Bất chấp Covid-19, nhiều trung tâm ngoại ngữ ở Sài Gòn vẫn mở cửa

17/03/2020 06:31
Việt Dũng
(GDVN) - Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, dù đã yêu cầu đóng cửa, nhưng một số trung tâm ngoại ngữ vẫn bất chấp mở cửa.

Trong nhiều ngày vừa qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều thông tin của người dân cung cấp, cho biết rằng, dù đã có lệnh yêu cầu đóng cửa của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều trung tâm ngoại ngữ vẫn bất chấp mở cửa trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến nhiều phức tạp.

Không phép, vẫn thoải mái mở cửa hoạt động

Nằm trong hẻm 686 đường Cách Mạng Tháng 8, thuộc địa bàn phường 5 – quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm ngoại ngữ Estar bị phản ánh là vẫn mở cửa hoạt động trong mùa dịch.

Sáng ngày 13/3/2020, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong vai là học viên có nhu cầu đăng ký học IELTS, có mặt tại trung tâm để hỏi về khóa học gấp, để bổ sung hồ sơ làm việc.

Trung tâm ngoại ngữ Estar ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Trung tâm ngoại ngữ Estar ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Một người đàn ông tên Đức – xưng là Phó Giám đốc trung tâm sau khi hỏi qua về khả năng tiếng Anh của học viên, thì nói là cần kiểm tra trình độ trước mới xếp lớp học. Học viên sẽ học dạng kèm vài người với giáo viên, giờ giấc do học viên chọn.

Mỗi học viên sẽ học 4 kỹ năng, 6 tiếng/tuần, mỗi kỹ năng học 1,5h/tuần, học với 3 giáo viên (một mình Đức dạy 2 kỹ năng).

Đức khẳng định rằng, trong thời điểm này, học viên của trung tâm vẫn học bình thường. giáo viên của trung tâm chủ yếu đến từ một Trường Sư phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay sau  đó, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với bà Trang, chủ trung tâm này để tìm hiểu.

Vẫn có học viên đến học, ra về ở Trung tâm ngoại ngữ Estar vào trưa ngày 13/3/2020 (ảnh: P.L)
Vẫn có học viên đến học, ra về ở Trung tâm ngoại ngữ Estar vào trưa ngày 13/3/2020 (ảnh: P.L)

Bà Trang cho biết: Các học viên nhỏ tuổi của trung tâm đã được cho nghỉ hết, chỉ còn người lớn học các kỹ năng, nhất là để thi lấy bằng.

Cũng theo bà Trang, trung tâm của bà là doanh nghiệp, chứ không phải là trung tâm ngoại ngữ, có giấy phép hoạt động của ngành Công thương, chứ không có giấy phép hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Estar chỉ làm doanh nghiệp, đào tạo cho doanh nghiệp và đào tạo cho những người có nhu cầu.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chuyển thông tin này đến với ông Hồ Phú Bạc – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố để tiến hành xử lý đúng theo luật định.

Trung tâm tiếng Pháp Bonjour vẫn hoạt động

Nằm trên đường Nguyễn Sơn Hà, thuộc địa bàn phường 5, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tiếng Pháp Bonjour bị người dân địa phương phản ánh trong mùa dịch mà vẫn hoạt động bình thường là nguy hiểm quá.

Trưa ngày 15/3/2020, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp có mặt tại trung tâm này, và ghi nhận lúc 11h15, có hàng loạt học viên trung tâm ra khỏi nơi đây, sau khi kết thúc giờ học từ sáng đến trưa.

Sáng ngày 16/3, tiếp phóng viên tại trung tâm, bà Cái Thị Duyên – chủ Trung tâm tiếng Pháp Bonjour chia sẻ: Khi dịch Covid-19 xảy ra, trung tâm có ngừng hoạt động một vài tuần rồi.

Học viên ra về tại Trung tâm tiếng Pháp Bonjour vào trưa ngày 15/3 (ảnh: P.L)
Học viên ra về tại Trung tâm tiếng Pháp Bonjour vào trưa ngày 15/3 (ảnh: P.L)

Khi thấy dịch ổn hơn thì trung tâm mới mở lại. Học viên còn đi học chủ yếu là người lớn, các em cần thi lấy bằng, chứng chỉ, hay đi du học, chứ hoàn toàn không tuyển sinh thêm các lớp học mới.

Theo giải thích của bà Duyên, học viên đã đóng tiền rồi, kỳ thi thì lại không dời lịch tổ chức, nên phải mở để ôn thi cho các em, chứ nói thật là chủ trung tâm cũng sợ khi dịch bệnh lây lan.

Sở Giáo dục không nghiêm cấm hoạt động trong giai đoạn này, còn trung tâm hoạt động trong thời điểm này vẫn là kèm học viên với vài em, một giáo viên và một trợ giảng.

Ngay sau khi nhận được ý kiến của người dân địa phương, bà Cái Thị Duyên đã quyết định tạm thời không để cho học viên đến trung tâm học, và chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Việt Dũng