Bộ Ngoại giao, Quốc phòng TQ đang chia rẽ việc áp đặt ADIZ ở Biển Đông

04/02/2014 08:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuyên bố của Hồng Lỗi đã đặt Trung Quốc vào một vị thế khá khó khăn. Về cơ bản, Hồng Lỗi dường như rõ ràng bác bỏ khả năng đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tạp chí The Diplomat ngày 4/2 đăng phân tích của Ankit Panda, một chuyên gia nghiên cứu từ đại học Princeton về phản ứng trước thông tin tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun nói rằng Trung Quốc sắp đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã công khai bác bỏ thông tin này.

"Chúng tôi nghiêm khắc cảnh báo các lực lượng này chớ đánh lừa dư luận bằng những tin đồn làm leo thang căng thẳng vì lợi ích vị kỷ của họ", Hồng Lỗi nói về bản tin của Asahi trích dẫn một số nguồn tin bao gồm các quan chức cấp cao thuộc một tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.

Bản tin của Asahi Shimbun càng trở nên đáng tin cậy khi ngày 23/11 năm ngoái Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ thành lập ADIZ khác sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị.

Tuyên bố của Hồng Lỗi đã đặt Trung Quốc vào một vị thế khá khó khăn. Về cơ bản, Hồng Lỗi dường như rõ ràng bác bỏ khả năng đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông. 
Trung Quốc có nên tuyên bố một ADIZ khác trong tương lai hay không, điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải đối mặt với viễn cảnh để mất niềm tin lớn hơn từ khu vực.
Học giả Ankit Panda.
Học giả Ankit Panda.

Ankit Panda cho rằng, xét theo khía cạnh Hồng Lỗi muốn chỉ trích bản tin của Asahi là mưu đồ của lực lượng cánh hữu Nhật Bản và nỗ lực làm nổi bật sự "chân thành" của Trung Quốc trong việc không thiết lập ADIZ ở Biển Đông như nhiều nước lo ngại, điều này có thể chỉ ra một rạn nứt giữa các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông sẽ tạo ra thiệt lại rất lớn cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên toàn cầu khi đặt Trung Quốc vào mâu thuẫn với toàn khối ASEAN trong bối cảnh ADIZ Hoa Đông đã được nhận thức một cách rộng rãi là động thái đơn phương gây mất ổn định trong khu vực.

Trong thực tế, Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc vẫn chưa cảm thấy bất kỳ mối đe dọa an ninh hàng không nào từ các nước ASEAN và lạc quan về mối quan hệ hợp tác với các láng giềng và tình hình chung tại khu vực Biển Đông.

Vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN ở Biển Đông chủ yếu là hàng hải, liên quan đến tàu chứ không phải máy bay, khác với những cuộc đua máy bay phản lực Trung - Nhật trên biển Hoa Đông. 

Vì vậy ADIZ là ưu tiên của Bắc Kinh ở Hoa Đông thì cái gọi là quy chế đánh bắt cá ở Biển Đông do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ban hành có thể xem như một mô hình tự tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tranh chấp (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông.

Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Philippines tháng 12 năm ngoái đã cảnh báo Trung Quốc một cách rõ ràng rằng Mỹ không chấp nhận Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông.

Cho tới thời điểm này, sự sẵn sàng từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng với một bài báo chưa được xác nhận từ một tờ báo Nhật Bản khiến người ta tò mò, nhưng cho thấy rằng Trung Quốc sẽ tránh áp đặt một ADIZ ở Biển Đông trong ngắn hạn.

Điều này nói lên rằng báo cáo ban đầu của Asahi là chính xác, trong tất cả các khả năng Trung Quốc đã chuẩn bị một kế hoạch ADIZ ở Biển Đông, nhưng còn là kế hoạch dự phòng chứ chưa có nghĩa nó sẽ trở thành hiện thực.

Hồng Thủy