Bắt 240 lít tương ớt “dởm” giá: 6.000đ/lít

18/09/2011 16:16
Nam Phong
(GDVN) - Số tương ớt “dởm” trên đã bị Đội 4 Phòng CSMT phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên phát hiện và bắt giữ.

Sự việc được phát hiện vào khoảng 9h20 sáng nay (ngày 18/9), tại QL 1A  (đoạn đi qua địa phận xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Vào thời gian trên, cơ quan chức năng phát hiện một chiếc xe tải màu xanh mang BKS 33M-0085 có dấu hiệu nghi vấn, tiến hành dừng xe kiểm tra và phát hiện trên thùng xe có 7 can, 1 thùng chứa nhiều thực phẩm lỏng, nghi là tương ớt.

Kiểm tra tại gia đình Dương Văn Đình, cơ quan chức năng phát hiện một nồi tương ớt "dởm" đang nấu dở.
Kiểm tra tại gia đình Dương Văn Đình, cơ quan chức năng phát hiện một nồi tương ớt "dởm" đang nấu dở.

Người điều khiển xe kiêm chủ hàng được xác định là Dương Văn Đình (SN 1965, trú tại: tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Đình không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng, cũng như giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hóa đơn bán hàng... Chiếc xe cùng toàn bộ hàng hóa và cả chủ hàng sau đó được đưa về trụ sở CAH Phú Xuyên làm rõ.

Tại cơ quan công an, Dương Văn Đình thừa nhận số thực phẩm trên đúng là tương ớt. Trong 7 can nhựa màu trắng, mỗi can có chứa 20 lít tương ớt và trong 1 thùng phi nhựa màu xanh có chứa 100 lít tương ớt. Tổng cộng 240 lít tương ớt này được Đình chở từ nhà riêng (đồng thời cũng là nơi sản xuất) ở tiểu khu Phú Mỹ đi tiêu thụ.

Nguyên liệu để sản xuất tương ớt gồm: Ớt tươi, nước, muối, mỡ. Quy trình sản xuất sơ bộ như sau: ớt tươi được ninh nhừ rồi xay nhuyễn, sau đó cho muối, mỡ vào trộn đều và cho ra tương ớt thành phẩm. Nguyên liệu đầu vào được cơ sở này thu mua quanh khu vực Phú Mỹ; tương ớt thành phẩm được đưa đến các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Đình thừa nhận cơ sở của mình không có Đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSANTP cũng như không có cam kết bảo vệ môi trường.

Những vỏ can dùng để đựng các loại tương ớt cáu bẩn nhem nhuốc.
Những vỏ can dùng để đựng các loại tương ớt cáu bẩn nhem nhuốc.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất tương ớt của Dương Văn Đình tại tiểu khu Phú Mỹ. “Xưởng” sản xuất của Đình rộng khoảng vài chục mét vuông chính là bếp của gia đình Dương Văn Đình.

Tại đây có rất nhiều thùng phuy cỡ lớn ủ men, các loại can nhựa loại 20 lít cắt ngang thân vứt lăn lóc và cả loại chai nhựa dưới 10 lít (trong danh mục nhựa cấm tái chế) treo lủng lẳng trên dây thép dưới hiên nhà, trong buồng…

Các trinh sát đã phát hiện một nồi tương ớt thành phẩm khá lớn (loại 50 lít), để lăn lóc ngay gần khu vực than củi đen nhem nhuốc, không hề được che đậy, mặc cho ruồi nhặng bu vào. Một loạt các can ớt với màu đỏ đậm, nhạt khác nhau để dưới nền nhà…kiểm đếm ban đầu cho thấy có 3 can loại 20 lít, 9 can loại 5 lít; chưa hết, ngoài ra còn có 1 thùng phi (loại 100 lít) đựng ớt ngâm, 1 thùng phi đựng đậu tương ngâm; 1 máy quay trộn phụ gia tương ớt, 1 máy xay ớt và đậu tương.

Mỗi chai tương ớt này có giá 3000 đồng có mặt tại khắp các cửa hàng ăn.
Mỗi chai tương ớt này có giá 3000 đồng có mặt tại khắp các cửa hàng ăn.

Vợ của Đình thừa nhận gia đình bắt đầu sản xuất tương ớt từ tháng 12/2004, trong khi Dương Văn Đình lại khai, bắt đầu làm từ năm 2007. Có tổng cộng 4 loại tương ớt thành phẩm, với giá dao động chỉ từ 6.000đ – 20.000đ/lít. Mỡ được cho vào tương ớt để bảo quản và thơm hơn.

Đặc biệt cơ quan công an đã tiến hành kiểm đếm và thu giữ 1 hộp nhựa đựng chất bảo quản (600g); 8 gói bột màu nghệ (900g); 1 gói bột màu đỏ (100g); 1 gói bột màu tím (100g) là những chất phụ gia mà vợ của Dương Văn Đình là Bùi Thị Chung thừa nhận dùng để trộn lẫn trong quá trình sản xuất tương ớt thành phẩm.
Các túi bột này không loại trừ các chất phụ gia này có chất Rhodamine B (chất bột màu đỏ tím, tan trong nước) vốn là thuốc nhuộm trong lĩnh vực công nghiệp và làm chất đánh dấu (thuốc nhuộm huỳnh quang) trong một số lĩnh vực khoa học…cực kỳ có hại cho sức khỏe người.

Một chai tương ớt trông cực kỳ bắt mắt được bán cho các nhà hàng chỉ với giá 6.000đ/ lít; không loại trừ bên trong có chất Rhodamine B- thuốc nhuộm công nghiệp.

Nam Phong