Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Bộ trưởng Trần Đại Quang:"Nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở Việt Nam rất lớn"

30/10/2012 08:11
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Cơ quan An ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại.
Ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, chống khủng bố trước Quốc hội.

Tờ trình nêu, thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm 48.173 người thiệt mạng, 86.045 người bị thương và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đưa ra nhận định, do diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (Ảnh: dantri.com.vn)
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (Ảnh: dantri.com.vn)

Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay đã có 04 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý. 

Bên cạnh đó, cơ quan An ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích ngụy trang khác nhau, đồng thời cũng đã phát hiện một số đối tượng phản động trong nước có liên lạc, quan hệ với một số tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan trên thế giới và khu vực Đông Nam Á để thực hiện các hoạt động có dấu hiệu liên quan tới khủng bố.

Cơ quan An ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại. 
Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày: “Để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố, đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống khủng bố là một giải pháp trọng tâm, cơ bản. 

Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống khủng bố cho thấy, nhìn chung còn tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đồng bộ, thống nhất; nhiều cam kết quốc tế của Nhà nước ta trong các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố chưa được nội luật hóa để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của mình. Tình hình nêu trên cho thấy, việc ban hành Luật Phòng, chống khủng là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới”.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam xây Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố trình Quốc hội cho ý kiến gồm 8 chương, 57 điều, với nội dung cơ bản. Luật đã giải thích một số từ ngữ có tính chuyên ngành, được sử dụng nhiều trong Luật, đó là “khủng bố”, “tài trợ khủng bố”, “phòng ngừa khủng bố”, “chống khủng bố”…
Hồng Chính Quang