Bộ trưởng Thăng chỉ đạo xử lý sự cố ở sân bay Đà Nẵng

13/01/2012 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - “Công trình sử dụng thiết kế của nước ngoài, sảnh đón khách đến hơi hẹp, không phù hợp với tâm lý, tình cảm của người Việt Nam”.

Chiều qua (12/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, sau khi nhận được phản ánh công trình Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng vừa hoàn thành đã bị dột đã cho kiểm tra. “Công trình sử dụng thiết kế của nước ngoài, sảnh đón khách đến hơi hẹp, không phù hợp với tâm lý, tình cảm của người Việt Nam là thường đi đón rất đông.

Sau khi phát hiện ra điều này, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại theo hướng cải tạo một sảnh trước kia vốn để dùng đặt các chậu hoa, phía trên trống thì được lợp mái. Một là do thời gian gấp, hai nữa là phải ghép phần mái mới với phần mái cũ, cho nên có hiện tượng dột. Chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục và theo báo cáo của chủ đầu tư thì tới 15/1 sẽ hoàn thành”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Dùng bạt che để chống dột tại sân bay Đà Nẵng
Dùng bạt che để chống dột tại sân bay Đà Nẵng

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, nước hắt tạt vào các đường dẫn vào nhà ga, dột trên các mái cửa kính lấy sáng khiến nền nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng nhiều điểm bị ướt, trơn trượt gây khó khăn cho việc di chuyển của hành khách.

Sảnh chờ phía khu D2 trên tầng cũng có nhiều điểm bị rỉ nước. Điểm đầu đường dẫn vào nhà ga bị dột nặng, nước từ giữa mái dột xuống ngay giữa đường ra vào của hành khách, nhiều điểm khu vực trên tầng này cũng bị nước hắt tạt, đọng nước phía ngoài ban công. Do hệ thống thoát nước không đảm bảo, độ dốc nền chưa hợp lý khiến nước đọng từ phía ngoài chảy vào phía nền trong khu vực mái che làm nhiều vị trí bị ướt nặng, trơn trượt. Các công nhân phải tháo dỡ hệ thống kính để tìm nguyên nhân gây dột và cho biết nguyên nhân gây dột do nước mưa rỉ vào các trụ cộng với việc bôi keo không đảm bảo.

Khi nói về tiến độ các công trình giao thông vận tải, Bộ trưởng Thăng cũng thừa nhận đó là vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng Thăng cho hay: “Để khắc phục, chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quản lý về tiến độ, chất lượng, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư, nếu công trình kém, tiến độ chậm thì chủ đầu tư, các chủ thể tham gia như ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chúng tôi phải có phân công trong lãnh đạo để kiểm tra, giám sát… Cũng rất quan trọng là sự giám sát của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều bài báo đã giúp chúng tôi phát hiện vấn đề, có biện pháp xử lý quyết liệt”.

Nói về vai trò của Bộ GTVT với các cơ quan chức năng khác trong việc chống ùn tắc và giảm tai nạn, Bộ trưởng Thăng cho rằng vì lâu nay chỉ thấy Bộ GTVT nói nên nhiều người lầm tưởng là Bộ chủ trì việc này, cho nên cần phải nói rõ là trách nhiệm giảm ùn tắc giao thông thuộc về UBND các thành phố, còn nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông thuộc về Bộ Công an, còn Bộ GTVT là đơn vị phối hợp thực hiện.

“Chúng tôi không nhất thiết phải trực tiếp đi phạt, đi thu tiền thì mới thực hiện được nhiệm vụ quản lý. Ngành GTVT quản lý về thể chế, chính sách, quản lý bằng pháp luật các hoạt động trong lĩnh vực GTVT trên phạm vi cả nước, quản lý bằng công cụ kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Thăng nói.

Cũng liên quan tới vấn đề phát triển hạ tầng giao thông đô thị, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển Hà Nội và TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 và trong đó có việc phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Trong phát triển hạ tầng giao thông có quy hoạch phát triển đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị này gắn kết với đường sắt Bắc- Nam.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cho biết: “Về lâu dài, chúng ta phải phát triển đường sắt tốc độ cao với tốc độ từ 150-200km/h. Đường sắt đó phải gắn với đường sắt đô thị để sau này kết nối hoàn toàn. Rõ ràng nếu chúng ta làm được điều đó thì rất tốt bởi nó vận chuyển được khối lượng lớn, ít ô nhiễm môi trường hơn. Tuy nhiên, suất đầu tư cao hơn, cho nên chúng ta cũng cần phải có thời gian.

Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt ở Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, ở TP HCM có 6 tuyến. Hà Nội và TP HCM cũng đang bắt đầu triển khai, ở Hà Nội đã triển khai tuyến Hà Đông-Nhổn, ở TP HCM triển khai tuyến Bến Thành- Suối Tiên… Một số dự án khác đang kêu gọi nguồn đầu tư. Tôi nghĩ ý kiến của bạn hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian để huy động nguồn lực để triển khai dự án”.

Ngọc Quang