Bức xúc về thái độ làm việc của công chức cơ quan thuế

06/12/2011 15:27
Theo Nguyễn Hằng/VNE
Tôi đã mất gần 2 tháng với sáu lần lên xuống để làm thủ tục báo mất hóa đơn bởi thái độ làm việc cứng nhắc, thiếu nhiệt tình của một số công chức cơ quan thuế.

Tôi là kế toán, đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vừa rồi, công ty tôi có làm mất một số hóa đơn GTGT nên tôi phải làm thủ tục báo mất hóa đơn với Phòng Ấn chỉ, thuộc Cục thuế thành phố và tôi rất bức xúc trước thái độ và phong cách làm việc của một số công chức.

Đầu tiên là cách Phòng Ấn chỉ gửi Giấy mời làm việc. Tôi không biết Phòng Ấn chỉ gửi giấy mời khi nào (tôi không còn giữ phong bì thư), nhưng công ty tôi luôn nhận được rất sát sao với ngày được mời lên làm việc. Giả như họ mời tôi lên giải quyết vào sáng 30 thì chiều 29 tôi mới nhận được thư mời. Trong giấy mời yêu cầu tôi chuẩn bị khá nhiều giấy tờ và toàn bộ phải do Người đại diện pháp luật ký. Thời gian quá ngắn ngủi, nhiều bận cấp trên đi công tác, tôi không tài nào chuẩn bị kịp giấy tờ để lên đúng hẹn như yêu cầu.

"Rất cần phải đào tạo lại các kỹ năng vi tính cơ bản cho các công chức để công việc được giải quyết nhanh chóng hơn"
"Rất cần phải đào tạo lại các kỹ năng vi tính cơ bản cho các công chức để công việc được giải quyết nhanh chóng hơn"

Vài ngày sau, khi đã hoàn chỉnh giấy tờ, tôi đến địa chỉ ghi trong giấy mời. Một cô công chức khoảng 50 tuổi liếc nhìn tờ giấy mời của tôi rồi bảo: "Ngày hẹn không phải ngày này. Hồ sơ của em đã được chuyển đi mời lần 2. Lần sau lên lại nhé!"

Lần thứ hai quay lại, phòng giải quyết mất hóa đơn đã chật kín người, đều được hẹn trong ngày đó. Cô công chức hôm trước trở nên gắt gỏng, bảo quá đông, không nhận hồ sơ nữa và hẹn mọi người lại hôm khác. Tôi và một số người đành quay về.

Lần thứ ba, tôi cố ý đi thật sớm. Một cô công chức trông khá trẻ tuổi nhận hồ sơ của tôi, xem xét rồi từ chối, bởi: "Giấy ủy quyền của em phải ghi là 'ủy quyền để xử lý về việc thất lạc hóa đơn' như trên giấy mời, chứ không được ghi là 'ủy quyền để ký biên bản mất hóa đơn'". Lại đi về lần nữa.

Lần thứ tư, tôi mang tờ giấy ủy quyền mới, ghi rõ "ủy quyền để xử lý về việc thất lạc hóa đơn", nhưng bộ hồ sơ của tôi lại bị từ chối. Lý do được đưa ra: Biên bản thất lạc hóa đơn phải do Người đại diện pháp luật của 2 bên ký chứ không được do Kế toán trưởng ký (trong khi lần trước, họ vẫn nhận Biên bản thất lạc hóa đơn do Kế toán trưởng 2 bên ký bình thường). Tôi thật sự nổi giận. Tại sao lần trước, họ phát hiện ra cái lỗi be bé trong tờ giấy ủy quyền của tôi, mà lại không nhìn thấy cái lỗi to đùng trong Biên bản thất lạc hóa đơn này chứ?

Lần thứ năm, hồ sơ của tôi đã được chấp nhận. Sau khoảng gần 2 tiếng chờ đợi, 10 phút để xem xét hồ sơ và 15 phút cho cô công chức "mổ cò" cái biên bản (trong khi sẽ đỡ mất thời gian hơn nhiều nếu họ biết đánh máy tròn ngón và sử dụng lệnh mail merge trong word), tôi nhận được Biên bản làm việc với yêu cầu đưa về cho Người đại diện pháp luật ký, thay vì Người ủy quyền được phép ký như trước đây.

Lần thứ sáu, tôi mang Biên bản làm việc có chữ ký của Người đại diện pháp luật lên. Lại mất thêm khoảng 2 tiếng rưỡi nữa để đợi họ ra Quyết định xử phạt. Cầm quyết định xử phạt về, chúng tôi chuyển tiền vào Kho bạc Nhà nước, rồi fax lệnh chuyển tiền lên cho Phòng Ấn chỉ thì mới hoàn tất toàn bộ quy trình xử lý việc mất hóa đơn của công ty tôi. Quá trình này kéo dài gần 2 tháng. Sáu lần lên xuống mất rất nhiều công sức, thời gian và chi phí cho việc đi lại.

Một lần khác, tôi cũng lên Phòng Ấn chỉ để hủy một số chứng từ theo yêu cầu của họ. Mất hơn một giờ chờ đợi, tôi mới được giải quyết, bởi người phụ trách phải... đi đón con chưa về, và những đồng nghiệp cùng phòng thì thà ngồi đọc báo, tán chuyện phiếm còn hơn nhận giùm hồ sơ của tôi.

Thêm một ví dụ khác nữa, khi lần đầu tôi nộp Thông báo phát hành hóa đơn, Tổng Giám đốc của công ty tôi ký tên và đóng mộc với tên Andrew William Ward (ví dụ thôi nhé). Phòng Ấn chỉ từ chối hồ sơ của tôi, vì trong hệ thống, tên của Tổng Giám đốc công ty bên tôi là Andrew William III Ward cơ. Thế là tôi phải giải thích cho Tổng Giám đốc và nhờ bác ấy ký lại.

Câu chuyện của tôi chỉ là một điển hình cho sự thiếu trách nhiệm và thiếu linh động của hệ thống hành chính. Ngoài việc cải thiện thái độ làm việc, tôi nghĩ cũng rất cần phải đào tạo lại các kỹ năng vi tính cơ bản cho các công chức để công việc được giải quyết nhanh chóng hơn.
Theo Nguyễn Hằng/VNE