Biển Đông-Việt Nam: Bộ Quốc phòng TQ nói gì tại cuộc họp báo 27/11?

28/11/2014 10:31
Đông Bình
(GDVN) - Bộ Quốc phòng TQ vừa tổ chức họp báo nói về Biển Đông, Hoa Đông, Diễn đàn Hương Sơn, diễn tập Trung-Nga, Trung-Ấn, chống tham nhũng, quan hệ Trung-Mỹ...
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh trả lời phỏng vấn ngày 27 tháng 11 năm 2014
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh trả lời phỏng vấn ngày 27 tháng 11 năm 2014

Trang mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27 tháng 11 đã đăng toàn bộ nội dung cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, có nhiều nội dung liên quan khu vực và Việt Nam gây chú ý.

Dịch Ebola

Về hỗ trợ Tây Phi chống dịch Ebola, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, việc Trung Quốc cử quân đội giúp các nước Tây Phi chống bệnh dịch Ebola bị dư luận cho là phô trương sức mạnh quân sự và giữ quyền lợi ở châu Phi - quan điểm này là "không đứng vững".

Theo ông Cảnh Nhạn Sinh: Từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc đã cử nhiều lượt, vài trăm nhân viên y tế, chuyên gia phòng dịch và chỉ huy, nhân viên bảo đảm đến Sierra Leona và Liberia triển khai công tác hỗ trợ. Hiện nay, đội y tế thứ hai đã đến Sierra Leona, có kế hoạch mở rộng trung tâm khám chữa bệnh, nhân viên chuyên nghiệp và thiết bị sẽ tiếp tục tăng cường.

Quân đội Trung Quốc viện trợ xây dựng Trung tâm khám và điều trị Ebola của Liberia đã chính thức bắt đầu sử dụng vào ngày 25 tháng 11. Quân đội Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiệm vụ gây quỹ và vận chuyển lượng lớn vật tư cứu trợ nhân đạo hỗ trợ cho các nước vùng dịch Tây Phi...

Diễn đàn Hương Sơn

Về Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5, có quan điểm cho rằng, Trung Quốc dùng diễn đàn này để mở rộng ảnh hưởng, tiến hành cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La. Đối với vấn đề này, Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, cách đây không lâu, Hội khoa học quân sự Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5. So với diễn đàn các lần trước, diễn đàn lần này đã nâng cấp thành Diễn đàn an ninh và quốc phòng cấp cao, đã có ảnh hưởng trong và ngoài nước tương đối lớn.

La Viện - phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5
La Viện - phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5

Diễn đàn lần này có 3 đặc điểm rõ rệt: Một là có tính đại diện rộng rãi. Đoàn đại biểu cơ quan quốc phòng và quân đội đến từ 47 quốc gia, đoàn đại biểu của 4 tổ chức quốc tế và khoảng 300 chuyên gia, học giả đã tham gia.

Hai là đã thể hiện tinh thần "bình đẳng, tôn trọng, cởi mở, bao dung". Diễn đàn đã xây dựng kênh giao lưu cho những người tham dự, bất kể đại diện cho các nước lớn hay nhỏ, hay có quan điểm khác biệt, đều có thể lên tiếng ở diễn đàn này.

Ba là Diễn đàn Hương Sơn và các diễn đàn đối thoại an ninh khu vực khác không phải là quan hệ cạnh tranh và đề phòng. Đối thoại an ninh khu vực hiện nay ngày càng tích cực, có các kênh đối thoại an ninh đa phương như Đối thoại Shangri-La, Đối thoại quốc phòng Jakarta, Đối thoại quốc phòng Seoul. Có nhiều thêm các kênh đối thoại như vậy có lợi cho các nước trong khu vực tăng cường sự hiểu biết và lòng tin, giảm hiểu nhầm, đoán nhầm.

Biển Hoa Đông

Về đề nghị nhanh chóng ký kết xây dựng cơ chế liên lạc trên biển giữa Trung-Nhật do nhiều học giả Nhật Bản kiến nghị tại Diễn đàn Hương Sơn vừa qua, Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, xây dựng cơ chế liên lạc trên biển giữa cơ quan quốc phòng Trung-Nhật và đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước có lợi cho tránh phán đoán ngầm gây ra các sự cố trên biển, trên không ngoài ý muốn, tăng cường lòng tin an ninh, quốc phòng giữa hai nước.

Trước đó, trải qua 3 vòng tham vấn nhóm chuyên gia, hai bên đã đạt được nhất trí về những nội dung cơ bản của cơ chế liên lạc, đồng thời đã có điều kiện khởi động vận hành. Do nguyên nhân được dư luận biết tới, công việc này bị đình trệ. Cách đây không lâu, hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được “Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm” về xử lý và cải thiện quan hệ Trung-Nhật. Hiện nay, cơ quan quốc phòng hai nước đang tiến hành đàm phán về thúc đẩy cơ chế liên lạc trên biển.

Về vấn đề đảo Senkaku, trong đó có tình hình va chạm sau khi hai bên đạt được "Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm", Cảnh Nhạn Sinh lại tuyên bố cho là, nhóm đảo Senkaku "từ cổ đã là lãnh thổ của Trung Quốc", rằng "Chính phủ và Quân đội Trung Quốc có quyết tâm và ý chí kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia".

Nội dung của "Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm" rất rõ ràng. Trung Quốc thúc giục Nhật Bản tuân thủ cam kết, lấy hành động thực tế để bảo vệ và thực hiện "Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm", xử lý ổn thỏa vấn đề nhạy cảm, nỗ lực cho thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ song phương.

Về thái độ của Quân đội Trung Quốc đối với "Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm" trong quan hệ Trung-Nhật và kế hoạch liên quan của Quân đội Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh tái khẳng định "quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", cho rằng, đồng thuận này là điều kiện quan trọng thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung-Nhật, điều quan trọng hiện nay là phải thiết thực tuân thủ. Trung Quốc muốn Nhật có biện pháp hiệu quả, không ngừng tích lũy nhân tố tích cực cho cải thiện, phát triển quan hệ hai nước.

Về việc Trung Quốc đơn phương lập ra Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, việc này đã tròn 1 năm, Quân đội Trung Quốc tăng cường trinh sát, cảnh giới hướng biển Hoa Đông, nắm chắc tình hình trên không, kịp thời điều tra, xử trí các loại tình huống như máy bay quân sự nước ngoài đến gần do thám, tổ chức cho lực lượng trên biển, trên không đến vùng biển, vùng trời liên quan tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở trạng thái thường xuyên. Một năm qua, đã duy trì "an ninh, ổn định" trên không hướng biển Hoa Đông, đã "bảo vệ trật tự bay bình thường".

Ngày 10 tháng 11 năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Ngày 10 tháng 11 năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Chống tham nhũng

Về mức độ chống tham nhũng của quân đội sau Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội nghị công tác chính trị toàn quân cũng như nhiều tướng lĩnh Trung Quốc phạm tội tham nhũng, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: Căn cứ vào kế hoạch của Trung ương, Quân đội Trung Quốc tiếp tục đi sâu thúc đẩy công tác chống tham nhũng.

Hiện nay, cơ quan quân đội đang dựa vào pháp luật, tiến hành điều tra đối với vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của các cán bộ liên quan, trong quân đội tuyệt đối không cho phép tồn tại “mảnh đất ẩn náu” cho các phần tử tham nhũng. Đối với các vụ án chống tham nhũng xảy ra trong quân đội, bất kể liên quan đến người nào, chức vụ cao bao nhiêu, Trung Quốc đều sẽ kiên trì điều tra đến cùng, tuyệt đối không "nuông chiều".

Ngày 24 tháng 11, Tổng cục Chính trị Quân đội Trung Quốc đã đưa ra tài liệu giải thích về Hội nghị Cổ Điền, cho rằng vụ án của Từ Tài Hậu đã gây ảnh hưởng xấu, đã ảnh hưởng đến uy tín của công tác chính trị trong quân đội.

Về vấn đề này và khả năng ảnh hưởng không tốt tới xã hội và tinh thần của binh sĩ Quân đội Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: Hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của những người như Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng quân đội và hình tượng quân đội, nhưng những điều này không thể phủ định được thành tựu xây dựng quân đội, cũng không thể phủ định được những đóng góp của đông đảo binh sĩ trong "xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc".

Quan tham trong Quân đội Trung Quốc: Thượng tướng Từ Tài Hậu
Quan tham trong Quân đội Trung Quốc: Thượng tướng Từ Tài Hậu

Kiên quyết xét xử vụ án tham nhũng, đã thể hiện quyết tâm kiên định "trị Đảng, trị quân" nghiêm túc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chắc chắn sẽ tiếp tục làm trong sạch đội ngũ cán bộ, làm trong sạch môi trường chính trị, chấn chỉnh tác phong quân đội. Đối với các vụ án lớn như Từ Tài Hậu, Quân đội Trung Quốc rất coi trọng, nghiêm túc xử lý và lấy đó làm tài liệu phản diện để tiến hành cảnh báo, giáo dục, đi sâu giáo huấn thức tỉnh, triệt để quét sạch ảnh hưởng của vụ án Từ Tài Hậu về tư tưởng, về tổ chức, về tác phong.

Thiết lập chế độ "sĩ quan trưởng"

Về việc Quân đội Trung Quốc thực hiện chế độ "sĩ quan trưởng" (cấp hạ sĩ quan), Cảnh Nhạn Sinh cho hay: Thực hiện chế độ "quân sĩ trưởng" hay "sĩ quan trưởng" là cách làm thông thường của rất nhiều quân đội trên thế giới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vũ khí trang bị và điều chỉnh cơ cấu lực lượng của Quân đội Trung Quốc, số lượng hạ sĩ quan chiếm tỷ trọng trong quân đội ngày càng lớn, vị trí và vai trò ngày càng quan trọng.

Để tích cực thích ứng với yêu cầu xây dựng, phát triển quân đội, từ năm 2014 trở đi, Quân đội Trung Quốc triển khai thí điểm trong một bộ phận đơn vị, thiết lập "sĩ quan trưởng" (cấp hạ sĩ quan) ở các lữ đoàn (trung đoàn), tiểu đoàn, đại đội đầy đủ biên chế, những "sĩ quan trưởng" này phụ trách huấn luyện quân sự thường ngày của đơn vị, quản lý công tác giáo dục. Việc thí điểm này là để tích lũy kinh nghiệm cho cải cách chế độ hạ sĩ quan toàn quân.

Lính biên phòng Trung Quốc
Lính biên phòng Trung Quốc

Ấn Độ Dương

Về việc báo chí Ấn Độ đầu tháng 11 cho biết, vào đầu tháng 9 năm 2014, chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc đã đậu ở cảng của Sri Lanka, gần đây chiếc thứ hai cũng đã đậu ở đây, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: Tình hình dư luận không đúng hoàn toàn.

Cách đây không lâu, 1 tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đến vịnh Aden, vùng biển Somalia, cùng biên đội tàu chiến hộ tống thực hiện nhiệm vụ hộ tống. Trên đường trở về, chiếc tàu ngầm này đã 2 lần tiến hành neo đậu kỹ thuật ở Sri Lanka. Tàu ngầm vào cảng tiếp tế và nghỉ ngơi là "cách làm thông thường" của hải quân các nước.

Về khả năng vịnh Walvis của Namibia sẽ trở thành một trong 18 căn cứ ở nước ngoài có kế hoạch xây dựng của Quân đội Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh cho rằng, thông tin về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài trên mạng Internet là những thông tin không chính thức, hơn nữa còn thổi phồng và bóp méo. Vì vậy, quan điểm của những bài báo đó hoàn toàn không có căn cứ thực tế nào. "Hiện nay, Trung Quốc không xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài".

Về hoạt động huấn luyện liên hợp chống khủng bố đang tiến hành giữa Trung Quốc và Ấn Độ và vấn đề Pakistan có ý định mua máy bay chiến đấu tàng hình mới phát triển của Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: Vào giữa và cuối tháng 11, Lục quân Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức huấn luyện liên hợp chống khủng bố "Hand-in-Hand - 2014".

Lực lượng tham diễn của hai bên đã triển khai huấn luyện mang tính thích ứng, huấn luyện nền tảng và diễn tập thực binh tổng hợp, học hỏi lẫn nhau, đã nâng cao năng lực hợp tác ứng phó mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố, đã tăng cường tình hữu nghị. Việc tổ chức thành công huấn luyện liên hợp chống khủng bố lần này đã có tác dụng thúc đẩy tích cực đối với phát triển quan hệ quân sự hai nước Trung-Ấn.

Binh sĩ Ấn Độ tham gia huấn luyện chống khủng bố liên hợp "Hand-in-Hand 2014" giữa Lục quân hai nước Trung-Ấn
Binh sĩ Ấn Độ tham gia huấn luyện chống khủng bố liên hợp "Hand-in-Hand 2014" giữa Lục quân hai nước Trung-Ấn

Huấn luyện diễn tập liên hợp giữa Trung Quốc với nước ngoài là một nội dung quan trọng của giao lưu, hợp tác giữa Quân đội Trung Quốc với nước ngoài, trong năm 2014, Quân đội Trung Quốc và quân đội nước ngoài đã tổ chức hơn 30 cuộc diễn tập, huấn luyện liên hợp.

Về vấn đề thứ hai, tại Triển lãm hàng không Chu Hải tổ chức cách đây không lâu, có nhiều loại máy bay đã tiến hành trưng bày ở trạng thái tĩnh và bay biểu diễn. Tuy nhiên, ông Cảnh Nhạn Sinh không nói gì thêm về tình hình cụ thể của những máy bay này.

Biển Đông

Về tình hình Trung Quốc lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và mục tiêu, tác động của hoạt động xây dựng trong tương lai, Cảnh Nhạn Sinh ngang nhiên cho rằng: "Việc xây dựng và bảo vệ công trình trên các đảo đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đều là 'chính đáng' (bất hợp pháp), là quyền lợi của một nước có chủ quyền (Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược thì không có chủ quyền). Chúng tôi nghe được một số 'tiếng nói tạp nham', các nước khác không có quyền nói ra nói vào đối với vấn đề này. Về xây dựng công trình đảo đá ở Biển Đông, chúng tôi không có thông tin nhiều hơn có thể cung cấp".

Về khả năng Quân đội Trung Quốc thiết lập cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông”, Cảnh Nhạn Sinh cho biết: Trung Quốc nhiều lần cho biết, có lập ra vùng nhận dạng phòng không hay không, cần căn cứ vào môi trường an ninh của quốc gia, nhiều loại nhân tố như mối đe dọa trên không để xác định. Trung Quốc "có lòng tin" vào quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh Biển Đông cũng như sự "ổn định tổng thể" của tình hình khu vực Biển Đông.

Trung Quốc đang biến đá Chữ Thập của Việt Nam thành căn cứ quân sự (nguồn mạng Đa chiều)
Trung Quốc đang biến đá Chữ Thập của Việt Nam thành căn cứ quân sự (nguồn mạng Đa chiều)

Nhân sự Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Có phóng viên cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bày tỏ ý định từ chức, đồng thời ứng cử viên tiếp nhận chức vụ này hầu như sẽ “không sớm” có được, hơn nữa, Đảng Cộng hòa Mỹ đang kiểm soát Thượng viện, cho nên, việc chọn lựa ứng cử viên có thể xuất hiện một số tình hình “cạnh tranh” và chưa chắc có thể chọn được một vị Bộ trưởng Quốc phòng mới “có lợi cho Trung Quốc”. Hiện nay, sự biến động của Mỹ đối với chức vụ này phải chăng sẽ gây ảnh hưởng đến một loạt hoạt động như giao lưu và tham vấn đang triển khai giữa quân đội hai nước Trung-Mỹ?

Đối với vấn đề này, Cảnh Nhạn Sinh nói: Trung Quốc bày tỏ ca ngợi đối với những nỗ lực thúc đẩy quan hệ quốc phòng và quân sự giữa hai nước Trung-Mỹ của ông Chuck Hagel trong nhiệm kỳ. Những năm gần đây, cơ quan quốc phòng hai nước Trung-Mỹ tích cực thực hiện đồng thuận đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, nỗ lực xây dựng "quan hệ quân sự kiểu mới Trung-Mỹ" thích ứng với "quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ", quan hệ quân sự hai nước về tổng thể đã duy trì xu thế phát triển tích cực tốt đẹp.

Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng hai nước đã thiết lập "2 cơ chế tin cậy lẫn nhau", sẽ phát huy vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển quan hệ quân sự hai nước. Phía Trung Quốc mong cùng phía Mỹ cố gắng, tăng cường hiểu biết, đi sâu hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, quản lý, kiểm soát rủi ro, tiếp tục thúc đẩy phát triển ổn định lành mạnh “quan hệ quân sự kiểu mới Trung Mỹ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Kế hoạch tập trận chung Trung-Nga

Ngày 18 tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, vào năm 2015, Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức diễn tập quân sự ở Địa Trung Hải và Thái Bình Dương... Phóng viên còn so sánh quan hệ Trung-Nga với quan hệ Mỹ-Nhật. Về vấn đề này, Cảnh Nhạn Sinh cho rằng: Tập trận chung là một nội dung quan trọng trong hợp tác thiết thực của quân đội hai nước Trung-Nga.

Những năm gần đây, diễn tập liên hợp trong khuôn khổ song phương và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SOC) của quân đội hai nước Trung-Nga đã tiến hành cơ chế hóa và thường xuyên, đã phát huy vai trò tích cực đối với tăng cường năng lực cùng ứng phó thách thức mới, mối đe dọa mới cho quân đội hai nước.

Về việc sắp xếp kế hoạch tập trận chung vào năm 2015, Trung Quốc và Nga đang đàm phán, trao đổi. Điều cần nhấn mạnh ở đây là, hợp tác quân sự Trung-Nga kiên trì nguyên tắc "không liên minh, không đối đầu, không nhằm vào bên thứ ba", sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với bất cứ nước nào. Lấy “hợp tác quân sự bình thường” giữa hai nước Trung-Nga đánh đồng với “quan hệ đồng minh quân sự” giữa Mỹ-Nhật là không thỏa đáng.

Biên đội tàu chiến Trung-Nga trong cuộc tập trận Sứ mệnh hòa bình-2005
Biên đội tàu chiến Trung-Nga trong cuộc tập trận Sứ mệnh hòa bình-2005
Đông Bình