Biển Đông: “Mình chỉ muốn sống trong nỗi lo toan của dân tộc”

07/08/2012 06:55
Nguyễn Thị Kim Nguyệt
(GDVN) - Câu nói nổi tiếng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc: “Mình chỉ muốn sống trong nỗi lo toan của dân tộc” không chỉ vang lên trong thế hệ đi trước mà còn tiếp nối trong mỗi người con đất Việt hôm nay.
LTS: Hôm nay, khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, cả thế giới đang lên án trước những hành động leo thang của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là những hành động gây hấn của nước này trên các hòn đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thì ở khắp nơi, những người Việt Nam từ vùng quê gió Lào cát trắng, từ những nơi xa xôi tận Châu Mỹ, Châu Phi một lòng hướng về vùng đất ruột thịt này. Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng", mượn những cánh thư, nhiều tâm tư đã được gửi đến những người lính đảo. Lá thư dưới đây cũng là một trong số đó.

Hôm nay, đường phố Sài Gòn giữa dòng người hối hả và huyên náo thường ngày còn được điểm tô thêm bằng những cánh hồng tươi sắc. Nắng gió Sài Gòn vẫn rát mặt người vô danh nhưng có lẽ chẳng so nổi đâu với cái rát mặt của gió Trường Sa. Và không ít những con người vô danh kia hiểu rằng: Phía sau những cành hồng khoe sắc ấy là cuộc sống thầm lặng của người lính biển đảo, ngày đêm làm tròn nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn chủ quyền quê hương xứ sở.
Đã qua rồi những năm tháng khói lửa chiến tranh. Cái thời ta vẫn quen gọi: “cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi…” nó đã là trang sử vàng dân tộc, mà thế hệ chúng ta hôm nay phải viết tiếp sao cho xứng đáng không hổ thẹn với sự mất mát đến đau thương của những người Việt Nam thân yêu trong cuộc chiến giành quyền độc lập, để rồi nước Việt Nam hôm nay, từ đầy thương tích chiến tranh vùng lên thay đổi diệu kỳ. Lịch sử thay đổi, trên con đường phát triển và hội nhập, hôm nay lại đặt ra những nhiệm vụ khó khăn mới đòi hỏi phải có sự đồng tâm, tinh thần tự giác sẵn sàng chiến đấu và cống hiến cho Tổ quốc của thế hệ hôm nay. Cũng có không ít những thanh niên bây giờ có cuộc sống thực dụng, làm việc với sự nhiệt huyết giả tạo, cốt chỉ để hưởng thụ mà nhạt nhòa lý tưởng.

Nhưng đó chỉ là một phần vụn vặt thôi phải không các anh? Quả thật có muôn ngả đời để sống, nhưng có một cuộc sống đẹp, có ý nghĩa đòi hỏi sự lựa chọn không chỉ cho riêng mình. Cuộc sống ấy các anh đã lựa chọn và đặt chân đến như con tằm rút ruột nhả tơ, thầm lặng với trách nhiệm cương vị của mình. Em biết rằng ngày đêm, các anh đã phải phấn đấu, gạt đi không ít khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi biển đảo xa xôi.
Cũng sinh ra và lớn lên trên biển, tuổi thơ tắm trong hương biển mặn mòi, nồng đậm vị muối biển, nồng nàn những cơn gió nồm nam mát rượi và những con tàu chở nặng tình quê.

Hơn một lần sít đôi chân trần trên cát mịn, lặng mình ngắm mặt biển xanh trong và lắng nghe tiếng vi vu của hàng phi lao. Không ít lần xúc động nghe chuyện kể về “con tàu không số huyền thoại” trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và lặng lẽ mơ tưởng xa xăm về những cánh hải âu chao mình bên bọt biển trắng xóa. Nhưng em lại không một lần dừng lại ngắm trọn vẹn bộ đồ lính thủy các anh đang mặc, không biết rằng bên cạnh chiếc áo yếm trắng kẻ những viền xanh màu biển và chiếc mũ hải quân Việt Nam còn có chiếc mỏ neo xinh xắn gắn trên dãi mũ. Chưa trọn vẹn một lần nghĩ rằng có thể giây phút em sung sướng mang theo hương vị của biển vào giảng đường đại học là lúc các anh bước chân lên con tàu rẽ sóng, bắt đầu nhiệm vụ thầm lặng vì Tổ quốc mến thương và để lại sau lưng đất liền nhộn nhịp, đổi thay từng ngày.
Các anh mến! “Không có sự mất đi vĩnh viễn trong cuộc sống của những con người hết lòng vì dân tộc, vì giai cấp và vì Tổ quốc thân yêu.”

Thế hệ cha ông đã dùng xương máu đề đổi lại đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Sứ mệnh của chúng ta là tiếp bước cha anh giữ gìn và bảo vệ thành quả đấu tranh ấy, không những thế mà còn phải tuyên chiến chống đói nghèo, lạc hậu để đất nước ngày càng tiến lên. Mặc dù, giờ đây đất nước mình còn nghèo, vẫn còn nhiều khó khăn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng em tin sức trẻ hôm nay, ngọn lửa niềm tin và sức mạnh sẽ được truyền cho nhau, trở thành lý tưởng, thành hành động thực tiễn. Câu nói nổi tiếng của nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc: “Mình chỉ muốn sống trong nỗi lo toan của dân tộc” không chỉ vang lên trong thế hệ đi trước mà còn tiếp nối trong mỗi người con đất Việt hôm nay.
Ngày mai em lại vào giảng đường, lại học thêm những chân trời mới, em tin rằng cuộc đời sẽ đẹp hơn rất nhiều khi chúng ta biết sống đẹp, sống có ích cho nhân dân, cho đất nước. Bởi lẽ: “Đời người chỉ sống có một lần, ta phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình.”
Và xin các anh hãy yên lòng làm nhiệm vụ - sau lưng các anh là niềm tin, sức mạnh và nhiệt huyết của cả thế hệ, của dân tộc.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Nguyễn Thị Kim Nguyệt