Cán bộ ngành GTVT “bắt bệnh” xe buýt gửi Bộ trưởng Thăng

03/12/2011 06:42
Ngọc Quang
(GDVN) - “Cần kiên quyết xử lý dứt điểm hiện tượng nhân viên lái xe hay phụ xe có thái độ cư xử vô văn hóa với hành khách”.
 

Đa số dân không muốn chọn xe buýt

Mới đây, trong cuộc tiếp xúc với PV Báo GDVN, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, sau một thời gian theo dõi và đặc biệt là thông tin do CBNV của Bộ hưởng ứng cuộc vận động đi xe buýt cung cấp thì thấy rằng loại phương tiện này còn rất nhiều vấn đề bất cập.

Ông Thành cho biết: “Phải nói thẳng ra rằng, đa số người dân không muốn chọn xe buýt làm phương tiện đi lại là lẽ đương nhiên, vì chất lượng nhiều tuyến xe hiện nay còn quá kém, xe cũ nát vẫn chạy, điểm đỗ và trả khách bố trí chưa hợp lý, cộng thêm cách quản lý chưa được chặt chẽ, cụ thể thái độ cư xử chưa đúng mực, có trường hợp phi văn hóa như vụ việc bắt hành khách quỳ xin mới cho xuống, rồi thì bỏ bến khi thấy nhiều người đi vé tháng.

Tôi chưa có thông tin báo cáo cụ thể từng vụ việc nên trước mắt mới nêu ra hiện tượng đó, chắc chắn là phải có uẩn khúc gì ở đây thì nhân viên lái xe mới phân biệt đối xử giữa khách đi vé ngày và vé tháng. Tôi cho rằng, cần phải xem lại công tác quản lý, liệu có kẽ hở nào chăng?”.

Nhắc tới xe buýt là nghĩ tới "hung thần"
Nhắc tới xe buýt là nghĩ tới "hung thần"

Theo Vụ trưởng Trần Ngọc Thành, xe buýt hiện là phương tiện vận tải công cộng duy nhất của Hà Nội, mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc giao thông, nhưng qua báo cáo của nhiều CBNV trong ngành thì vẫn còn 5 bệnh:

Về hạ tầng: Nhiều tuyến không bố trí xây dựng được các nhà chờ cho khách tại điểm dừng trên tuyến, gây khó khăn cho hành khách khi chờ xe vào những ngày mưa, nắng. Một số điểm dừng chưa hợp lý với cự ly đi từ điểm dừng tới nơi cần đến (nhà, trường học, cơ quan…), thậm chí một số khu vực chưa có tuyến xe buýt.

Về phương tiện: Nhiều tuyến phương tiện cũ, lạc hậu, thậm chí không có máy lạnh trên xe, ghế xe và tay vịn quá cũ , không đảm bảo chất lượng, hệ thống loa trên xe buýt cũng bị hỏng ở nhiều tuyến khiến cho hành khách không theo dõi được hành trình, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Vào giờ cao điểm, hệ thống xe buýt bị quá tải, dẫn tới tình trạng chen lấn, thậm chí hành khách không thể lên được xe; Hệ thống chuông bấm trên nhiều xe bị hỏng và không được sửa chữa; Vệ sinh trên xe rất kém (sàn, ghế, kính… đều bẩn), nhiều xe xả khói đen mù mịt giữa đường phố.

Xả khói đen đầy đường là "chuyện thường" với xe buýt
Xả khói đen đầy đường là "chuyện thường" với xe buýt

Lái, phụ xe phân biệt vé ngày - vé tháng

Lái xe, nhân viên phục vụ: Vẫn còn tồn tại một số lái xe không tôn trọng hành khách, cụ thể: Có sự phân biệt hành khách đi vé ngày và vé tháng, còn hiện tượng không dừng đón khách ở những điểm có nhiều khách đi bằng vé tháng; Nhiều lần không chấp hành đúng nội quy lên xuống, đón trả khách; Còn tồn tại những trường hợp phóng nhanh và đi sai lộ trình, tạt xe gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Bên cạnh đó, vẫn còn có những nhân viên phục vụ xe không thực hiện đeo thẻ tên, thái độ cư xử kém lịch sự với hành khách.

Về trận tự an ninh và vệ sinh: Vào giờ cao điểm, tình trạng mất trật tự vẫn thường xảy ra tại các điểm chờ xe buýt và các tệ nạn như hút chính, cờ bạc… diễn ra ngay tại các nhà chờ xe buýt, gây hoang mang lo lắng cho hành khách. Nhiều vị trí nhà chờ xe buýt cũng rất bẩn, thậm chí bị chiếm dụng để bán nước, bán vật liệu xây dựng.

Về thông tin: Dù đã cung ứng thông tin cơ bản cho hệ thống xe buýt, nhưng hình thức đáp ứng thì chậm, một số tuyến dù đã thay đổi lộ trình mà trên xe vẫn còn ghi lộ trình cũ, khiến cho hành khách cũng bị lệnh điểm đến.

Cảnh thường thấy khi đi xe buýt giờ cao điểm
Cảnh thường thấy khi đi xe buýt giờ cao điểm

Xe quá cũ!

Tình trạng chất lượng xe buýt đã quá cũ và quá tải là vấn đề báo chí đã nhắc nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng tới nay chưa có thay đổi nào đáng kể. Ông Thành cho rằng: “Để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay thì cùng một thời gian cần phải có 2 xe buýt chạy cùng tuyến xuất phát, đối với những tuyến có nhiều trường Đại học.

Tuyến đường từ điểm trung chuyển Cầu Giấy đến Nhổn hiện có 11 trường Đại học và Cao đẳng và có 9 tuyến xe buýt chạy qua; Tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến bến xe Yên Nghĩa có 8 trường Đại học và có 9 tuyến buýt chạy qua. Với số lượng sinh viên đông đảo như vậy, khối lượng xe hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại”.

Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết sẽ đề nghị nghiên cứu, khảo sát để đầu tư xây dựng các nhà chờ tại điểm dừng xe buýt khu vực nội thành và ngoại thành tại những nơi có đông khách, thậm chí là cần có rào dẫn khách để tạo thói quen văn minh khi chờ xe, đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu cho hành khách, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Bất hợp lý!

Vụ trưởng Thành tỏ rõ quan điểm: “Tôi cho rằng, đối với các tuyến xe buýt trong nội đô thì nên dùng phương tiện nhỏ, thuận tiện cho di chuyển và tránh gây ra kẹt xe giờ cao điểm; Bổ sung thông báo về giờ đến các điểm cuối để hành khách chủ động công việc.

Còn đối với các tuyến buýt chạy ở những điểm có 4 làn đường thì nên ưu tiên có làn riêng để thúc đẩy khả năng vận chuyển tốt hơn. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị nâng cao chất lượng của các phương tiện, đồng thời đào tạo để nâng cao ý thức phục vụ cho nhân viên lái xe và phụ xe, cần kiên quyết xử lý dứt điểm hiện tượng nhân viên lái xe hay phụ xe có thái độ cư xử vô văn hóa với hành khách”.
Ngọc Quang