“Bộ trưởng Thăng không bắt buộc cán bộ đi xe buýt"

02/12/2011 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong khi văn bản Bộ trưởng Thăng nêu rõ việc 'yêu cầu' thì Vụ trưởng Vụ Vận tải cho hay Bộ trưởng không bắt buộc mà chỉ khuyến khích CBNV đi xe buýt!

Xung quanh việc phát động phong trào nhân viên ngành GTVT đi xe buýt đã nêu trong văn bản số 6323/BGTVT-VT ngày 6/10/2011 do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký, PV Báo GDVN đã có cuộc điều tra trong hơn một tuần tại Bộ GTVT. Qua theo dõi, phóng viên ghi nhận số người đi bộ vào trụ sở Bộ GTVT là rất ít.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: "Nói nhân viên Bộ GTVT không đi xe buýt là chưa đúng". Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: "Việc thực hiện đi xe buýt của cán bộ nhân viên Bộ vẫn được thực hiện tốt. Phóng viên viết bài báo đấy chứng tỏ chưa đi xe buýt bao giờ.

Nếu đã đi xe buýt, phóng viên phải biết là xe buýt có nhiều tuyến khác nhau, mỗi tuyến sẽ có những điểm đỗ khác nhau để hành khách tự xuống, chứ không phải tất cả xe buýt đều phải đi đến cửa Bộ mới dừng lại. Hôm trước đọc thông tin đấy tôi rất bức xúc", Bộ trưởng Thăng nói.

Bộ trưởng Thăng dẫn chứng bằng chính việc mình đi xe buýt: "Tôi đi làm bằng xe buýt thường đi xe số 30 hoặc 34 từ bến xe Mỹ Đình, để đến trụ sở Bộ phải phải xuống đầu Khâm Thiên (tuyến 30-PV) hoặc gần hơn nữa là điểm Nguyễn Thái Học - Phan Bội Châu (tuyến 34 - PV), rồi tôi phải đi bộ vào cơ quan. 


Mỗi tuyến buýt khác nhau có điểm dừng khác nhau, người đi xe sẽ tự chọn điểm xuống gần nhất. Giờ phóng viên đến cửa Bộ lại bảo là nhân viên không đi vì không thấy ai xuống bến xe buýt gần đó là rất vô lý".

"Hơn nữa, đâu phải là hết giờ làm người ta đều về đâu, mà nhiều người còn ở lại làm hết việc rồi mới về, với nhiều giờ khác nhau. Nếu chỉ đến vào giờ đi làm và giờ tan tầm là không khách quan. Phóng viên phản ánh phải khách quan, phải đúng", Bộ trưởng Thăng nói thêm.

Để làm rõ hơn việc chấp hành đi xe buýt của nhân viên Bộ GTVT, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Trần Ngọc Thành – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).

Theo Vụ trưởng Trần Ngọc Thành, văn bản đã nêu rõ là cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt tại Hà Nội và TP.HCM, điều đó mang tính khuyến khích chứ không phải ép buộc.

PV đã đặt câu hỏi: Vậy làm thế nào để kiểm soát được nhân viên trong các đơn vị của Bộ có đi xe buýt thật hay không? Vụ trưởng Thành trả lời: “Anh em làm ở Bộ thì càng phải gương mẫu, thực ra có đi hay không nó thuộc về ý thức, chứ không thể bắt buộc họ phải đi được. 

Tôi nghĩ rằng, CBNV ở từng đơn vị phải tự nâng cao ý thức, làm trong ngành giao thông mà không gương mẫu thì rất đáng xấu hổ. Chúng tôi cũng không thể lập ra một tổ theo dõi về việc này, bởi đây là vấn đề ý thức chứ không phải yêu cầu bắt buộc”.

Ông Thành cho hay: “Tính đến 29/11, Vụ Vận tải mới nhận được báo cáo của 21/68 đơn vị trong toàn ngành GTVT gửi báo cáo triển khai thực hiện việc đi xe buýt (chiếm 30,8%). 

Tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ trong cuộc họp giao ban tới đây và sẽ làm rõ lý do tại sao những đơn vị còn lại chưa có báo cáo về việc này. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng ở đây không phải là đi bao nhiêu lần một tháng mà là tinh thần hưởng ứng, thậm chí sau khi đi xe buýt nhiều lần họ còn gửi cho tôi những ý kiến phản ánh sự bức xúc với chất lượng dịch vụ còn yếu kém của loại phương tiện này”.

Ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT
Ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT

Cũng theo Vụ trưởng Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Vụ Vận tải tập hợp ý kiến của các đơn vị trong ngành và có đề xuất để có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị ở cả Hà Nội và TP.HCM trong cuộc vận động CBNV của ngành cố gắng đi xe buýt ít nhất một lần mỗi tuần.

“Tôi biết rằng có những trường hợp đặc biệt, thí dụ như phải đưa đón con nhỏ thì họ rất khó sử dụng phương tiện này và bên cạnh đó cũng còn có người không có lý do đặc biệt nhưng chưa đi xe buýt. Về văn bản 6323, Bộ trưởng Thăng không bắt buộc CBNV đi xe buýt mà là khuyến khích và cũng không coi việc đi xe buýt là thành tích thi đua của các đơn vị. Chúng ta đều biết cả hạ tầng dành cho xe buýt và chất lượng dịch vụ của xe buýt còn quá yếu, chưa thể đảm bảo được nhu cầu đi lại cần thiết”, ông Thành nói.

Ông Thành cho hay, với những ai làm việc theo giờ hành chính tại văn phòng Bộ thì hoàn toàn có thể sử dụng xe buýt, nhưng với nhiều cán bộ phải thường xuyên đi lại thì thực sự xe buýt chưa phải là phương tiện hữu hiệu.

“Chúng ta phải thẳng thắn với nhau như vậy, không phải là họ không muốn đi xe buýt mà chỉ là do hệ thống xe buýt còn quá yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển. Chúng tôi ghi nhận thông tin phản ánh của báo chí, tuy nhiên tôi cũng muốn nói rằng với bất cứ một chính sách nào dù có biết rõ ràng là tốt đến mấy thì khi đưa vào cuộc sống cũng phải có lộ trình.

Việc triển khai thực hiện văn bản 6323 cũng vậy thôi, mới chỉ triển khai được hơn 1 tháng và tôi vẫn phải nhắc lại việc này là do ý thức của mỗi người, ai không hưởng ứng đi xe buýt thì người đó sẽ tự cảm thấy xấu hổ với các đồng nghiệp khác”, Vụ trưởng Thành nhấn mạnh.

Văn bản số 6323/BGTVT-VT ngày 6/10/2011 do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành có trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện các nội dung sau đây:

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên và các đoàn thể yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần. Định kỳ báo cáo (trước ngày 25 hàng tháng) tình hình triển khai thực hiện, những kiến nghị đề xuất về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải để tổng hợp);

2. Cán bộ công nhân viên chức trong ngành bằng các hình thức thích hợp chủ động tuyên truyền, vận động người thân và cán bộ nhân dân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt;

3. Các cơ quan báo chí trong ngành tăng cường tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội về lợi ích của việc sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị nói chung và xe buýt nói riêng; phản ánh đầy đủ và kịp thời những gương người tốt việc tốt, những khó khăn vướng mắc cần khắc phục nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ xe buýt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan đơn vị trong ngành nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao
Ngọc Quang