Thông tin tại cuộc họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) quý II năm 2025 cho biết, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để ghi nhận những cống hiến to lớn của cố giáo sư cho ngành giáo dục nước nhà.

Thông tin trên được rất nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đồng tình, nhất trí cao bởi, đây là một trong những sự ghi nhận xứng đáng đối với sự tận tụy và tâm huyết của vị cố giáo sư dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

“Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho giáo dục Việt Nam”

Là người từng được làm việc trực tiếp với cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều nỗi niềm khi biết thông tin này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Nhung bày tỏ: “Cố Giáo sư - Bộ trưởng Trần Hồng Quân hoàn toàn xứng đáng để được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Vì cả cuộc đời ông đã cống hiến cho giáo dục Việt Nam. Duy chỉ có một điều, giá như cố Giáo sư Trần Hồng Quân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động từ lúc sinh thời, thì sẽ còn ý nghĩa hơn nữa”.

Trong ấn tượng của Giáo sư Trần Văn Nhung, cố Giáo sư Trần Hồng Quân dường như là một con người được sinh ra để tham gia vào công cuộc xây dựng - đổi mới đất nước, khi vị “tư lệnh” ngành giai đoạn đó chính là người chịu trách nhiệm triển khai hàng loạt chính sách đổi mới nền giáo dục đại học, khi ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tiên.

508201261-978880310858348-5768371570218996501-n.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh chụp ngày 29/10/2023). Ảnh: NVCC.

Nhớ lại những tháng ngày công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Văn Nhung bồi hồi kể lại: “Từ ngày 01/4/1993, tôi được chuyển từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ Phó Hiệu trưởng lên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Với cương vị của mình, tôi cũng mới chỉ hiểu và đóng góp được phần nhỏ cho Bộ trưởng Trần Hồng Quân và lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng chiến lược giáo dục phù hợp với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Vụ Hợp tác quốc tế chúng tôi khi đó góp phần tư vấn cho Bộ trưởng và ngành về chiến lược và kinh nghiệm đổi mới giáo dục của UNESCO, của các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực ASEAN.

Tôi đặc biệt quan tâm đến các bài học kinh nghiệm quý báu về “quốc tế hóa giáo dục của các nước phát triển nhanh, nói riêng là triết lý, chiến lược giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, chính sách giáo viên, quản lý, thi cử, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục,…”".

510306360-660137397062405-1101093186488393525-n.png
Cố Bộ trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng xét duyệt Học vị và Chức danh khoa học Nhà nước (nhiệm kỳ 1989-1994, 1995-1997) cùng các Giáo sư thành viên và Văn phòng Hội đồng. (Ảnh chụp giai đoạn 1991-1992). Ảnh: Giáo sư Trần Văn Nhung cung cấp.

Khi là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Giáo sư Nhung được tháp tùng Bộ trưởng Trần Hồng Quân và các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm phát triển giáo dục phổ thông và đại học của nhiều nước như Thái Lan, Úc, …

“Giáo sư Trần Hồng Quân là một người luôn đau đáu nghĩ cách tìm lời giải cho các bài toán khó của nền giáo dục nước nhà, kể cả sau này khi đã thôi vai trò Bộ trưởng” - Giáo sư Nhung cho biết.

510707186-4107384659507052-4574656692571965548-n.png
Giáo sư Trần Văn Nhung (bên phải) thăm nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân và gia đình tại tư gia ở thành phố Hồ Chí Minh (ngày 20/4/2023). Ảnh: NVCC.

Dấu ấn mạnh mẽ trong vai trò người đứng đầu quản lý nhà nước về giáo dục đại học (sau này là hệ thống giáo dục đào tạo) của cố Giáo sư - Bộ trưởng Trần Hồng Quân chính là việc ông đã cho triển khai một loạt chính sách cải cách, đổi mới nền giáo dục đại học.

Và theo Giáo sư Trần Văn Nhung, dấu ấn mạnh mẽ nhất phải kể đến đó là cố Giáo sư Trần Hồng Quân là Bộ trưởng đầu tiên cho bầu hiệu trưởng các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Kinh tế quốc dân… (thời kỳ đó).

Tổng công trình ” của tiến trình đổi mới giáo dục trong thời gian 10 năm làm Bộ trưởng

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ: “Khi biết tin Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, thú thực cảm xúc trong tôi khá phức tạp.

Trước hết, tôi rất mừng khi những đóng góp của thầy Quân được ghi nhận như vậy. Tiếp nữa, tôi đánh giá rất cao cách làm việc khẩn trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đã hiện thực hóa đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân được đưa ra cách đây khoảng 6 tháng tại buổi giới thiệu sách về cố Giáo sư do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, tôi hơi tiếc là đề xuất này được đưa ra chậm. Lẽ ra, sớm hơn thì tốt hơn”.

gdvn-ts-pham-do-nhat-tien-3932.jpg
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: P.M.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ: “Có thể nói rất nhiều về những dấu ấn của vị nguyên Bộ trưởng đã góp phần làm thay đổi nền giáo dục và đào tạo những năm tháng đó, nhưng để ngắn gọn thì có thể nói cố Giáo sư, Bộ trưởng Trần Hồng Quân chính là “tổng công trình sư” của tiến trình đổi mới giáo dục nước ta trong giai đoạn đầu 10 năm “sóng gió”.

Tầm nhìn và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo, cùng nghị lực và tính kiên định của nhà quản lý trong tổ chức thực hiện là những phẩm chất và năng lực mà vị nguyên Bộ trưởng luôn phát huy trong suốt 10 năm đầu đổi mới.

Nhờ vậy mà đã từng bước “cởi trói” giáo dục khỏi những ràng buộc không còn phù hợp của một Nhà nước bao cấp, hình thành một hệ thống giáo dục mới phù hợp với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế và tương thích với giáo dục thế giới, đưa những thành quả giáo dục thực sự đi trước một bước so với trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta lúc đó còn là nước thu nhập thấp”.

Thầy Tiến cũng nhấn mạnh: “Có thể nói, cố Giáo sư Trần Hồng Quân là kẻ tử vì giáo dục. Thầy đã đóng góp suốt đời, kể cả sau này khi đã về hưu, cho bước tiến của ngành giáo dục, dù rằng sở nguyện ban đầu của thầy không phải là dạy học. Vì vậy, có thể nói, cơ may đã đến với ngành giáo dục khi suốt những năm đầu đổi mới đầy khó khăn, phức tạp, đã có người lãnh đạo như thầy Quân, “đứng mũi chịu sào”, toàn tâm, toàn ý vì đổi mới sáng tạo để bứt phá đi lên”.

Đặc biệt, cố Giáo sư Trần Hồng Quân được biết đến là người “mở đường” cho giáo dục tư thục tại Việt Nam.

Về phương diện này, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định: “Thầy Quân là người thấy có việc gì tốt, có lợi cho giáo dục thì thầy sẵn sàng đương đầu với khó khăn để thực hiện. Đối với giáo dục tư thục cũng vậy. Các trường đại học dân lập/tư thục được thành lập vào cuối những năm 1990 để rồi trở thành hệ thống các trường ngoài công lập vào đầu những năm 2000 đều có công “mở đường” của cố Giáo sư, Bộ trưởng Trần Hồng Quân thông qua việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính, khắc phục tư duy “không quản được thì cấm”, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giáo dục ngoài công lập nước ta được hình thành và phát triển.

Không chỉ “mở đường”, vị nguyên Bộ trưởng còn yêu cầu anh em trong Bộ nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý của các trường ngoài công lập, cả về tổ chức, nhân sự và tài chính, để vận dụng cho việc đổi mới quản lý trong các trường công lập. Qua đó, từng bước hình thành thể chế, chính sách về quyền tự chủ của các trường đại học công lập”.

anh-quan.jpg
Một trong những tấm hình kỷ niệm hiếm hoi chụp cùng cố Giáo sư Trần Hồng Quân mà Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến còn lưu giữ. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến những ấn tượng sâu sắc về người Bộ trưởng năm nao, thầy Tiến không giấu nổi sự bồi hồi: “Nếu nhìn thầy Quân ở góc độ của một Bộ trưởng, thì vị Bộ trưởng đó đúng là một chính khách tài năng, vừa là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, mà tầm tư tưởng và hành động là vượt trội trong việc phụng sự đất nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng.

Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về thầy Quân lại là ở chỗ suốt 10 năm đứng đầu ngành giáo dục, chính khách đó lại sống rất giản dị, đời thường, thân thiện và gần gũi, trong căn hộ công vụ, rộng chừng 50m2, một phòng ngủ, thường xuyên đơn bóng, “ăn giáo dục”, “ngủ giáo dục”. Sau này, khi về hưu, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (giờ là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), thầy vẫn tiếp tục “ăn giáo dục”, “ngủ giáo dục”, đau đáu và một lòng với giáo dục”.

Khi được hỏi về những nguồn cảm hứng hay động lực mà cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã “tiếp lửa” cho những người đồng nghiệp cũng như các thế hệ kế cận ra sao, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến như được dịp dốc bầu tâm sự: “Đã có lần tôi nói về điều này. Xin nhắc lại như sau: Hồi nhỏ, tôi rất thích đọc truyện của Maxim Gorky. Riêng truyện ngắn “Bà lão Izergil” đã để lại trong trí tưởng tượng của tôi suốt một thời gian dài hình ảnh về người anh hùng Danko xé ngực mình, lấy ra trái tim làm ngọn lửa yêu thương cháy sáng, xua tan bóng tối trên con đường mọi người đi.

Giờ đây, với tôi, cố Giáo sư Trần Hồng Quân chính là Danko của giáo dục Việt Nam. Thầy đã ra đi, trái tim đã ngừng đập, nhưng ngọn lửa mà trái tim đó để lại sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho những ai đã trót một lần “nặng lòng” với giáo dục”.

Mộc Trà