Báo TQ: Nhật Bản từ chối ký Tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân

26/04/2013 06:52
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ tỏ ra lo ngại, bởi họ hiểu rõ Nhật Bản có ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ, hơn nữa Nhật Bản có tiềm năng phát triển thành cường quốc vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Mari Amano Nhật Bản tại Hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Geneva, Thụy Sĩ.
Đại sứ Mari Amano Nhật Bản tại Hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Geneva, Thụy Sĩ.

Tờ “China News” dẫn nguồn Đài truyền hình NHK Nhật Bản ngày 25/4 cho biết, tại hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, đã đưa ra Tuyên bố chung có nội dung là “nhấn mạnh tính phi nhân đạo của vũ khí hạt nhân, không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào”, nhưng Nhật Bản, nước duy nhất bị hại bởi vũ khí hạt nhân, đã không ký Tuyên bố này.

Tuyên bố chung này do Đoàn đại biểu Nam Phi đưa ra tại một cuộc hội đàm trù bị của Hội nghị thảo luận lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tổ chức tại Geneva ngày 24/4.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Sử dụng vũ khí hạt nhân không chỉ trực tiếp khiến cho dân thường vô tội thiệt mạng, mà sẽ còn làm cho kinh tế-xã hội phát triển trì trệ, môi trường bị phá hoại nghiêm trọng, đồng thời sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho thế hệ con cháu sau này, làm cho họ mất đi sức khỏe, lương thực và nước uống”.

Theo đó, Tuyên bố nhấn mạnh đến tính chất phi nhân đạo của vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Tuyên bố còn kêu gọi không được sử dụng vũ khí hạt nhân, cho rằng “trong bất cứ trường hợp nào đều không được tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân, điều này có lợi cho sự tồn tại của loài người”.

Tuyên bố này tổng cộng có 74 quốc gia ký kết, nhưng, là nước duy nhất bị hại bởi vũ khí hạt nhân, Nhật Bản hiện tại chưa ký kết. Đối với vấn đề này, đại diện Chính phủ Nhật Bản của hội nghị giải trừ quân bị, Đại sứ Mari Amano giải thích rằng: “Tuy bày tỏ tán thành với tính chất phi nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào không phù hợp với chính sách bảo đảm an ninh của Nhật Bản”.


Đông Bình