Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ trả lời về lộ trình "thả giá"

29/04/2011 17:55
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả bằng vốn NSNN...

(GDVN) - Để thực hiện kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả bằng vốn NSNN, dồn vốn đầu tư vào các công trình cấp bách, quan trọng, hoàn thành trong năm 2011. 

Đó là một trong những nội dung quan trọng được đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thông báo tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ ngày 29/4, thông báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2011.

Cắt giảm đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Theo đó, các Bộ, ngành Trung ương đã cắt giảm 172 dự án khởi công mới, 53 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cắt giảm là 899,4 tỷ đồng. Đồng thời các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương đã tiến hành điều chuyển vốn cho 280 dự án.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cắt giảm 880 dự án khởi công mới và 604 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 4.229 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đã tiến hành rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án với tổng số vốn trên 39.212 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiên quyết cắt giảm, không khởi công mới các dự án chưa cần thiết, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải bằng nguồn vốn NSNN để dồn vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thiết thực; đồng thời công bố công khai.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ công ty điện

Các phóng viên có mặt tại cuộc họp báo đã có các câu hỏi đề cập đến lộ trình “thả giá” các mặt hàng, điện, nước, xăng, dầu trong bối cảnh lạm phát gây sốc cho người lao động. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng ta đang phải điều hành trong bối cảnh hết sức khó khăn, vừa do tác động bên ngoài vào, vừa do trong nước ta không thể kìm hãm theo cơ chế cũ được nữa. Do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và các Nghị quyết đã khẳng định cần kiên trì chính sách kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu không cẩn thận sẽ gây sốc, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội". 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (trái).

"Điện nếu điều chỉnh cho đủ mức đầu vào thì chắc chắn đảo lộn về kinh tế. Hiện chỉ điều chỉnh 1 bước. như vậy ta phải tính đến lộ trình và mức chịu đựng của nền kinh tế. Cơ bản nhất phải là thúc đẩy sản xuất để tạo ra sản phẩm, tăng trưởng, thuế cho xã hội.

Thứ 2, tác động đến xã hội, điện nước xăng dầu đều ảnh hưởng đến người dân thì phải chọn lộ trình, bước đi cho phù hợp chứ không thể thả nổi hoàn toàn. Than bán cho điện đáng ra phải điều chỉnh tăng 50%, chúng ta khống chế mức tăng chỉ 5%. Điện đáng ra phải tăng 45% nhưng chúng ta chỉ cho tăng hơn 15%. Đó là bước đi cần kiên trì để phù hợp với mức chịu đựng của chúng ta. Vậy nên cần chấp nhận mặt bằng giá mới để hạch toán cho minh bạch", ông Phúc cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc EVN hiện đang nợ PetroVietNam và TKV 6600 tỷ đồng và chưa có khả năng trả. Điện lực Hiệp Phước vừa cho biết sẽ cắt điện vì EVN không thanh toán được khoản nợ 36 triệu USD cho đơn vị này, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Thành Biên cho biết: “EVN đang nợ một số DN cung cấp điện. Đúng là EVN đang nợ một số đơn vị trong đó có Tập đoàn dầu khí, tập đoàn than khoáng sản cũng như Công ty điện Hiệp Phước.

EVN nợ là vì những năm vừa qua, nhất là các tháng mùa khô đã phải huy động nguồn điện giá cao phục vụ nhu cầu kinh tế cũng như đời sống nhân dân nhưng giá bán điện vẫn phải giữ như nhà nước quy định.

Đó là lý do chính. Về lâu dài, chúng ta cũng chưa có điều kiện điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Những yếu tố đó cũng làm cho EVN trong sản xuất kinh doanh phải gánh khoản lỗ lớn, hình thành trong nhiều năm nhưng đặc biệt là những tháng mùa khô 2009, 2010. Xử lý vấn đề này, Bộ công thương cũng đã chỉ đạo tập đoàn cũng như các DN trực tiếp thương thảo việc tiền điện nợ các nhà cung cấp.

EVN hiện đang sắp xếp tuy nhiên triển vọng giải quyết ngay cũng chưa thể được vì bước điều chỉnh giá điện vừa rồi cũng chỉ tăng được 1/3 so với mong muốn của bên điện lực. Để giải quyết cho tập đoàn này không bị thua lỗ trong kinh doanh điện còn cần thời gian. Vậy nên việc thiếu nguồn tiền trả cho các đơn vị cung cấp điện cần tiếp tục giải quyết.

Riêng việc nhà máy điện Hiệp Phước thì không phải lý do chính cắt điện do EVN nợ tiền mà là do nhà máy này hiện đang huy động nguồn nhiên liệu sản suất điện giá rất cao. Với công suất xấp xỉ 300MW, nhà máy này huy động chủ yếu bằng dầu, giá thành sản xuất ra 1kwh là trên 20 cent trong khi giá bán cho các hộ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu chế xuất tân thuận và khu công nghiệp Hiệp Phước vẫn theo giá nhà nước. Hiện nhà máy lỗ mỗi tháng 6 triệu USD, tương đương 120 tỷ đồng.

Vì vậy nhà máy điện này đã gửi công văn cho Bộ Công thương, các đơn vị chức năng TP.HCM cho biết không thể tiếp tục duy trì việc cung cấp điện với mức lỗ lớn như vậy. Bộ Công thương đã làm việc với các bên để đưa ra phương án bán điện cho 3 hộ tiêu thụ của nhà máy, đảm bảo việc chuyển giao lưới điện này cho EVN quản lý. Hiện nhà máy điện Hiệp Phước đang cùng UBND TPHCM. Sở công thương xem xét xử lý. Phương án sẽ đưa ra thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về bình ổn giá, thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, cắt giảm nhập khẩu các hàng xa xỉ phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở các cấp các ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra; tích cực ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông; chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Bùi Khương