Báo Trung Quốc: Việt Nam ít đầu tư cho Lục quân, vẫn mạnh nhất khu vực

14/11/2013 09:37
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo tự suy đoán và chỉ ra: Những năm gần đây, Việt Nam không mua bất cứ vũ khí trang bị nào quy mô lớn cho Lục quân, cho thấy Việt Nam cho rằng, mối đe dọa của Trung Quốc trên đất liền hoàn toàn không lớn...
Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Lục quân Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối hạm ở căn cứ Naha, Okinawa, kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Lục quân Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối hạm ở căn cứ Naha, Okinawa, kiềm chế Trung Quốc.

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 13 tháng 11 có bài viết cho rằng, ở hướng đông Trung Quốc đang đồng thời đối mặt với vài đối thủ nghiêm trọng hoặc rõ ràng hoặc che giấu, một loạt tranh chấp lãnh thổ và nguồn gốc gây bất ổn đã làm sâu sắc tình hình này.

Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh quân sự của Mỹ, Mỹ còn duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Đài Loan, Philippines. Những nước và khu vực này có mâu thuẫn nghiêm trọng với Trung Quốc, thực chất đã hình thành phòng tuyến chuỗi đảo thứ nhất chống Trung Quốc.

Theo luận điệu của bài báo này "đối thủ đặc biệt nghiêm trọng của Trung Quốc là Nhật Bản. Nhật Bản trước đây từng là lãnh đạo của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vào cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản từng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, làm nhục Trung Quốc, hiện nay rõ ràng không có ý định nhường vị thế lãnh đạo khu vực cho Trung Quốc. Cuộc đấu giữa hai nước thực chất không thể tránh khỏi".

Nếu trong tương lai Mỹ mất đi vị thế hiện tại, thúc đẩy thực hiện chính sách cô lập, sẽ làm cho quan hệ Trung-Nhật xuất hiện cục diện đặc biệt thú vị, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Trung-Nhật tiếp tục leo thang vì vấn đề đảo Senkaku. Hiện nay, sự ác cảm lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Trung-Nhật đã đạt tới đỉnh.

Nhật Bản diễn tập tên lửa đất đối hạm tại Okinawa.
Nhật Bản diễn tập tên lửa đất đối hạm tại Okinawa.

Tờ "Nhật báo Trung Quốc" và các cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu Nhật Bản cho biết, có 93% người Nhật có ác cảm với Trung Quốc, khoảng 90% người Trung Quốc có ác cảm với Nhật Bản. Hiện nay, lực lượng vũ trang Nhật Bản có ưu thế hơn Quân đội Trung Quốc về mặt vật chất và huấn luyện nhân viên.

Tất cả các hệ thống quân sự mới của Quân đội Trung Quốc đa số là hàng nhái của Nga và phương Tây, chưa trải qua kiểm nghiệm trong chiến đấu thực tế. Trình độ huấn luyện của Quân đội Trung Quốc cũng gây nghi ngờ.

Nhưng, cùng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng và chất lượng của Quân đội Trung Quốc, có thể nhanh chóng làm cho tình hình có sự thay đổi căn bản có lợi cho Trung Quốc, khi đó Trung Quốc có thể sẽ chiếm thế thượng phong trong vấn đề đảo Senkaku. Vì vậy, Nhật Bản hiện nay có ý định làm cho lực lượng vũ trang của họ phát triển lên trình độ mới, cải tổ Lực lượng Phòng vệ thành lực lượng vũ trang thực sự phù hợp với yêu cầu, có tiềm lực tấn công to lớn.

Trung Quốc đang quan tâm chặt chẽ sự phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên không thể nói là đồng minh hoàn toàn của Trung Quốc. Một mặt, CHDCND Triều Tiên là lô-cốt đầu cầu ngăn chặn Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở biên giới đông bắc; mặt khác, "tiểu huynh đệ" CHDCND Triều Tiên là đối tác rất khó dự đoán.

Nhật Bản diễn tập tên lửa đất đối hạm kiềm chế Trung Quốc
Nhật Bản diễn tập tên lửa đất đối hạm kiềm chế Trung Quốc

Vì vậy, đầu năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên trong 4 năm qua đã biểu quyết ủng hộ thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên; tháng 9 năm 2013, Trung Quốc cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho CHDCND Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân, tên lửa, hóa học và sinh học có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trung Quốc và Hàn Quốc không có tranh chấp nghiêm trọng, nhưng Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, rõ ràng sẽ là người tham gia vào chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của quân Mỹ. Ngoài ra, Mỹ tìm mọi cách thúc đẩy Hàn Quốc với Nhật Bản kết thành đồng minh, cho dù giữa Nhật-Hàn tồn tại tranh chấp lãnh thổ.

Do Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng quan hệ vì vấn đề đảo Senkaku, vì vậy để tránh làm gay gắt quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc thậm chí quyết định không đề cập tới tranh chấp đảo Leodo giữa Trung-Hàn. Trung Quốc không muốn mạo hiểm đồng thời để xảy ra chiến tranh lãnh thổ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ muốn tập trung nguồn lực cho tranh chấp với Nhật Bản.

Đài Loan vừa tiếp nhận lô 6 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache đầu tiên từ Mỹ.
Đài Loan vừa tiếp nhận lô 6 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache đầu tiên từ Mỹ.

Xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, giữa Trung Quốc và Philippines càng có ý nghĩa mang tính nguyên tắc. Trung Quốc cho rằng, Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, sớm muộn họ cũng tìm cách lấy lại.

Do Đài Loan là đồng minh của Mỹ và Nhật Bản, vì vậy cho đến hôm nay Trung Quốc vẫn tìm cách giải quyết vấn đề Đài Loan bằng con đường ngoại giao. Nhưng, Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp, ngăn chặn Trung quốc sử dụng vũ lực để đoạt lấy Đài Loan, đồng thời thuyết phục Nhật Bản coi Đài Loan là khu lợi ích chiến lược chung của Mỹ-Nhật.

Năm 2005, Quốc hội Trung Quốc thông qua "Luật chống chia cắt" nói rằng, một khi thế lực bên ngoài có ý định chia cắt Đài Loan, làm cho Trung Quốc không thể đoạt lấy, Chính phủ Trung Quốc có thể "áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", theo đó, Trung Quốc chính thức cho phép sử dụng vũ lực để đoạt lấy Đài Loan.

Năng lực tài chính của Đài Loan tương đối tốt, hơn nữa không ngừng tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự, muốn có năng lực chống lại Quân đội Trung Quốc. Nhưng, dưới sức ép to lớn của Trung Quốc, rất nhiều nước đã từ chối bán vũ khí trang bị hiện đại cho Đài Loan, thậm chí Mỹ cũng bị ép hạn chế bán vũ khí cho Đài Loan.

Máy bay chiến đấu F-16A/B của Không quân Đài Loan
Máy bay chiến đấu F-16A/B của Không quân Đài Loan

Những năm gần đây, Đài Loan đã thông qua kế hoạch nâng cấp máy bay chiến đấu F-16, đã mua 12 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, 30 máy bay trực thăng tấn công AH-64D3, nâng cấp máy bay cảnh báo sớm, tăng cường tiềm lực tên lửa, đồng thời còn chuẩn bị mua 2 tàu hộ vệ cũ của Mỹ, nhưng Mỹ đến nay vẫn chưa quyết định bán 66 máy bay chiến đấu F-16C/D cho Đài Loan.

Vấn đề Đài Loan mua 8 tàu ngầm cũng chưa thể giải quyết, buộc phải cân nhắc tự thiết kế, chế tạo tàu ngầm. Hiện nay, Trung Quốc "hoàn toàn có năng lực phát động chiến dịch đoạt lấy Đài Loan", nhưng Trung Quốc vẫn chưa làm như vậy, chủ yếu là lo ngại có thể xảy ra xung đột với Mỹ, Nhật. Đài Loan lạc hậu rất nhiều so với Quân đội Trung Quốc về sức mạnh trên không và trên biển, sức chiến đấu của Lục quân cũng rất yếu, binh sĩ Đài Loan có dám chiến đấu đến giọt máu cuối cùng hay không cũng đáng nghi ngờ.

Cùng với việc thực lực của Mỹ tiếp tục suy yếu, có thể sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến hành tác chiến đổ bộ, đánh chiếm Đài Loan, đây sẽ là tín hiệu cảnh báo đối với toàn bộ khu vực.

Philippines mua 12 máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc
Philippines mua 12 máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc

Philippines đã để xảy ra xung đột với Trung Quốc do vấn đề đảo, đá ở Biển Đông. Lực lượng quân sự của Philippines yếu nhất trong các nước khu vực, Quân đội Philippines chỉ có thể tiến hành hoạt động chống du kích, có ít trang bị kỹ thuật quân sự, cơ bản không có máy bay chiến đấu hiện đại. Lực lượng hải quân cực kỳ bé nhỏ, vừa không có tàu ngầm, vừa không có tàu chiến mặt nước trang bị vũ khí tên lửa.

Philippines muốn làm thay đổi thực trạng này, không ngừng tăng cường sức mạnh không quân, lần lượt mua 10 chiếc và 8 chiếc máy bay trực thăng của Ba Lan và Italia, đã tiếp nhận vài chiếc máy bay trực thăng từ Mỹ, đã nhận được 12 chiếc máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc. Philippines cũng có kế hoạch tăng cường năng lực tấn công hải quân, gọi thầu mua 2 tàu hộ vệ. Nhưng, nói chung, Philippines hiện nay chỉ có thể đóng "vai phụ" trong cuộc đấu với Trung Quốc.

Theo bài báo này tự tuyên truyền, một đối thủ "nghiêm túc" khác của Trung Quốc là Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam "có vấn đề" trong việc quy thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam), vấn này cũng liên quan đến Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam.
Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam.

Bài báo nói rằng "tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam nghiêm trọng nhất (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), rất nhiều chuyên gia cho rằng, chính vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc Việt Nam) có thể gây ra xung đột khu vực nghiêm trọng. Những hòn đảo này có diện tích rất nhỏ, nhìn vào góc độ cư trú hoặc tiềm lực kinh tế, không có ý nghĩa đặc biệt.

Nhưng, quy thuộc đảo đá quyết định chủ quyền thềm lục địa, trong khi ở đó có dầu mỏ và khí đốt phong phú cũng như tài nguyên sinh vật biển. Hơn nữa, những hòn đảo này có ý nghĩa chiến lược địa-chính trị quan trọng, có thể triển khai lực lượng không quân và hải quân, bảo đảm an toàn tuyến đường vận tải giao thông trên biển.

Bài báo cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ ký kết “thỏa thuận đồng minh”, từ năm 2000 trở đi, hàng năm đều tổ chức diễn tập liên hợp ở Biển Đông. Bài viết xuyên tạc cho rằng, "để ngăn chặn Trung Quốc, Việt Nam thậm chí bắt đầu từ bỏ hận thù chiến tranh, từng bước tiếp cận Mỹ, năm 2010 và năm 2012, Việt-Mỹ tổ chức diễn tập liên hợp trên biển, gây sự bất mãn mạnh mẽ cho Trung Quốc".

Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam, mua của Nga
Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam, mua của Nga

Bài viết quy kết, chụp mũ , thiếu tính xây dựng cho rằng, "Việt Nam sẽ là một trong những thành viên chính của liên minh chống Trung Quốc. Lịch sử quan hệ Trung-Việt đã nói rõ điểm này. Việt Nam có một đội quân mạnh nhất khu vực, hơn nữa tiếp tục tiến hành xây dựng hiện đại hóa, duy trì mối quan hệ đặc biệt với Nga".

Việt Nam đã mua nhiều vũ khí trang bị tiên tiến của Nga như đã nhập khẩu 12 máy bay chiến đấu Su-27 và 12 máy bay chiến đấu Su-30, đã nhập khẩu 2 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1, đã mua 4 tàu tên lửa Molniya Project 12411, sau đó lại nhập khẩu 12 tàu tên lửa Project 12418 (2 chiếc được chế tạo ở Nga, số còn lại chế tạo ở Việt Nam), 2 tàu hộ vệ Project 11661 (2 chiếc khác vẫn chưa ký kết hợp đồng), 4 chiếc tàu tuần tra Svetlyak Project 10410, 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo Project 636 (1 chiếc đã bàn giao, 2 chiếc khác sẽ bàn giao vào năm 2014) và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.

Hiện nay quan hệ Trung-Việt tương đối hữu nghị. Nhưng, bài báo vẫn tiếp tục quy kết cho rằng, Việt Nam củng cố sức mạnh quân sự, quan hệ hữu nghị với Ấn Độ hoàn toàn là để "ngăn chặn" Trung Quốc. Theo bài báo thì khả năng kinh tế của Việt Nam không bằng được Trung Quốc, hệ thống công nghiệp quân sự phát triển kém, ngành đóng tàu mới bắt đầu phát triển. Cho dù có sự giúp đỡ của Nga, Quân đội Việt Nam cũng cơ bản không thể "đấu lại" Quân đội Trung Quốc về thực lực.

Tàu ngầm Hà Nội, Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo
Tàu ngầm Hà Nội, Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo

"Nhưng, Việt Nam cũng không cần một đội quân quá mạnh, bởi vì bản thân Việt Nam không sẵn sàng chủ động tấn công Trung Quốc, muốn có được một đội quân có năng lực "gây ra tổn thất để Trung Quốc không thể gánh chịu". Nhiệm vụ ưu tiên của Việt Nam là phát triển không quân và hải quân, duy trì kiểm soát đối với các hòn đảo và vùng nước trên Biển Đông (thuộc chủ quyền vốn có của Việt Nam, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển). Những năm gần đây, Việt Nam không mua bất cứ vũ khí trang bị nào quy mô lớn cho Lục quân, cho thấy Việt Nam cho rằng, mối đe dọa của Trung Quốc trên đất liền hoàn toàn không lớn".- bài báo tiếp tục luận điệu.

Trung Quốc không có kẻ thù công khai ở biên giới phía nam, nhưng tình hình cũng không ổn định. Thái Lan định vị chiến lược hướng tới cả Mỹ và Trung Quốc, giữa Thái Lan và Campuchia có nguồn gốc chiến tranh, tháng 2 năm 2011 đã xảy ra xung đột. Thái Lan còn có xung đột với Lào. Campuchia và Lào đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam, Quân đội Thái Lan mặc dù mạnh hơn Campuchia và Lào, nhưng không được sự ủng hộ của Việt Nam, một nước mạnh hơn.

Myanmar hoàn toàn dựa vào Trung Quốc về lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự, Trung Quốc coi họ là hành lang để vươn tới Ấn Độ Dương, đồng thời làm một mắt khâu quan trọng để đối kháng với Ấn Độ.

Tàu ngầm thông thường lớp Scorpene của Hải quân Malaysia, mua của Pháp
Tàu ngầm thông thường lớp Scorpene của Hải quân Malaysia, mua của Pháp

Quân đội Singapore tuy quân số không nhiều, nhưng tương đối mạnh và tiên tiến, chủ yếu có xu hướng phương Tây. Malaysia giống các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã đầu tư khá lớn các nguồn lực để phát triển lực lượng vũ trang, do tồn tại tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, họ đã phát triển quan hệ kỹ thuật quân sự với Ấn Độ nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Trong đối đầu tương lai, lập trường của Malaysia và Indonesia hiện nay rất khó dự đoán, nhưng hiện nay họ tạm thời đều giữ lập trường chống Trung Quốc.

Australia và New Zealand rõ ràng thuộc mặt trận chống Trung Quốc. Những năm gần đây, Australia đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để tiến hành xây dựng hiện đại hóa không quân, hải quân và lực lượng phản ứng nhanh. Điều này có ý nghĩa mang tính quyết định ở khu vực Thái Bình Dương.

Đồng thời, điều cần phải chỉ ra là, ở hướng nam Trung Quốc cũng đối mặt với mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, hơn nữa vấn đề này còn liên quan tới Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.

Ở biên giới phía bắc, Trung Quốc tạm thời yên bình nhất. Trung Quốc phát triển quan hệ kinh tế thuận lợi với Kazakhstan, Mông Cổ và Nga, các nước này tuy lo ngại Trung Quốc bành trướng, đe dọa, nhưng không muốn phá hoại hợp tác kinh tế lẫn nhau, dù sao Trung Quốc cũng là thị trường hàng hóa lớn nhất của họ. Huống hồ, thực lực quân sự của Mông Cổ và Kazakhstan tương đối yếu, không có bất cứ mối đe dọa nào đối với Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2013, Quân đội Nga tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.
Tháng 7 năm 2013, Quân đội Nga tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.

Ở hướng phía tây, Trung-Nga có khả năng xảy ra xung đột tiềm tàng, nhưng Trung Quốc biết rất rõ bản thân cần có hậu phương yên ổn, hơn nữa Trung Quốc không cần thiết phát động chiến tranh để có được tất cả nguồn lực cần thiết.

Đương nhiên, một khi Nga suy yếu nhanh chóng, cư dân người Nga rời khỏi Viễn Đông và đông Siberia quy mô lớn, Trung Quốc chắc chắn sẽ tích cực bành trướng lên phía Bắc. Chỉ có khi Nga trở thành lực lượng ngang ngửa hoặc vượt Trung Quốc ở một số hướng nào đó, hòa bình và hợp tác cùng có lợi Trung-Nga có thể mới thực tế hơn.

Nếu cứ theo những luận điệu và cách suy nghĩ tự diễn của bài báo, có lẽ tất cả các quốc gia láng giềng gần xa của Trung Quốc có lẽ đều bị truyền thông của nước này liệt vào dạng kẻ thù, ngáng đường phát triển của Trung Quốc!

Đông Bình