Bộ trưởng Thăng có biết dân chúng tôi sợ lắm không?

14/05/2015 07:07
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Người dân đã, đang đối diện với những nguy hiểm chết người “từ trên trời rơi xuống”. Những rủi ro ấy đến trực tiếp từ sự cẩu thả của đơn vị thi công công trình.

Những cái chết “từ trên trời rơi xuống”

Hàng loạt sự cố thi công các dự án đường sắt tại Hà Nội liên tiếp xảy ra, khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Người dân đã, đang phải hứng chịu những  mối nguy hiểm chết người “từ trên trời rơi xuống”. 

Chỉ tính từ tháng 11/2015 đến nay, tại Hà Nội, liên tiếp xảy ra 5 sự cố khi thi công đường sắt, làm chết và bị thương nhiều người. 

Đầu tiên phải kể đến sự cố xảy ra vào sáng 6/11/2014. Theo đó, trong lúc đang thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, 2 thanh sắt xoắn đã bất ngờ rơi từ trên cao xuống đường Nguyễn Trãi, gây tai nạn cho chủ nhân hai chiếc xe máy đang lưu thông. Vụ việc khiến 1 thanh niên tử vong tại chỗ. 

Tiếp đó, vào sáng ngày 28/12/2014, trong khi công nhân đang đổ bê - tông xà mũ trụ H7 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) thì bất ngờ giàn giáo đổ sập. 

Thời điểm xảy ra tai nạn, một chiếc chở 4 người, khi lưu thông qua gầm gàn giáo công trình đã bị đè bẹp. Rất may, cả 4 đều may mắn thoát nạn.  

Hôm 10/5 vừa qua, trên công trường tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, một cọc sắt nặng hơn 6 tạ dài 9m, rơi xuống đường, đè nát tấm rào chắn. Tại thời điểm trên, 2 người đàn ông may mắn thoát chết nhờ phanh kịp xe.

Hiện trường sự cố được khắc phục cực nhanh sau đó. Nhóm công nhân trong công trường đã lái máy cẩu di chuyển thanh rầm vào phía trong. Tấm tôn rào chắn bị dầm đè lên cũng được bịt kín lại. 

Một thiết bị cẩu khi thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: QUỐC TOẢN)
Một thiết bị cẩu khi thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: QUỐC TOẢN)

Tiếp đến trong ngày 12/5, liên tiếp hai sự cố “từ trên trời rơi xuống” tiếp tục khiến người dân bàng hoàng. 

Cụ thể, khoảng 16h ngày 12/5, tại ngã tư Trần Thái Thông, Cầu Giấy (Hà Nội), chiếc cần cẩu tại công trường thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bất ngờ đổ sập, đè vào nhà dân trên đường Cầu Giấy (Hà Nội).

Sự việc đã khiến 2 người điều khiển xe máy trong đó có một phụ nữ mang thai 8 tháng đi xe máy đã bị ngã, gây thương nhẹ.

Trước đó, vào buổi sáng, một xe hơi đi qua nút giao Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đã bị bị thanh sắt từ trên công trường nhà ga vành đai 3 tuyến Cát Linh - Hà Đông rơi trúng cánh cửa, gây méo mó.

Cần phải nói thêm rằng, trong các vụ tai nạn được liệt kê nói trên, có đến 2/3 số vụ có liên quan tới  dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Tiếp tục...rút kinh nghiệm

Chẳng ai dám cam đoan tính mạng của bản thân sẽ được đảm bảo khi những sự cố chết người lại đến từ sự cẩu thả của đơn vị thi công.

Các biện pháp mạnh, đi kèm với những tuyên bố quyết liệt của giới chức (đình chỉ, rà soát, cảnh cáo nhà thầu, giáng chức…) nhằm đảm bảo an toàn thi công đã được thực hiện sau đó. 

Hẳn dư luận vẫn còn nhớ những phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp với Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) sau sự cố sập giàn giáo đường sắt Cát Linh – Hà Đông hồi cuối năm 2014 vừa qua.

Tại đây, "Tư lệnh" ngành giao thông đã khẳng định “không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa”. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (ảnh:internet)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (ảnh:internet)

Mệnh lệnh của Bộ trưởng Thăng nhằm vào những kẻ "vì lợi nhuận mà đổi tính mạng đồng bào...", phần nào trấn an tâm lý người dân trước những sự cố "đáng tiếc" nói trên. Và cũng bởi đó là câu nói gắn với trách nhiệm của vị "tư lệnh" ngành. 

Sau mỗi lời tuyên bố đi kèm với những chế tài do cơ quan quản lý đưa ra, các vụ tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra tại dự án mang tầm cỡ quốc gia này.

Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, vô cảm của những người có trách nhiệm đang đẩy người dân vào cảnh vừa đi vừa… “niệm phật”

Cũng chưa bao giờ, vấn đề đảm bảo thi công cùng với lời hứa trách nhiệm từ phía đơn vị quản lý, lại khiến người dân nghi ngờ đến vậy. Hay đúng ra đó là sự bội tín với chính bản thân họ và người dân. 

Hiện trường vụ sập cần cẩu dự án metro Nhổn - ga Hà Nội hôm 12/5 (ảnh: internet)
Hiện trường vụ sập cần cẩu dự án metro Nhổn - ga Hà Nội hôm 12/5 (ảnh: internet)

Cũng thật khó hiểu bởi, sau khi những sự cố nói trên xảy ra, người dân khó tìm thấy một phản ứng chính thức nào về trách nhiệm quản lý từ cấp có thẩm quyền. 

Hay, thay bằng cách “cúi đầu” tạ lỗi trước dân, người ta đưa ra các lý do hết sức lãng xẹt. Họ không ngần ngại “đổ” trách nhiệm lên đầu thanh sắt, chiếc cần cẩu hay cùng lắm chỉ là sự cẩu thả từ phía đơn vị thi công.

Kèm theo đó là những lời biện minh cho những sự cố chết người, mong được "đại xá" với những ngôn từ hết sức quen thuộc, kiểu như “đây là sự cố xảy ra ngoài mong muốn và tính toán”, “không lường hết được sự việc”, hoặc “không làm tròn trách nhiệm”…

Và tất nhiên, điệp khúc “Chúng tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc và xin lỗi người dân vì sự cố đáng tiếc gây ảnh hưởng đến người dân qua đường” lại tiếp tục được lặp lại. 

Không biết lãnh đạo ngành giao thông có hiểu rằng dân chúng tôi sợ lắm không(?) khi hằng ngày phải đối diện với "thần chết" treo lơ lửng trên đầu.

Phải làm gì để bảo toàn mạng sống, thưa Bộ trưởng Thăng?

QUỐC TOẢN