Các nước châu Á sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD để chạy đua, đối phó với TQ?

20/01/2015 15:40
Bình Nguyên
(GDVN) - Các quốc gia đã và sẽ bị ảnh hưởng chiến lược bởi chiều hướng này gồm có Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan.

Mạng The Motley Fool chuyên về tài chính, đầu tư quốc tế gần đây có bài viết đáng chú ý của tác giả Rich Smith có tên “Trung Quốc có tàu sân bay” nội dung chủ yếu bàn về các kế hoạch chế tạo các hạm đội tác chiến hàng không mẫu hạm cũng dự đoán chi tiêu quốc phòng có thể lên đến trên hàng trăm tỷ USD của các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương xuất phát từ nhưng nghi ngờ về động cơ phát triển quân sự của TQ.

Quân sỹ Hải quân TQ đóng ở căn cứ Ngong Shuen Chau ở Hồng Kông
Quân sỹ Hải quân TQ đóng ở căn cứ Ngong Shuen Chau ở Hồng Kông

Tác giả Rich Smith bình luận trên bài báo đăng ngày 17/1/2015 của mình rằng ngay tiêu đề “Trung Quốc có tàu sân bay” cũng đã đủ để khiến cho các chiến lược gia, nhà hoạch định quân sự của quân đội Mỹ cũng như các nước láng giềng của TQ phải “lạnh sống lưng”, đặc biệt là khi lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố đưa tàu sân bay Liêu Ninh (ký hiệu PLAN CV-16) của họ vào phục vụ quân đội.

Ngay sau khi TQ tuyên bố đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động sau nhiều năm đại tu, chúng ta chứng kiến hàng loạt các báo cáo cho thấy các động thái đáp trả của các quốc gia láng giềng của TQ như: Nhật Bản tuyên bố đóng 2 tàu sân bay mới (về mặt kỹ thuật là các khu trục hạm mang máy bay trực thăng); Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan cũng công bố các kế hoạch mua sắm, đầu tư quốc phòng tương đối lớn của mình…

Rich Smith bình luận, khắp các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á đều chứng kiến, nở rộ các kế hoạch chi tiêu quân sự trị giá hàng tỷ USD và mục đích cuối cùng vẫn chỉ là để theo kịp, chạy đua và đối phó, đề phòng với sự bành trướng và tư tưởng tham vọng lãnh thổ của quân đội Trung Quốc.

Theo Rich Smith, vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc hiện nay đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngân sách giành cho quân sự cũng đứng top 2 toàn cầu – chỉ sau Hoa Kỳ.

Thực tế này khiến cho các quốc gia láng giềng nhỏ bé gần Trung Quốc khó có khả năng theo kịp. Đáng quan ngại hơn nữa đó chính là việc Trung Quốc cũng đã bắt đầu công khai hé lộ các tín hiệu cho thấy nước này đang chế tạo một chiếc tàu sân bay thứ hai.

Sau đó là chiếc thứ 3, thứ 4 và cuối cùng là một tàu sân bay hạt nhân hoàn chỉnh.

Rich Smith cho hay, đó vẫn chưa phải là những thông tin đáng quan ngại nhất, thực tế liên quan tiếp theo các tàu sân bay của Trung Quốc mới khiến dư luận lo lắng hơn.

Rich Smith dẫn thông tin của trang DefenseNews.com nói rằng Trung Quốc không chỉ đang chế tạo các tàu sân bay đơn lẻ mà còn đang học cách sử dụng chúng một cách hiệu quả như những gì Hải quân Mỹ đã và đang làm.

Tác giả này đặt câu hỏi “Cái gì lớn, tốn kém hơn một chiếc tàu sân bay” và đưa ra giải thích cho độc giả của mình rằng: Nếu chỉ là những chiếc tàu sân bay đơn lẻ hoạt động trên biển thì nó chắc chắn sẽ là các mục tiêu dễ tiêu diệt nhất đối với tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của đối phương.

Sỹ quan Hải TQ ở Thượng Hải
Sỹ quan Hải TQ ở Thượng Hải

Để vận hành an toàn, sử dụng hiệu quả một chiếc tàu sân bay thì đi kèm với nó là một dàn tàu chiến hộ tống, tàu tiếp nhiên liệu… và thậm chí là từ 1 đến 2 tàu ngầm hạt nhân.

Ví dụ, trong biên chế của Hải quân Mỹ, một hạm đội tác chiến tàu sân bay (cách gọi khác là nhóm tác chiến TSB) thường bao gồm bản thân tàu sân bay, 1 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường (làm nhiệm vụ phòng không); 3 tàu khu trục tên lửa dẫn đường (làm nhiệm vụ chống tàu nổi, tàu ngầm của đối phương).

Thêm vào đó là một số tàu hậu cần làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, nhiên liệu cho máy bay hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Một hạm đội tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể kèm theo 1 đến 2 tàu ngầm hạt nhân nữa cùng đi nâng tổng số tàu của một hạm đội lên 10 chiếc.

Điều đáng nói là chi phí để chế tạo, huấn luyện, sử dụng thành thạo tất cả các tàu hỗ trợ hộ tống này rất lớn, số tiền chi ra để đóng, duy trì nó có thể còn cao gấp 3 lần chi phí chế tạo một tàu sân bay – 30 tỷ USD là số lượng tài chính cơ bản đủ để thực hiện kế hoạch hình thành các tàu hộ tống cho tàu sân bay.

Đối với một số quốc gia, vài chục tỷ USD là một con số đáng kinh hoàng, có thể làm đau đầu các bộ não chiến lược nhưng nó có lẽ chưa là gì đối với Trung Quốc, nước có ngân sách quốc phòng tăng liên tục trong những năm gần đây.

Hiện nay, với ngân sách thường niên khoảng 200 tỷ USD thì Bắc Kinh sẵn sàng chi cho các hạm đội tàu sân bay của mình vài chục tỷ USD là điều không phải suy nghĩ nhiều, miễn sao chúng phục vụ tốt cho tham vọng chủ quyền đáng sợ của nước này.

Cũng theo tin được DefenseNews báo cáo cách đây 1 tuần, Trung Quốc gần đây đã biên chế chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Lan Châu thứ 5 của mình.

Quân đội của Bắc Kinh có kế hoạch đóng và sử dụng tất cả 14 chiếc khu trục hạm lớp Lan Châu cùng 6 tàu tuần dương mang tên lửa hạng nặng "Type 055" – số lượng tàu chiến này đủ để cung cấp hạm đội hộ tống cho 3 tàu sân bay của Hải quân TQ trong tương lai.

Hạm đội tác chiến tàu sân bay tối thiểu của Hải quân Mỹ
Hạm đội tác chiến tàu sân bay tối thiểu của Hải quân Mỹ

Theo nhận định của các nhà phân tích quân sự tại trung tâm AMI International kế hoạch hình thành các hạm đội tấn công tàu sân bay của Trung Quốc có thể sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024.

Tính đến thời điểm đó, lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ vượt qua số lượng tàu chiến của cả Hải quân Nhật bản và Hải quân Hàn Quốc cộng lại.

Thách thức cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư

Rich Smith cho biết, trên chuyên trang The Motley Fool, điều mà các độc giả theo dõi trang này quan tâm đó chính là những thách thức, quan ngại kể trên cũng chính là những cơ hội đối với các nhà thầu, tập đoàn sản xuất vũ khí quân sự bên ngoài Trung Quốc.

Những dự báo về kế hoạch phát triển vũ khí hải quân Trung Quốc thực sự cũng đã tác động đến danh mục mua sắm vũ khí của các nhà đầu tư – chính là những lực lượng quân đội quan ngại với sức mạnh đang lên của quân Trung Quốc.

Theo phát biểu của các chuyên gia tại trung tâm AMI International, hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng như ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đều tỏ ra quan ngại với các động thái mở rộng năng lực quân sự của Bắc Kinh.

Những nước này cho rằng đây là những tín hiệu có thể được xem như đe dọa nghiêm trọng đến ổn định khu vực.

Tàu ngầm USS Tusk của Mỹ bán lại cho Đài Loan năm 1973 (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm USS Tusk của Mỹ bán lại cho Đài Loan năm 1973 (ảnh tư liệu)

Một điều chắc chắn có thể nhận ra ngay đó là những nước này đã và sẽ phản ứng, đáp trả lại kế hoạch của Trung Quốc. Cho dù mỗi nước đều có cấp độ phản ứng với TQ không giống nhau, nhưng tựu chung lại hải quân của họ sẽ được mua sắm, đóng mới thêm nhiều chiến hạm để phòng bị.

AIM cũng đã từng đưa ra dự đoán rằng tất cả các quốc gia ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ chi đến 200 tỷ USD để mua sắm, chế tạo các tàu ngầm, tàu nổi trong giai đoạn từ nay đến năm 2031.

Chỉ riêng dự chi cho quốc phòng ở khu vực này cũng đã có thể chiếm đến 25% các kế hoạch mua sắm quốc phòng trên quy mô toàn thế giới trong cùng giai đoạn.

Đối với các công ty, tập đoàn, nhà thầu quốc phòng của Mỹ thì đây cũng là cơ hội làm ăn lớn, khả năng lợi nhuận cao bởi không chỉ các quốc gia đối địch với Trung Quốc cần họ mà chính quân đội Mỹ cũng cần nâng cấp, cải tiến và mua sắm thêm các loại vũ khí tấn công, phòng thủ cải tiến để duy trì ưu thế sức mạnh của mình.

Gần đây, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã quyết định chi 843 triệu USD để hợp đồng với hãng Huntington Ingalls nhằm tháo dỡ và tái chế nguyên liệu của tàu sân bay USS George Washington để chế tàu chiến mới thay vì làm theo cách truyền thống là bỏ xó con tàu trong kho như trước đây.

Quân đội Mỹ hoàn toàn không muốn chứng kiến Trung Quốc tiếp cận gần hơn trong việc lấp chỗ trống về khoảng cách tàu sân bay với chính mình.

Hải quân Mỹ cũng đặc biệt tập trung và nhấn mạnh vào việc xây dựng năng lực của các hệ thống vũ khí có khả năng chống hạm nổi, chống hạm ngầm đồng thời chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều tàu tác chiến ven bờ thế hệ mới (LCS).

Tính cho đến nay, các nhà máy đóng tàu của các hãng như Lockheed Martin, General Dynamics và Austal cũng đã nắm trong các các hợp đồng đóng tàu chiến cho Hải quân Mỹ trị giá 16 tỷ USD và mục đích chính là để đối phó với sự bành trướng rất nhanh và nhiều từ phía Trung Quốc.

Không chỉ phục vụ cho quân đội Mỹ, các hãng sản xuất vũ khí nói trên đã nắm bắt được nhu cầu và khả năng của từng quốc gia có tiềm năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc ở khu vực châu Á và họ đã thiết kế các mẫu tàu chiến, có khả năng hoạt động hiệu quả ven bờ để chờ dịp chào hàng, xuất khẩu.

Bình Nguyên