Báo Nhật: Trung-Nga đàm phán di chuyển giàn khoan Biển Đông lên Bắc Cực

06/01/2015 10:29
Việt Dũng
(GDVN) - Sự trừng phạt của phương Tây đem lại cơ hội cực tốt cho Trung Quốc tham gia khai thác dầu khí Bắc Cực, Nga đa dạng hóa đối tác hợp tác.
Lãnh đạo hai nước Trung-Nga
Lãnh đạo hai nước Trung-Nga

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 5 tháng 1 dẫn tờ "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 3 tháng 1 có bài viết cho rằng, hiện nay, kế hoạch năng lượng biển gần Bắc Cực của Nga đang ở thời điểm gián đoạn, sự trừng phạt thúc đẩy các doanh nghiệp phương Tây tới tấp rời khỏi Nga, khiến cho những dự án này chưa rõ tương lai. Nhưng, tình hình này sẽ không kéo dài. Các công ty phương Tây đã để lại cơ hội cực tốt, Trung Quốc đang ở vị trí lý tưởng để được lợi.

Trong 10 - 15 năm gần đây, Trung Quốc luôn thông qua nhiều loại con đường đâu vào đấy để tăng cường hoạt động ở Bắc Cực. Quan hệ giữa Nga với phương Tây hiện nay có thể thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực, điều này thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Nói đến lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực, trong tương lai nhu cầu năng lượng của nước này chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Năng lượng và tuyến đường Bắc Cực đã cung cấp đa dạng và an ninh hấp dẫn cho họ, cũng đã làm giảm mạnh chi phí vận chuyển. Để theo đuổi rất nhiều cơ hội từ phương bắc, Trung Quốc đã có những bước đi vững chắc tạo ra sự hiện diện tài chính và vật chất ở Bắc Cực, đưa mình vào đối thoại các vấn đề Bắc Cực.

Như vậy, tại sao Nga "chuyển hướng sang phương Đông?". Về truyền thống, Nga rõ ràng tập trung hơn vào hợp tác với các công ty phương Tây trong khai thác tài nguyên Bắc Cực. Nhưng, ngay từ trước trừng phạt năm 2014, căng thẳng trong quan hệ với phương Tây đã làm thay đổi những tính toán của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Moscow cảm thấy, cách làm sáng suốt hơn là mở rộng đối tác và nguồn khách năng lượng, tránh quá lệ thuộc vào phương Tây. Vì vậy, nước Trung Quốc thiếu thốn năng lượng đã trở thành đối tác tự nhiên trong chiến lược đa dạng hóa của Nga.

Đến nay, sự chuyển hướng sang phương Đông của Nga cơ bản đi theo nhịp độ của bản thân, nhưng các cuộc trừng phạt năm 2014 đã gây tổn thất to lớn, Nga cần vốn và tài chính, nhưng lựa chọn đối tác rất có hạn. Nga càng ngày càng nằm ở thế yếu trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Bắc Cực.

Trừng phạt của phương Tây sau đó rõ ràng đã nhằm thẳng vào khai thác năng lượng của Nga ở Bắc Cực. Các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi hoạt động ở phía bắc Nga. Trong tình hình này, Nga chuyển hướng sang đối tác của Trung Quốc - một quốc gia sẽ không lợi dụng cô lập Nga để mưu lợi.

Biển Kara có tài nguyên phong phú có thể là khu vực đầu tiên Trung Quốc được lợi từ sự trừng phạt của phương Tây. Công ty Exxon và Công ty Rosneft Oil Nga đã cùng phát hiện một mỏ dầu khí khổng lồ ở khu vực Bắc Cực. Sau khi đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ thăm dò và khoan thăm dò phức tạp, Exxon đến nay buộc phải rút đi.

Như vậy, Nga đối mặt với một nhiệm vụ chi phí đắt đỏ, buộc phải tìm kiếm đối tác - trong khi đó, Trung Quốc đang ở vị trí có lợi thay thế Công ty Exxon. Nga đã bắt đầu đàm phán với phía Trung Quốc, di chuyển giàn khoan ở Biển Đông tới Bắc Băng Dương để thay thế phương tiện của phương Tây.

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc

Công ty Rosneft Oil Nga còn ký kết hợp đồng, bán 10% cổ phần của một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga cho Trung Quốc. Điều này cho thấy, Moscow sẵn sàng hợp tác với phía Trung Quốc trong các dự án quan trọng của nhà nước để giảm sức ép to lớn từ trừng phạt.

Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ hợp tác với Bắc Kinh sẽ không làm mất ảnh hưởng từ sự trừng phạt của phương Tây, nhưng đã cung cấp rất nhiều điều cần thiết cho Moscow: sự tiện lợi, hỗ trợ vốn, tài chính và khách hàng sẵn có. Sau khi sức ép của phương Tây gia tăng, điều này đã đem lại cho Nga một lối ra.

Trong tương lai, Trung Quốc chắc chắn từng bước mở rộng thương mại và quan hệ đối tác Bắc Cực với Nga, tiến tới đạt được mức độ tương đối lớn. Điều này sẽ tạo ra sự lệ thuộc kinh tế nhất định. Trước khi phương Tây trừng phạt, thương mại Nga-Trung đã không ngừng mở rộng, sự trừng phạt đã tăng tốc tiến trình này.

Việt Dũng