, còn có mảng nào người dân chưa giám sát được hay không? Điều này liên quan đến một vấn đề rất quan trọng – công khai tài sản.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc
Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc

Ông nói thêm, trên thế giới, chuyện này là bắt buộc. Công dân phải nộp thuế, ứng cử viên phải do sự lựa chọn của cử tri. Nhưng ở nước ta đến nay mặc dù quy định luật pháp có, thậm chí công chức đã có việc kê khai tài sản, nhưng tất cả những cái đó đều được coi là một bí mật riêng tư. Đã là bí mật riêng tư thì không đại biểu Quốc hội nào giám sát được cả. Đại biểu Quốc hội khi lựa chọn, bỏ phiếu cho những thành viên Chính phủ hoặc do Quốc hội cử ra thì có nhận được bản kê khai.

Qua 3 kỳ, tôi thấy bản kê khai của Quốc hội mỗi ngày một kỹ hơn và luôn đóng dấu mật và thu hồi ngay. Cho nên, đại biểu Quốc hội không đủ năng lực giám sát đúng sai đến đâu. Đến lúc xảy ra việc thì ai có trách nhiệm mới biết.

Thảo Lăng (tổng hợp từ VNE, VNN, tuoitre,...)