Bi, hài chuyện truy tìm người "mất tích"

20/06/2011 00:23
Khi tìm được "bệnh nhân chết ở Anh" có tên Trần Thị Ng., các thành viên của Đội Truy tìm, Công an TP Hà Nội cũng bị nhiều phen thót tim vì Ng chỉ muốn... chết.
Khi tìm được "bệnh nhân chết ở Anh" có tên Trần Thị Ng., các thành viên của Đội Truy tìm, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an TP Hà Nội cũng bị nhiều phen thót tim vì Ng. muốn lao ra ngoài cửa xe kết thúc cuộc đời… Không nản lòng, các thành viên của Đội Truy tìm vẫn kiên trì thuyết phục, đồng thời liên lạc với gia đình nạn nhân.
{iarelatednews articleid='4456,3259,3159,1946,1405'}
Mặc cảm bệnh tật, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, cô gái quê Quảng Bình, Trần Thị Ng. (19 tuổi) đã tự báo tử cho mình, rồi bỏ đi bặt vô âm tín. Gia đình Ng. đã tổ chức lễ mai táng cho người thân rồi mòn mỏi, khắc khoải từng ngày chờ nhận xác con.
Nhiều ngày trôi qua, những tia hy vọng mong manh dần tắt lịm, bác của Trần Thị Ng. là ông Trần Đình Doáng vì nghi ngờ cái chết của người cháu gái, đã lặn lội hàng trăm cây số tìm đến Đội Truy tìm, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an TP Hà Nội (PC52) nhờ tìm kiếm người cháu gái…
Suy nghĩ của những người như chị Ng. thật đơn giản nhưng để tìm ra một trường hợp "mất tích", cán bộ Đội Truy tìm tốn rất nhiều tâm sức. Với sự bền bỉ, nhiệt tình và cái tâm, họ đã góp phần làm nên những cuộc đoàn tụ.
Giả báo tử để lẩn trốn bệnh tật
Hơn 4 tháng với 160 cuộc tìm kiếm, trong đó đã có 48/53 trường hợp được trở về đoàn tụ với gia đình, đó là một con số không nhỏ với một đơn vị có 5 thành viên. Song câu chuyện nhân văn, đầy cảm động về hành trình tìm kiếm cô gái Trần Thị Ng., đã để lại những kỷ niệm chẳng dễ quên với Thượng úy Đỗ Thanh Hải và cán bộ Đội Truy tìm, Phòng PC52 Công an TP Hà Nội.
Cán bộ Đội Truy tìm trao đổi thông tin nghiệp vụ, truy tìm một trường hợp mất tích.
Cán bộ Đội Truy tìm trao đổi thông tin nghiệp vụ, truy tìm một trường
hợp mất tích.
Cuộc truy tìm bắt đầu từ đơn trình báo của ông Trần Đình Doáng, bác ruột của cô gái "tự báo tử". Lặn lội hàng trăm kilômét từ xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ông Doáng tìm đến Đội Truy tìm, Phòng PC52 vào một buổi chiều giữa tháng 4/2011. Ông khẩn khoản nhờ cơ quan Công an tìm kiếm người cháu gái là Trần Thị Ng. (19 tuổi) bị bệnh viêm tụy, điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Trong thời gian điều trị, gia đình nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sỹ nói rằng: Cháu Ng. được đưa sang Anh chữa bệnh, theo chương trình tài trợ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Cháu đã không qua khỏi và chết ở Vương quốc Anh…
Cố nén xúc động, ông Doáng kể lại: Số phận không may mắn đã khiến Trần Thị Ng. mắc bệnh nan y từ lúc lọt lòng mẹ. Mỗi tháng một lần mẹ Ng. lặn lội đưa con từ Quảng Bình ra Hà Nội chữa bệnh. Cảnh gia đình vốn chỉ làm nông nghiệp thật vô cùng khó khăn. Nhưng bất hạnh của gia đình Ng. không dừng lại ở đó, hai đứa em gái của Ng. chào đời sau đó, cũng mắc căn bệnh nan y giống chị gái. Quanh năm, bố mẹ Ng. tần tảo nhưng chẳng đủ tiền chữa bệnh cho ba chị em.
Rồi bố mẹ Ng. chia tay nhau, mẹ Ng. đi thêm bước nữa, có thêm một con với người chồng thứ hai, cảnh nhà vốn khốn khó càng trở nên tiêu điều. Một ngày cuối tháng 3/2011, Ng. xin phép gia đình đi chữa bệnh. Và từ ngày đó, gia đình không gặp được Ng.…
Nỗi hoang mang, sự đớn đau tột cùng của ông Doáng thôi thúc các trinh sát. Một cuộc tìm kiếm mà chính họ đã có những thời khắc sống trong tâm trạng lo lắng ngạt thở, buồn, vui cùng với gia đình người mất tích. Đầu mối đầu tiên, họ tìm đến là Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nơi nạn nhân mất tích. Xác minh tại đây, cán bộ Đội được biết, bệnh viện không có trường hợp nào đi Anh chữa bệnh như lời kể của "người mất tích". Thông tin này giúp Đội Truy tìm loại trừ khả năng nạn nhân bị chết tại Anh.
Song khi đó, lại có một tình huống khác đặt ra, Trung tá Đỗ Quốc Toản, Đội trưởng Đội Truy tìm nhớ lại: Vậy phải chăng nạn nhân đã bị bắt cóc hoặc bị lừa bán ra nước ngoài, hoặc có liên quan đến một đường dây mua bán nội tạng?…
Bốn ngày ròng rã theo đuổi hành trình, Đội Truy tìm đã lần tìm ra một người bạn của Ng. ở Hưng Yên và đây cũng là đầu mối duy nhất họ có được sau khi chắp nối rất nhiều nguồn tài liệu. Người thanh niên này từng có thời gian làm bảo vệ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có mối quan hệ quen biết với bạn trai của Ng.. Những lời lẽ phân tích, thấu tình đạt lý của các thành viên Đội Truy tìm khiến người thanh niên hiểu ra, anh ta đã đồng ý đưa các thành viên của Đội đến gặp Ng..
Trái hẳn với những điều các thành viên của Đội Truy tìm phán đoán trước đó, Ng. tỏ ra hoảng loạn, thậm chí không muốn gặp lại người thân. Trong quá trình đưa Ng. về trụ sở, các thành viên của Đội Truy tìm cũng bị nhiều phen thót tim vì Ng. muốn lao ra ngoài cửa xe kết thúc cuộc đời… Ròng rã suốt 5 giờ đồng hồ, Ng. chẳng nói một câu, cô gái chưa đầy hai mươi tuổi, tiều tụy như một phụ nữ trung tuổi. Không nản lòng, các thành viên của Đội Truy tìm vẫn kiên trì thuyết phục, đồng thời liên lạc với gia đình nạn nhân.
Khi gặp ông Doáng, Ng. ôm chặt lấy bác khóc tức tưởi, một cuộc đoàn tụ đầy nước mắt đã diễn ra trong căn phòng nhỏ của Đội Truy tìm ở số 55, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Ng. chia sẻ: Vì thương mẹ, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, cũng muốn mẹ dành tiền để chữa bệnh cho hai em gái, Ng. đã dàn dựng màn kịch trên. Ng. đã nhờ một người quen, đóng giả làm bác sỹ gọi điện thoại cho gia đình, thông báo rằng cô đã chết tại Anh để gia đình không đi tìm kiếm. Rồi Ng. tìm về Hưng Yên nhờ sự giúp đỡ của người bạn, xin vào làm công nhân may để nuôi sống bản thân. Để có quyết định đó, Ng. cũng đã khóc nhiều đêm nhưng trong lúc cùng quẫn, thiếu suy nghĩ thấu đáo, cô gái ấy lại nghĩ rằng đó là giải pháp duy nhất để giải quyết tình thế.
Không được bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất
Trong quá trình truy tìm, những chi tiết dù là nhỏ nhất lại trở thành những tài liệu vô cùng quan trọng, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng PC52 Công an TP Hà Nội chia sẻ. Đa phần gia đình người bị hại khi đến cơ quan Công an trình báo đều có tâm trạng lo lắng, nhiều sự việc đã bị thổi phồng so với thực tế. Để tìm kiếm được một trường hợp nạn nhân mất tích, lực lượng của Đội Truy tìm tốn rất nhiều công sức, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Còn nhớ vụ truy tìm tung tích một nạn nhân người nước ngoài bị mất tích mà từ đây, cơ quan Công an đã làm rõ một vụ trọng án. Cuối tháng 4/2011, Đội Truy tìm nhận được công văn đề nghị truy tìm người mất tích, có họ tên là Kim Xuân Tiên, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 8/4 qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo lịch trình, vào 17h cùng ngày, chị Tiên đến Bến xe Gia Lâm và được một người xe ôm chở ra nhà chờ xe buýt ở gần cầu Chương Dương để đi sang Giáp Bát. Đến 18h cùng ngày thì gia đình và bạn bè hoàn toàn mất thông tin liên lạc với chị Tiên.
Ngày 28/4, qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, Đội Truy tìm đã lần tìm ra được Võ Văn Chánh (33 tuổi, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo lời khai của Chánh thì trước khi đến Bến xe Gia Lâm, chị Tiên có nhờ Phạm Thu Nguyệt (tức Hùng), 48 tuổi, trú tại chợ Thượng Am, tổ 10, phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), làm nghề xe ôm tại Bến xe Gia Lâm chở chị.
Đến 18h cùng ngày, liên lạc với chị Tiên nhưng không được, sau đó Chánh điện thoại cho Hùng nhưng Hùng không nghe máy. Đến 21h cùng ngày, Hùng gọi điện thoại lại cho Chánh bằng một số máy khác. Khi anh Chánh đã hỏi thăm Hùng về chị Tiên thì anh ta cho biết đã chở chị Tiên ra bến xe buýt để bắt xe về gầm cầu Chương Dương. Như vậy, Hùng là người cuối cùng đã tiếp xúc với chị Tiên, tất cả mọi nghi vấn tập trung vào đầu mối này.
Khi tiến hành xác minh các thông tin, Đội Truy tìm đặc biệt chú ý đến một chi tiết do anh Chánh trình bày: Khoảng tháng 2/2009, Hùng đưa chị Tiên đến Hưng Yên lấy tiền hàng. Sau đó, vì bận việc, Hùng đã nhờ một người bạn đón chị Tiên về Hà Nội. Trên đường đi, chị Tiên đã bị hai đối tượng áp sát, giật túi xách… Chị Tiên bị ngã nhưng vẫn giữ chặt túi tiền nên đã không bị mất tài sản.
Tổng hợp các thông tin trên, Đội truy tìm càng có niềm tin khẳng định Hùng là đối tượng nghi vấn đầu tiên. Song vào thời điểm đó, Hùng sau khi làm việc với cơ quan Bộ Công an đã được bàn giao cho Công an tỉnh Hà Nam. Vào thời điểm này, Công an Hà Nam đang nhận dạng xác một nạn nhân nữ nằm tại mương nước thôn Lảnh Chì, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên.
Qua đối chiếu, thấy có nhiều điểm trùng khớp với nhân dạng chị Tiên. Được sự đồng ý của Ban chỉ huy đơn vị, các trinh sát Đội Truy tìm đã cung cấp toàn bộ tài liệu cùng những nhận định, đánh giá sự bất minh của Hùng, cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hà Nam khai thác. Từ những thông tin này, Công an tỉnh Hà Nam đã làm rõ một vụ giết người, cướp tài sản.
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: 4 tháng đi vào hoạt động, cho đến thời điểm hiện nay, Đội Truy tìm vẫn chưa có một nguồn kinh phí nào chi trả cho hoạt động truy tìm. Trong khi đó, tính từ ngày thành lập đến nay, Đội đã tiếp nhận 160 đơn thư và thông báo truy tìm…
Để làm rõ một sự việc, anh em phải dày công xác minh ở nhiều tỉnh, thành, dùng phương tiện cá nhân và những đồng lương ít ỏi để làm lộ phí. Thế nhưng, khi sự việc được làm sáng tỏ thì có khi đơn thuần chỉ là những màn kịch được chính "nạn nhân" dàn dựng, không là án, tức không có kinh phí, tức trinh sát phải bỏ tiền túi làm việc đó(!).
Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong hành trình làm nhiệm vụ truy tìm của các trinh sát CAND
Theo Xuân Mai/CAND