Bất chấp suy giảm kinh tế, Tập Cận Bình tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

17/02/2015 06:57
Hồng Thủy
(GDVN) - "Trung Quốc chi tiêu quân sự cao hơn cùng với hành động ngày càng hung hăng và ngôn ngữ cứng rắn có khả năng thúc đẩy hơn nữa các nước láng giềng...
Ông Tập Cận Bình trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Reuters ngày 17/2 đưa tin, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ cho phép chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ trong năm nay mặc dù nền kinh tế nước này đang phát triển chậm lại. Quyết tâm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của nước này được thúc đẩy trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng khó chịu về chính sách tập trung mới của Washington đối với châu Á.

Trong khi Trung Quốc giữ bí mật chi tiết về các hoạt động chi tiêu quân sự của mình, các chuyên gia tin rằng kinh phí bổ sung có khả năng sẽ tăng lên cho lực lượng hải quân với các tàu chống ngầm, phát triển nhiều hơn 1 tàu sân bay duy nhất đang hoạt động. Ngân sách quân sự sẽ được công bố trong cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc đầu tháng 3 tới. Năm ngoái chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 12,2% lên 130 tỉ USD đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Một thập kỷ qua ngân sách quốc phòng Trung Quốc liên tục tăng trưởng 2 con số, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều. Trung Nam Hải thường xuyên tìm cách biện minh cho hoạt động hiện đại hóa quân sự của mình bằng cách liên kết mức tăng chi tiêu quốc phòng với mức độ tăng trưởng GDP nhanh chóng. Nhưng năm qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,4%, thấp nhất trong vòng 24 năm, và năm 2015 dự kiến sẽ tiếp tục giảm còn 7%.

Các yếu tố thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng về đối ngoại có chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á, về đối nội là cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình trong quân đội đã gây ra một số băn khoăn trong đội ngũ sĩ quan chỉ huy. Trương Bảo Huy, một chuyên gia an ninh đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông bình luận: Tập Cận Bình đã đặt cược vào giấc mơ quân đội mạnh mẽ như một phần trong chiến lược lớn của ông về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Quân đội nước này đang diễn tập cho một cuộc duyệt binh quy mô lớn và dự kiến sẽ công bố sức mạnh vũ khí "cây nhà lá vườn lần đầu tiên trước công chúng, đây là một phần trong kế hoạch phô trương sức mạnh quân sự trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, nguồn tin nói với Reuters. Đứng đầu trong tâm trí các nhà hoạch định chiến lược quân sự Trung Quốc là chính sách tái cân bằng của Mỹ với tuyên bố điều 60% chiến hạm sang châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020.

Ông Tập Cận Bình, Du Chính Thanh và các tướng hàng đầu Trung Quốc quan sát một cuộc tập trận.
Ông Tập Cận Bình, Du Chính Thanh và các tướng hàng đầu Trung Quốc quan sát một cuộc tập trận.

Tạp chí Học tập của Trường đảng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bình luận, việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mang lại áp lực bên ngoài rất lớn đối với Trung Quốc. Nó bao gồm nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường liên minh với Nhật Bản và Philippines. Trung Quốc cũng đang "tranh chấp cay đắng với Việt Nam" trong khi quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển nhanh chóng.

"Trung Quốc chi tiêu quân sự cao hơn cùng với hành động ngày càng hung hăng và ngôn ngữ cứng rắn có khả năng thúc đẩy hơn nữa các nước láng giềng vào vòng tay của Mỹ", Richard Bitzinger từ trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho biết. Nhiều nước châu Á đang nhận ra điều này. Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 42 tỉ USD trong khi Ấn Độ đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng thêm 12% trong năm 2014-2015 với 38,35 tỉ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, chi tiêu quân sự được nhìn thấy sẽ tăng lên 40 tỉ USD trong năm 2016.

Các nhà ngoại giao cho biết họ tin rằng Tập Cận Bình muốn xoa dịu các tướng lĩnh quân đội và binh lính thường cảm thấy sức nóng từ chiến dịch chống tham nhũng. Quân ủy trung ương nơi ông Tập Cận Bình đang là Chủ tịch đã có một số vụ bê bối về việc mua bán các vị trí, quân hàm trong quân đội. Nó cũng nhắm mục tiêu vào binh chủng Tên lửa chiến lược, kiểm soát tên lửa hạt nhân của Trung Quốc cũng như các lực lượng hải - không quân.

Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters với điều kiện giấu tên, không thể tưởng tượng Tập Cận Bình có thể cắt giảm ngân sách quốc phòng ngay bây giờ vì những đối thủ của ông trong nội bộ. Mặc dù Bắc Kinh đã bỏ ra một khoản tiền khổng lồ hơn 2 thập kỷ qua cho quân đội, báo cáo mới đây của một tổ chức nghiên cứu Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc bị điểm yếu nghiêm trọng có thể hạn chế khả năng giành chiến thắng trong chiến tranh.

Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, một khu vực thống trị của Hoa kỳ và đồng minh. Nhưng hải quân Trung Quốc vẫn còn tụt hậu nghiêm trọng về khả năng chống tàu ngầm.

Hồng Thủy