Bộ GTVT khẳng định: Không có hiện tượng “phí chồng lên phí”

03/04/2012 12:27
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) -Bộ GTVT: Không có hiện tượng “phí chồng lên phí”, không nên đặt thêm bất cứ loại thuế, phí gì nữa...là những tin bài nóng về vấn đề thu phí giao thông.
Bộ GTVT: Không có hiện tượng “phí chồng lên phí”
Xung quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm về Quỹ bảo trì đường bộ, nhiều câu hỏi thắc mắc của người dân đã được gửi về Bộ GTVT và Bộ này đã có văn bản trả lời. Đó là thông tin được đăng tải trên VTC News.

Bộ GTVT cho biết, sau khi thu phí phương tiện thì ác trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ xóa bỏ, các trạm đang chuyển quyền thu phí cũng sẽ dừng khi hết hạn hợp đồng, còn các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ giữ nguyên vì đó là hình thức thu hút vốn đầu tư.

 Bộ GTVT cũng khẳng định: Không có hiện tượng “phí chồng lên phí” khi thực hiện thu hai loại phí sử dụng đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân. Hai loại phí này khác nhau cả ở mục tiêu, đối tượng thu. Cụ thể:

Về mục tiêu: Phí sử dụng đường bộ thu để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ đối với đường do Nhà nước đầu tư; thu để quản lý bảo trì và hoàn vốn đầu tư đối với đường đầu tư để thu hồi vốn (đường BOT, PPP…).
Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; thu để tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ GTVT cho rằng, hiện nay ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu bảo trì đường bộ, nên cần sự đóng góp của người sử dụng đường bộ. Ảnh Internet.
Bộ GTVT cho rằng, hiện nay ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu bảo trì đường bộ, nên cần sự đóng góp của người sử dụng đường bộ.
Ảnh Internet.

Về đối tượng: Phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 
Trong khi đó Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ thu một phần nhỏ trong số đó; cụ thể là xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô, không thu phí đối với xe công.
Về tính pháp lý: Phí sử dụng đường bộ là loại phí đã có trong danh mục phí, lệ phí và đang thực hiện.
Trong khi đó, Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là một loại phí mới, đã được Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Không nên đặt thêm bất cứ loại thuế, phí gì nữa

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nếu không giảm được thuế, phí cho doanh nghiệp thì cũng không nên đặt thêm bất cứ loại thuế, phí gì nữa. Cần hoãn ngay việc thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, hoãn ít nhất 2 năm phí bảo trì đường bộ. Hủy bỏ ngay đề xuất đối với 2 loại phí hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện giờ cao điểm mà Bộ GTVT vừa trình. Thông tin này được đăng tải trên Người lao động Online.

Xe máy, phương tiện được Bộ GTVT đề xuất thu phí
Xe máy, phương tiện được Bộ GTVT đề xuất thu phí

Ông Cung cho biết thêm “cá nhân tôi đã tìm hiểu rất kỹ và nhận thấy đó không phải phí mà thực chất là thuế đánh vào dân. Những đề xuất này thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, gây lo lắng trong dư luận”.
Nếu ngành nào cũng lấy tăng thu làm mục tiêu…

Thông tin trên báo Pháp luật Tp.HCM, tại cuộc họp báo trưa 1/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chính thức xác nhận rằng phí hạn chế các phương tiện cá nhân mà Bộ đề xuất còn có thêm mục đích là tăng nguồn thu chứ không phải chỉ nhằm giảm ùn tắc như công bố ban đầu.

Quỹ Bảo trì đường bộ vốn là tên gọi của một điều luật đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cách đây bốn năm, trong đó chỉ nêu vẻn vẹn vài dòng và giao cho Chính phủ quy định nên Quốc hội đã ấn nút thông qua. Một số đại biểu khi đó cứ đinh ninh rằng quỹ sẽ có nguồn từ ngân sách, có nguồn từ việc đóng góp của doanh nghiệp vận tải, xây dựng công trình giao thông hoặc từ nguồn tài trợ nên khi Bộ GTVT công bố thu từ… dân thì họ hết sức bất ngờ, song “luật”… đã rồi! Quá trình đưa quỹ này vào hoạt động sau này do vấp phải sự phản ứng gay gắt, Chính phủ đã phải bàn bạc rất kỹ càng, cuối cùng phải ra nghị định mới có đủ cơ sở để thu.

Do đó dễ hiểu vì sao loại phí mới - phí hạn chế phương tiện cá nhân - lại bị dư luận phản đối rầm rộ như thế, nhất là khi những mức thu dự kiến được Bộ GTVT đưa ra dường như không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào.

Với trả lời của Bộ trưởng GTVT đã lộ thêm mục tiêu thứ hai (và chủ chốt?) của phí này là tăng nguồn thu cho ngành, khả năng đạt được sự đồng thuận của Chính phủ và nhất là Quốc hội dự kiến sẽ càng khó khăn hơn. Bởi các cơ quan này có quyết định việc gì cũng phải căn cứ vào tính thuyết phục của đề án, căn cứ vào nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, nhất là phải căn cứ vào sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Vì thế, việc (muốn) tận thu nhờ vào quyền lực như trên có thể tạo nên tiền lệ rất xấu, bởi nếu GTVT làm được thì các bộ, ngành khác đang cung cấp dịch vụ công cơ bản cho người dân cũng 
có thể làm theo. Thế thì còn đâu “của dân, do dân và vì dân” nữa?

Bộ GTVT đã lùi một bước

Thông tin trên báo Gia đình và Xã hội, trưa 1/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có tiếng nói chính thức về việc thu phí đánh vào phương tiện vận tải.

Người dân với nhiều nỗi niềm trăn trở thường trực vì phí. Ảnh: Dân trí
Người dân với nhiều nỗi niềm trăn trở thường trực vì phí. Ảnh: Dân trí

Không đưa ra nhận định về các ý kiến đóng góp - mà đa số là phản đối - cho đề án, Bộ GTVT cho rằng một chính sách từ khi phôi thai đến khi áp dụng thường rất dài và qua nhiều công đoạn, có khi tốn đến vài năm. Thời điểm hiện tại, dân đang khó khăn, nên thu phí thì cũng không hợp lý. Như thế, lý lẽ về việc sao lại “huy động sức dân” dù chỉ là của một bộ phận nhỏ khi dân còn túng thiếu cũng bị bẻ gãy.
Xem ra, với việc chưa áp dụng phí mới, lần này Bộ GTVT đã lùi một bước.
Hải Phong (Tổng hợp)