Báo Trung Quốc: Mỹ lôi kéo Nhật Bản, Philippines bao vây Trung Quốc

15/05/2012 05:59
Đông Bình (Theo mạng Sina)
(GDVN) - Nhật Bản sẽ dùng vốn ODA cung cấp trang bị quân sự cho một số nước Đông Nam Á, xây dựng mạng lưới bao vây Trung Quốc.
Mỹ-Nhật tăng cường quan hệ đồng minh. Trong hình là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda được Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp nhiệt tình tại Nhà Trắng.
Mỹ-Nhật tăng cường quan hệ đồng minh. Trong hình là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda được Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp nhiệt tình tại Nhà Trắng.

Ngày 30/4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên đến Mỹ kể từ khi lên nắm quyền đến nay.

Những bất đồng của quan hệ hai nước do vấn đề di dời căn cứ Futenma gây ra hầu như đã dịu lại nhờ có chuyến thăm lần này.

Sau cuộc hội đàm với Yoshihiko Noda, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ-Nhật sẽ dùng “tầm nhìn chung hoàn toàn mới” để dẫn dắt quan hệ đồng minh hai nước, đồng thời sẽ cùng xây dựng trật tự mới ở châu Á-Thái Bình Dương trong mấy chục năm tới.

Trên thực tế, “tầm nhìn hoàn toàn mới” đã hàm ý sự trông đợi lớn hơn là Mỹ gách vác trách nhiệm phòng thủ cho Nhật Bản, Mỹ không chỉ muốn để Nhật Bản phát huy vai trò ở Đông Á, mà còn muốn kéo Nhật Bản vào “bàn cờ lớn” biển Đông.

Lôi kéo Nhật Bản xây dựng căn cứ ở nước ngoài

Ngày 30/4/2012 vừa qua, tại Nhà Trắng, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama chiêu đãi nhiệt tình.

Là vị Thủ tướng Đảng Dân chủ Nhật Bản lần đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi lên cầm quyền năm 2009, Noda được tiếp đón như vậy là kết quả của hội đàm “2+2” giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập tác chiến.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập tác chiến.

Thỏa thuận tái khẳng định, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác hoạt động cảnh giới, theo dõi với quân Mỹ, xây dựng “lực lượng phòng thủ động thái”, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp.

Hãng Reuters cho rằng, đây là những nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm lôi kéo đối tác châu Á để kiềm chế Trung Quốc.

Tờ “Tin tức Kinh tế Nhật Bản” cho rằng, động thái mới nhất cùng xây dựng “lực lượng phòng thủ động thái” giữa Nhật-Mỹ là, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân Mỹ sẽ xây dựng căn cứ huấn luyện chung ở Guam (Mỹ) và quần đảo Northern Mariana, tiến hành huấn luyện hoạt động cảnh giới, theo dõi và do thám.

Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trợ giúp nước khác xây dựng căn cứ huấn luyện quân sự ở nước ngoài.

Bài báo đăng trên mạng sina phân tích cho rằng, động thái này nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đối với các hòn đảo xa xôi, “báo hiệu hợp tác bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ sẽ bước vào giai đoạn mới”.

Phi đội máy bay trực thăng chống tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Phi đội máy bay trực thăng chống tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Tạp chí “Thời đại” của Mỹ cho rằng, điều này đánh dấu hai nước Mỹ-Nhật sẽ lần đầu tiên đồng thời tiến hành huấn luyện thường ngày đối với các hành động quân sự, có nghĩa là hai bên sẽ đi sâu hợp tác trên các phương diện phối hợp chiến thuật, hệ thống chỉ huy kiểm soát.

Trong tương lai, khả năng cùng tiến hành chiến đấu mặt đất “vai kề vai” ở châu Á giữa quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tăng thêm một bước.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự phổ biến cho rằng, lần này Mỹ củng cố đồng minh an ninh Nhật-Mỹ là nhằm từng bước đưa lực lượng quân sự của Nhật Bản vào hệ thống chiến thuật của Mỹ, biến họ làm công cụ đối phó với Trung Quốc của Mỹ.

Mặt khác, trong bối cảnh cắt giảm lớn ngân sách chi tiêu quân sự, Mỹ cho phép Nhật Bản xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của họ là có tính toán về kinh tế, do Nhật Bản bỏ một phần kinh phí xây dựng căn cứ, Mỹ có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Nhật Bản bỏ tiền giúp Philippines tăng cường quân đội

Trong thời gian thăm Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã tiến hành xác nhận về thỏa thuận di dời căn cứ quân Mỹ đóng tại Nhật Bản.

Ngày 26/4, vấn đề di dời căn cứ quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, vốn luôn gây khó cho quan hệ Mỹ-Nhật trong nhiều năm, đã đạt được “tiến triển mang tính đột phá”.

Căn cứ vào thỏa thuận đạt được của hội đàm “2+2” giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, trong số 19.000 binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại Okinawa hiện nay, có 9.000 binh sĩ sẽ chuyển tới Guam, Hawaii và Australia, còn khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ sẽ đóng tại Okinawa.

Căn cứ quân sự Futenma của Mỹ tại Nhật Bản.
Căn cứ quân sự Futenma của Mỹ tại Nhật Bản.

Về vấn đề căn cứ Futenma, các văn kiện kiên trì coi di chuyển đến khu vực hoang dã cổ xưa của thành phố Nago, tỉnh Okinawa là “phương án giải quyết có hiệu quả duy nhất”.

Điều đáng chú ý là, thỏa thuận “chậm trễ” này còn liên quan đến Philippines. Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản ngày 29/4 cho biết, căn cứ vào kế hoạch tái sắp xếp quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay vốn ODA “sử dụng trong chiến lược ngoại giao”, tức là cung cấp các trang bị như tàu tuần tra cho một số nước Đông Nam Á.

Bài báo đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng của TQ tự phân tích, suy luận cho rằng: “Xét thấy một số nước ở Đông Nam Á tranh quyền sở hữu với Trung Quốc xung quanh quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam), hơn nữa Trung Quốc đang tăng cường các hành động mang màu sắc chủ nghĩa bá quyền ở biển Đông, vì vậy cử động này có mục đích xây dựng mạng lưới bao vây Trung Quốc”.

Ngày 27/4, khi nói về vấn đề viện trợ trang bị trên biển cho các nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Genba từng ám chỉ rằng: “Nếu Nhật Bản có thể đóng vai trò bổ sung cho chiến lược ngoại giao quân sự của Mỹ, thì có thể trông đợi đạt được hiệu ứng cộng gộp khá lớn”.

Bài báo cho rằng, là một khâu “viện trợ phát triển chính phủ mang tính chiến lược”, Nhật Bản có ý định bỏ ra 4-5 tỷ yên (khoảng 50-60 triệu USD), mua tàu tuần tra và hệ thống thông tin cho Philippines.

Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ.
Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ.

Tờ “Sankei Shimbun” cũng cho rằng, cùng với việc triển khai tái bố trí quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ bắt đầu bàn thảo vấn đề Lính thủy đánh bộ Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng sử dụng cơ sở huấn luyện quân sự của Philippines, các căn cứ hải quân, không quân nằm ở đảo Palawan, căn cứ đảo Luzon của Philippines đều có thể lựa chọn.

Bài báo cho rằng, Philippines có khả năng trở thành một cứ điểm điều chỉnh chiến lược quân Mỹ đóng tại Nhật Bản của Mỹ. Sở dĩ Nhật Bản sẵn sàng phối hợp với ý đồ chiến lược của Mỹ là do Mỹ đã coi đồng minh Nhật-Mỹ là “tài sản chung” bảo đảm cho thịnh vượng và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng nâng cao khả năng ngăn chặn cho đồng minh Nhật-Mỹ là tiền đề để ngăn chặn đợt tấn công thứ nhất từ Trung Quốc.

Được biết, nội bộ Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận vấn đề Nhật Bản bỏ ra một phần chi phí xây dựng căn cứ huấn luyện ở Philippines. Nếu ba bên cuối cùng đạt được thống nhất, Chính phủ Philippines sẽ cùng ký thỏa thuận chính thức huấn luyện quân sự liên hợp với Nhật, Mỹ.

Đảo Palawan và Luzon đối diện với biển Đông, Mỹ lôi kéo Nhật Bản và Philippines tiến hành hợp tác sử dụng căn cứ quân sự của Philippines, rõ ràng là muốn tăng con bài cho Philippines chống lại Trung Quốc ở biển Đông, giúp Mỹ làm “ngư ông đắc lợi”. Sự tương tác quân sự giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ đem lại nhiều tính không xác định hơn cho tình hình biển Đông.

Nhưng có chuyên gia cho rằng, là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một số hành động ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện vẫn bị ràng buộc bởi các điều khoản pháp luật có liên quan, cùng sử dụng căn cứ ở nước thứ ba với quân Mỹ rõ ràng có ý đồ tăng cường vị thế cường quốc quân sự của Nhật Bản.

Philippines đưa ra danh sách mua vũ khí để đổi lấy việc Mỹ tăng cường can dự

Ngày 30/4/2012, tại Washington, hai nước Mỹ, Philippines đã tổ chức hội đàm thường lệ “2+2” với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước. Một vấn đề quan trọng của hội đàm lần này là, xem xét lại “Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines” được ký năm 1951.

Có bài báo cho rằng, trong hội đàm, Mỹ đã tái khẳng định cam kết đối với an ninh của Philippines được quy định trong hiệp ước, đồng thời tái khẳng định ủng hộ Philippines thông qua con đường ngoại giao giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Theo các phương tiện truyền thông Philippines, là lực lượng quân sự ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ đã yêu cầu Philippines mở cửa thêm nhiều căn cứ, trong đó bao gồm sử dụng khoảng 6 sân bay dân dụng của Philippines, để sửa chữa, tiếp dầu và bố trí lâm thời các máy bay vận tải, máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát (do thám).

Là điều kiện trao đổi mở cửa căn cứ, Philippines yêu cầu Mỹ tiếp tục cung cấp trang bị quân sự, bao gồm 1 tàu tuần tra lớp Hamilton, một phi đội máy bay chiến đấu F-16 cũ và hệ thống vũ khí hiện đại cần cho hai tàu tuần tra ven bờ mua trước đó.

Máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Mỹ.

Philippines không hề úp mở nói hệ thống quốc phòng của họ phụ thuộc vào Mỹ. Theo trang mạng “Tin tức Quốc phòng” (Defense News) Mỹ, trong hội đàm “2+2”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario nói thẳng rằng: “Philippines muốn làm đối tác khu vực tin cậy, lâu dài của Mỹ… thì phải thực thi tất cả các biện pháp có thể, chí ít xây dựng trạng thái quốc phòng tin cậy ở mức độ tối thiểu, mà điều này chủ yếu dựa vào thỏa thuận hợp tác quân sự với Washington và giúp đỡ đáp ứng những nhu cầu lần này của chúng tôi”.

Hiện nay, Mỹ đã triển khai khoảng 600 quân ở đảo Mindanao miền nam Philippines. Được biết, để tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ muốn mở rộng ít nhất là gấp đôi lực lượng luân lưu đồn trú tại Philippines, đồng thời tăng cường diễn tập liên hợp.

Đông Bình (Theo mạng Sina)