Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Lào Cai mới sau khi hợp nhất có diện tích tự nhiên là 13.256,92 km2, quy mô dân số là 1.778.785 người. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Lào Cai mới đặt tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái (cũ). Tỉnh Lào Cai (mới) giáp tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn La và tỉnh Lai Châu; nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. [1]

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai có 7 phó giám đốc

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở sáp nhập tổ chức bộ máy ngành giáo dục và đào tạo của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái cũ. Hiện nay, ông Luyện Hữu Chung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái (cũ) được giao giữ chức phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai mới.

Vị phó giám đốc phụ trách sở giáo dục tỉnh Lào Cai sinh ngày 24/9/1970, tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Địa lý và có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục.

img-0673dcchungpbnhannhiemvu.jpg
Ông Luyện Hữu Chung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái.

Tháng 9/1990 - 8/1992, ông Luyện Hữu Chung là giáo viên dạy học tại Trường Trung học cơ sở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Tháng 9/1992 - 12/1999, ông Chung giữ vị trí chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên.

Tháng 1/2000 - 11/2003, ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên kiêm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Lục Yên (3/2002 -7/2003).

Từ tháng 12/2003 - 2/2009, ông Luyện Hữu Chung là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Yên; Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên.

Tháng 3/2009 - 8/2011, ông Chung là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, Bí thư Chi bộ 4, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái).

Tháng 9/2011 - 4/2015, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, Bí thư Chi bộ 4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

Tháng 5/2015 - 7/2015, ông là Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

Từ tháng 8/2015 - 9/2019, ông Chung là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối Các cơ quan tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

Từ tháng 10/2019 - 8/2020, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tháng 9/2020 - 1/2025, ông giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện ủy Văn Yên.

Đến cuối tháng 1/2025, ông Luyện Hữu Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái. Hiện nay, sau khi tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai sáp nhập, ông được giao giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai.

Trong nhiều năm công tác, ông Luyện Hữu Chung đã nhiều lần được khen thưởng. Cụ thể, ông nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2012, Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh năm 2019, Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an năm 2019.

Trong bộ máy hiện tại của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai mới có 7 phó giám đốc.

1.jpg
Ông Luyện Hữu Chung (đứng giữa) - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai trao quyết định đối với các Trưởng, Phó phụ trách phòng thuộc Sở tại điểm cầu số 1 (Yên Bái cũ). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở.

Tỉnh Lào Cai có nhiều thuận lợi trong phát triển giáo dục

Trước sáp nhập, tỉnh Yên Bái và Lào Cai đều có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng sau khi sáp nhập.

Cụ thể, trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Yên Bái đã có nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Toàn tỉnh có 438 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, bao gồm 175 trường mầm non, cấp tiểu học có 57 trường, cấp trung học cơ sở 179 trường (gồm trường trung học cơ sở độc lập, trường phổ thông có nhiều cấp học) và 27 trường cấp trung học phổ thông. [2]

Năm học 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái có 350 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79,2% (trong đó 99 trường đạt chuẩn mức độ 2, vượt 05 trường so với kế hoạch tỉnh giao năm 2024).

Là tỉnh miền núi với gần 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Yên Bái đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là minh chứng rõ nét cho sự công bằng trong giáo dục: tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2 và đang hướng tới mức độ 3 trong nhiệm kỳ tới.

Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, công tác phân luồng sau tốt nghiệp được thực hiện hiệu quả. Gần 30% học sinh trung học cơ sở theo học nghề, 34,3% học sinh trung học phổ thông vào đại học, và gần 45% lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Đây là kết quả của quá trình hướng nghiệp sớm, giúp học sinh chủ động lựa chọn con đường phát triển phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. [3]

311.jpg
Kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 trên địa bàn tỉnh Yên Bái (cũ). Ảnh: Báo Yên Bái

Về phía tỉnh Lào Cai (cũ), nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, hệ thống giáo dục đã phát triển vượt bậc so với thời điểm tái lập năm 1991. Toàn tỉnh có 582 cơ sở giáo dục, trong đó mầm non có 195 trường, 163 trường tiểu học, 185 trường trung học cơ sở và 39 trường trung học phổ thông.

Tính đến tháng 6/2025 (hết năm học 2024 - 2025) toàn tỉnh có 419/582 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72% (trong đó có 16 trường công nhận từ năm 2019). Số trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 có 02/10 trung tâm, đạt 20%; công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 1 có 01/10 trung tâm, đạt 10%. [4]

Tỉnh Lào Cai (cũ) còn là tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm triển khai và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học (tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3). [5]

Công tác phân luồng cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã tuyên truyền, huy động học sinh đi học.

Đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, tổng số học sinh tốt nghiệp đạt 14.394 em. Trong đó, có 9.617 em tiếp tục vào học lớp 10 trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ 66,81%; 2.340 em theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, đạt 16,26%; đồng thời có 3.387 em lựa chọn học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp, đạt tỷ lệ 23,53%.

Đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, tổng số đạt 7.787 em. Trong số này, có 3.347 em tiếp tục học đại học (chiếm 42,98%), 183 em đi du học (2,35%) và 2.408 em lựa chọn học nghề các trình độ, đạt 30,9%. [6]

Đặc biệt, ngoài những thành tích trên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai trước khi sáp nhập đều cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông.

Cụ thể, thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tại tỉnh Lào Cai, tổng số thí sinh dự thi đạt 8.062 em, trong đó có 8.036 em đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,68%, tăng 0,18% so với năm 2023. Có 35/49 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, trong đó có 28 trường trung học phổ thông (tăng 3 trường so với năm trước) và 7 trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 3 trung tâm so với năm trước). Điểm trung bình các môn thi đạt 6,62 điểm, tăng 0,12 điểm, với 107 điểm 10 được ghi nhận, giúp Lào Cai xếp thứ 34 toàn quốc. [7]

Trong khi đó, tỉnh Yên Bái có 8.376 thí sinh dự thi, 8.324 em đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,38%; 16/36 trường có tỷ lệ đỗ 100%, cùng 17 thí sinh được miễn thi và 3 thí sinh được đặc cách. Điểm trung bình của Yên Bái đạt 6,51 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố. [8]

Những kết quả này cho thấy cả hai tỉnh đều duy trì tỷ lệ tốt nghiệp ổn định, phản ánh nỗ lực lớn của ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 2 trường chuyên là Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai (phường Cam Đường) và Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành (phường Văn Phú). Đây là hai cơ sở đào tạo mũi nhọn, chất lượng cao của tỉnh, giữ vai trò phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, đóng góp tích cực vào thành tích giáo dục, đặc biệt trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Những thách thức về giáo dục và đào tạo cần nỗ lực giải quyết

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã đạt được, việc sáp nhập hai địa phương miền núi này cũng đặt ra không ít thách thức cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai (mới).

Trước hết, từ ngày 1/7/2025, tổng số trường học là 1.020 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Trong đó có 370 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 364 trường trung học cơ sở, 66 trường trung học phổ thông. Quy mô trường lớp và số lượng học sinh tăng lên đáng kể sẽ là bài toán lớn cho công tác quản lý, điều hành và sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, những khó khăn vốn có của hai tỉnh như tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao, địa hình chia cắt, cơ sở vật chất ở một số điểm trường còn hạn chế, chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng vẫn là thách thức cần tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, dù đạt nhiều thành tựu, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái (cũ) vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Toàn tỉnh thiếu 1.710 giáo viên, đặc biệt là môn Tiếng Anh (chỉ đạt 62,6% nhu cầu), Tin học (78,4%). Nguyên nhân là số giáo viên tuyển dụng hàng năm không đủ bù đắp số nghỉ hưu, tinh giản biên chế.

Cơ sở vật chất mặc dù được ưu tiên đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn phòng học tạm, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, chưa có học sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc tế. [9]

Ngoài ra, trong thời đại kỷ nguyên số, thách thức của giáo dục tỉnh Yên Bái là hạ tầng ở một số vùng sâu còn yếu, năng lực công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, học sinh vẫn hạn chế, việc xây dựng học liệu số còn thiếu đồng bộ...

Đây cũng là những khó khăn chung mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai (cũ) đang phải đối mặt. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai được Báo Lào Cai đăng tải thời điểm bắt đầu năm học 2024-205, toàn tỉnh có 1.484 cán bộ quản lý, 13.666 giáo viên, 1.585 nhân viên, thiếu 627 biên chế giáo viên so với biên chế được giao (mầm non 95 biên chế, tiểu học 208 biên chế, trung học cơ sở 209 biên chế, trung học phổ thông 115 biên chế), chủ yếu là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin học (390 giáo viên Tiếng Anh; 80 giáo viên Tin học).

Thiếu giáo viên được đào tạo chính quy đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cấp trung học phổ thông. [10]

Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phòng học bộ môn, hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục. Một số trường học ở phường trung tâm thành phố có quy mô số lớp, số học sinh/lớp vượt nhiều so với Điều lệ trường học. Công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế. [11]

Như vậy, sau sáp nhập, vấn đề thiếu giáo viên, những thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin,...cần được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai quan tâm. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai (mới) có 99 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 89 xã và 10 phường. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất, đồng bộ, đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn tỉnh sẽ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baolaocai.vn/le-cong-bo-nghi-quyet-quyet-dinh-cua-trung-uong-va-tinh-lao-cai-moi-ve-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cac-cap-post404078.html

[2] https://www.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=29&l=cosohatang#:~:text=Chia%20ra:%20c%E1%BA%A5p%20m%E1%BA%A7m%20non,v%C3%A0%2018%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20c%E1%BA%A5p%20THPT.

[3] http://yenbai.edu.vn/tin-tuc/ban-tin-giao-duc/ban-tin-nganh-gd-dt-so-52-quy-ii-nam-2025.html

[4] http://laocai.edu.vn/bao-cao-phat-trien/bao-cao-cong-tac-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-den-thang-6-nam-2025-1394443

[5] https://thuonghieucongluan.com.vn/giao-duc-lao-cai-doi-moi-va-hoi-nhap-a260051.html

[6] http://laocai.edu.vn/bao-cao-phat-trien/bao-cao-cong-tac-phan-luong-hoc-sinh-tot-nghiep-thcs-thpt-nam-2024-va-dinh-huong-nhiem-vu-nam-20-1331146

[7] http://laocai.edu.vn/van-phong-so/lao-cai-co-107-diem-10-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-1279232

[8] https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=34686&l=Tintrongtinh

[9] http://yenbai.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-giao-duc/ban-tin-nganh-gd-dt-so-51-quy-i-nam-2025.html

[10] https://baolaocai.vn/giai-bai-toan-thieu-giao-vien-post389537.html

[11] Trang 12, BÁO CÁO Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TU ngày 04/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 3 tháng đầu năm 2025

(http://laocai.edu.vn/bao-cao-phat-trien/bao-cao-ket-qua-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-55-nq-tu-ngay-04-12-2024-cua-ban-chap-hanh-dang--1332638)

Thanh Trà