Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

'BT Thăng nên đối thoại và lắng nghe tâm tư của người dân hơn nữa'?

27/04/2012 06:32
Độc giả Lê Văn Tiến (Tp. Hồ Chí Minh)
(GDVN) - "Thu phí giao thông là đề án có ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân trong xã hội, nên việc Bộ trưởng Thăng nên có những cuộc đối thoại và lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của người dân trong lúc này là rất cần thiết, thể hiện sự tôn trọng, dân chủ trong xã hội...", độc giả Lê Văn Tiến bày tỏ.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Lê Văn Tiến (Tp. Hồ Chí Minh) với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tới Bộ trưởng Thăng. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Trong những ngày qua, tôi thường xuyên cập nhật những thông tin xung quanh đề án thu phí giao thông được Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất lên Thủ tướng. Qua tìm hiểu và đọc các bài viết, các ý kiến đóng góp của rất nhiều bạn đọc đã được đăng tải trên trang báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy rất đông các độc giả thuộc đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực công tác đều có những ý kiến đóng góp, bổ sung, hiến kế xung quanh câu chuyện thu phí giao thông và chống lại vấn nạn ùn tắc đường ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Độc giả cho rằng Bộ trưởng Thăng nên tổ chức đối thoại với dân về việc thu phí giao thông (Ảnh: minh họa/ Internet).
Độc giả cho rằng Bộ trưởng Thăng nên tổ chức đối thoại với dân về việc thu phí giao thông (Ảnh: minh họa/ Internet).

Trong những ý kiến đóng góp đó có người đồng tình ủng hộ đề án thu phí giao thông, có người chưa thực sự đồng tình với các nội dung trong đó vì chưa thuyết phục được họ bởi vì họ không thể cứ bỏ tiền túi ra nhưng đổi lại là đường vẫn tắc, tai nạn vẫn gia tăng... Và trên quan điểm cá nhân tôi, tôi cũng không đồng tình với phương án này của Bộ GTVT dù rằng mục tiêu của nó là giảm ùn tắc giao thông.

Thứ nhất,  ngay ở tên gọi của đề án này, đã cho thấy sự không phù hợp với những định nghĩa về phí mà tôi đã được biết, được học. 

Phí là một khoản tiền phải trả cho một dịch vụ (công hay tư) được nhận, hoặc là một khoản tiền trả cho dịch vụ, hoặc trả để có được đặc quyền nào đó. Nó giống như một khoản phải trả trong một giao kèo giữa cá nhân với cá nhân (bao gồm cả tập thể). Một khi sử dụng một dịch vụ nào đó, người sử dụng đã đồng ý trả phí, và nếu không trả phí, có nghĩa là: Người sử dụng ấy đã vi phạm hợp đồng.

Còn thuế là nghĩa vụ của cá nhân hay tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ và trách nhiệm bắt buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước theo mức quy định.  Đưa ra như vậy, để thấy rằng hai khoản phí mà Bộ trưởng nói là "phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm" thì không thể được xem là phí. Đơn giản, nếu người dân không đóng hay nói cách khác là đã vi phạm hợp đồng, Bộ trưởng có quyền cắt dịch vụ, tức là “không hạn chế phương tiện cá nhân nữa”. Và thế thì người không đóng phí họ chả mất gì. Vì vậy, “hạn chế phương tiện cá nhân” không phải là một "dịch vụ" để có thể thu phí. Thêm vào đó, việc đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đề xuất nếu nhìn rõ ràng thì đây có khác nào là bắt người dân đóng tiền để tự hạn chế đi quyền được lưu thông của mình (?). Thứ hai, thu phí hạn chế phương tiện cá nhân để nhằm mục đích giải bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn nhưng liệu rằng nó có khả thi không? Đây vẫn là một câu hỏi mà chưa thấy Bộ trưởng và Bộ GTVT có câu trả lời cụ thể, xác đáng. Theo như các ý kiến của đông đảo người dân và theo suy nghĩ của cá nhân tôi cho rằng, thu phí chưa chắc đã giảm được ùn tắc giao thông. Bởi lẽ, muốn giảm ùn tắc thì phải tìm ra được nguyên nhân cốt lõi của nó và giải quyết. Mà nguyên nhân ở đây, trước tiên không phải ở phía người dân mà chính là từ tầm nhìn hạn chế trong việc quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt ở các thành phố lớn của chúng ta trong suốt một thời gian dài vừa qua.  Đường sá chật hẹp, xuống cấp, kết cấu, hạ tầng giao thông không đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc trầm trọng. Việc những nhà cao tầng, được các UBND các thành phố cấp phép ồ ạt, xây dựng như "nấm mọc sau mưa" cũng góp phần vào việc làm gia tăng ùn tắc giao thông; rồi quá trình thực hiện di chuyển các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, nhà máy ra khỏi nội đô chậm chạp... Thêm vào đó là ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều điều phải bàn, thiếu các phương tiện công cộng phục vụ cho cộng đồng... cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc.Thứ ba, từ thực tế đã cho thấy ùn tắc giao thông là vấn đề đã và đang được cả xã hội quan tâm, việc giải quyết nó rất khó, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, người dân trong xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng, việc Bộ trưởng Thăng đưa ra bất cứ một giải pháp nào nhằm giải quyết vấn nạn này cũng cần phải xem xét, đánh giá thật kỹ càng, trên nhiều mặt. Đặc biệt với phương án thu phí lưu hành phương tiện thì càng phải xem là lợi ích đem lại cho người dân là cái gì, lợi ích cho xã hội là gì để trên cơ sở đó đưa ra các phương án rồi chọn mẫu chính xác.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thêm vào đó, theo tôi, việc đưa ra mức phí như thế nào thì Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng cần phải tính toán đến độ khả thi và sức chịu đựng của người dân đến đâu. Và, tôi cũng đề xuất với Bộ trưởng Thăng một vấn đề, là đâu chỉ có thu phí mới giảm được ùn tắc mà có rất nhiều cách nên ngoài phương án về phí thì cũng cần đề xuất các phương án khác để khách quan hơn, người dân có quyền được lựa chọn nhiều hơn. Khi người dân chưa nhất trí, còn nhiều băn khoăn liên quan đến tính khả thi của đề án cũng như một số vấn đề khác chưa rõ ràng, chưa nhận được đồng thuận... thì tôi cho rằng, Bộ trưởng Thăng nên tiến hành làm  làm ngay một việc rất cần thiết lúc này là đối thoại với dân, lắng nghe, tiếp thu những tâm tư nguyện vọng của người dân và từ đó có những quyết định chính xác, sáng suốt.  Trong thời gian qua, nhiều dự thảo dự án Luật, các văn bản pháp luật khác đã được các cơ quan chức năng đưa ra lấy ý kiến của nhân dân cả nước bằng nhiều cách, trong đó một cách khá hữu hiệu là đưa lên trang mạng Internet chính thống của cơ quan, tổ chức đó. Vì vậy, tôi thiết nghĩ Bộ GTVT nên xây dựng một website riêng về việc xin ý kiến toàn dân xung quanh đề án thu phí giao thông. Tôi dám chắc, việc này sẽ được đông đảo nhân dân ủng hộ và tham gia nhiệt tình.  Trong thời qua, việc người dân, những người trực tiếp chịu đựng vấn nạn ùn tắc giao thông và sẽ bị tác động bởi đề án thu phí đã bày tỏ rất nhiều những ý kiến cũng như đóng góp, hiến kế với Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến những việc chung của đất nước, xã hội. Đồng thời, những ý kiến này cũng cho thấy sự phát triển của một xã hội ngày càng văn minh, dân chủ, công khai, minh bạch... Vì thế, tôi mong rằng, là Tư lệnh của một ngành, Bộ trưởng Thăng nên tiếp thu những ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân hơn nữa, cùng các cơ quan liên quan, bàn bạc, xem xét tính khả thi đến đâu để có những quyết định cuối cùng. Như tôi đã nói ở trên, thu phí giao thông là đề án có ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân trong xã hội nên việc Bộ trưởng Thăng và Bộ GTVT thường xuyên đối thoại và lắng nghe những ý kiến đóng góp, xây dựng, hiến kế của người dân lúc này là rất cần thiết. Nó cũng thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe và dân chủ trong xã hội...Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Lê Văn Tiến (Tp. Hồ Chí Minh)