Bộ trưởng Thăng: Lại nóng chuyện chỉnh giờ học, giờ làm

28/10/2011 11:13
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Đủ căn cứ điều chỉnh giờ”.
Bộ trưởng Thăng: “Đủ căn cứ điều chỉnh giờ”

 “Về phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm, Bộ GTVT đã có cả một đề án cụ thể, có nghiên cứu khoa học và cả thực tiễn từ bao nhiêu năm nay rồi”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10.

Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh VNE)
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh VNE)
“Bộ GTVT không tự điều chỉnh mà chỉ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ không có quyền quyết định cho ai làm giờ nào.

Để làm việc này đã có cả một đề án cụ thể, có nghiên cứu khoa học và cả thực tiễn từ bao nhiêu năm nay rồi. Không có chuyện thích thì làm, hôm nay quy định giờ này mai lại quy định giờ khác.

Tôi đã nói và một số ĐB cũng đồng tình là một nhóm lợi ích nhỏ phải vì lợi ích cộng đồng. Ví dụ, số công chức của Hà Nội là nhỏ so với hàng triệu công nhân lao động. Hàng triệu người lao động phải làm ca thì ai đưa con họ đi học, họ không phải những người mẹ có con nhỏ hay sao? Tại sao chỉ công chức mới cần phải ưu tiên, mới phải tạo điều kiện cho họ đưa đón con đi học”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Trình Thủ tướng phương án thay đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội

Theo thông tin từ Tuổi trẻ, Người lao động,...: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa có văn bản số 6956/BGTVT-VT trình Thủ tướng đề xuất hai phương án thay đổi thời gian làm việc, học tập và giờ kinh doanh thương mại tại Hà Nội.

Phương án 1, giờ làm việc của cán bộ, công chức cơ quan TƯ: 9 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; cán bộ công chức Hà Nội: 8 giờ 30 - 12 giờ và 13 giờ - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30; học sinh THPT: 7 giờ - 11 giờ và 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân: 6 giờ - 11 giờ và 12 giờ - 17 giờ; sinh viên khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng: 7 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; các trung tâm kinh doanh thương mại: 9 giờ 30 - 23 giờ.

Phương án 2, giờ làm việc của cán bộ, công chức cơ quan TƯ: 9 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; cán bộ, công chức Hà Nội: 8 giờ 30 - 12 giờ và 13 giờ - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30; học sinh THPT: 7 giờ - 11 giờ và 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân: 7 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; sinh viên quận Đống Đa, Hai Bà Trưng: 8 giờ - 13 giờ và 14 giờ - 19 giờ; các trung tâm kinh doanh thương mại mở cửa từ 9 giờ 30 - 23 giờ. Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ GT-VT khuyến khích bố trí giờ làm việc tránh giờ cao điểm.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP.HCM đề nghị xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP và gửi về Bộ GTVT trước ngày 15-1-2012.

Bộ kiến nghị UBND TP Hà Nội cấm taxi, hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến có lưu lượng lớn, hay ùn tắc vào giờ cao điểm; bố trí thêm nhiều cặp đường một chiều; dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi, không cho tăng số lượng taxi của các hãng đang hoạt động; kiên quyết không dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, điểm đỗ xe...

Giải bài toán Giao thông: Cả đất nước phải vào cuộc.

Trả lời phóng viên Vnexpress,  Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu giải pháp để giải bài toán tai nạn và ùn tắc giao thông cần có sự chung tay, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Giải bài toán Giao thông: Cả đất nước phải vào cuộc.
Giải bài toán Giao thông: Cả đất nước phải vào cuộc.

Ông nhấn mạnh: Để làm được điều này thì “các giải pháp phải đồng bộ và tổng thể, bao gồm từ các văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông cho hợp lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Có rất nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có một. Điều chỉnh giờ nằm trong tổng thể giải pháp do Chính phủ chỉ đạo chứ không phải Bộ Giao thông thích làm.

Các giải pháp đó có cả lâu dài và trước mắt, nhưng kể cả giải pháp trước mắt thì cũng nằm trong tổng thể chứ không phải là chắp vá. Nhưng để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM thì phải đầu tư xây dựng được các loại hình vận tải chở được khối lượng lớn, đó là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Nhưng điều đó đòi hỏi thời gian, tiền bạc.

Với điều kiện là mọi người phải đồng thuận, phải vào cuộc chứ cứ đưa một giải pháp ra là bị dừng lại thì sao làm được. Ví dụ, Trung Quốc cho đi ôtô theo ngày chẵn ngày lẻ, hàng năm muốn được quyền đăng ký xe phải quay xổ số.

Còn Singapore thì phải đấu thầu, toàn bộ xe máy cấm triệt để. Mình đưa lên thì lại nói là động đến quyền công dân. Đồng bộ là khi phương tiện vận tải công cộng phải tốt lên nhưng không thể chờ đến khi đó mà chúng ta phải làm đồng thời. Có nghĩa là vẫn phải giảm phương tiện vận tải cá nhân, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận là điều kiện vận tải công cộng chưa được như mong đợi. Mọi người phải có sự chia sẻ”.
Hải Hà (tổng hợp)