Cần siết chặt quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

11/12/2014 07:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm đã đặt ra cho các cơ quan chức năng thêm quyết tâm siết chặt quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xuất phát từ kỹ thuật

Có thể kể tới một loạt vụ tai nạn điển hình trong quá khứ như: Sập cần cẩu ngày 15/7/2008 tại cảng Cái Lân làm 7 người chết, ước tính thiệt hại gần 8 tỷ đồng; sập cần cẩu ngày 18/11/2012 tại cảng hạ lưu PTSC, Vũng Tàu làm 3 người chết, 2 người bị thương nặng; sập cẩu tại công trường cầu Lạch Tray ngày 9/7/2012 làm 2 người chết, 3 người bị thương; nổ nồi hơi ngày 5/12/2011 tại Công ty Cổ phần giấy Mỹ Hương (Hải Phòng) làm 6 người bị thương nặng, sập nhà xưởng; nổ nồi hơi ngày 1/11/2012 tại Công ty TNHH điện hơi Tín Thành (Bình Dương) làm 4 người bị thương nặng, làm sập hàng trăm mét vuông nhà xưởng...

Sập cần cẩu tại công trường cầu vượt Lạy Chay (Hải Phòng) làm 2 người chết.
Sập cần cẩu tại công trường cầu vượt Lạy Chay (Hải Phòng) làm 2 người chết.

Từ những vụ việc trên đặt ra vấn đề siết chặt quy trình kiểm định các loại máy, thiết bị nhằm đảm nâng cao hơn nữa quy trình an toàn lao động.

Sau gần 50 năm tổ chức thực hiện, nhằm từng bước xã hội hóa công tác kiểm định, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa về năng lực các tổ chức tham gia hoạt động kiểm định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BLĐTBXH quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Giai đoạn 1964 - 2007, công tác kiểm định do các cơ quan thanh tra lao động, cơ quan kiểm định công lập thực hiện. Từ năm 2008, thực hiện Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ, hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được xã hội hóa cho phép các thành phần kinh tế được tham gia cung cấp dịch vụ.

Tnhiên, qua thanh tra hoạt động của 31 tổ chức kiểm định vào năm 2012, Đoàn thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện nhiều vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định, trong đó nổi lên là, cơ sở không có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác kiểm định; trang thiết bị phục vụ kiểm định chưa được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; không thực hiện đầy đủ quy trình kiểm định (biên bản kiểm định không thể hiện việc thử thủy lực, thử tải; cấp phiếu kết quả kiểm định khi doanh nghiệp chưa khắc phục kiến nghị của kiểm định viên, thử vận hành thay cho thử bền thiết bị, không thực hiện kẹp chì van an toàn; không dán tem lên thiết bị được kiểm định...

Siết chặt kiểm định

Thực trạng này đòi hỏi phải có các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06.

Theo đó, công tác kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đòi hỏi tổ chức phải có đủ năng lực về thiết bị, phương tiện kiểm tra và kiểm định viên phải là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành có đủ kiến thức, kinh nghiệm. Hoạt động kiểm định phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nhất định (quy trình kiểm định), cùng với các thiết bị đo kiểm để đánh giá tình trạng an toàn của thiết bị. Điều kiện về thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định quy định tại Thông tư này là yêu cầu về năng lực kỹ thuật tối thiểu cần phải có phù hợp với quy trình kiểm định, bởi đây là công cụ để các kiểm định viên làm việc.

Điều kiện này cũng phù hợp với quy định về việc cơ sở kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình kinh doanh đối với dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến cho rằng, tại  hầu hết các công ty kiểm định tư nhân đều mới được thành lập sau năm 2010 (thời điểm Thông tư 37/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực này). Như vậy sẽ làm khó cho các tổ chức có thể tìm được người làm công tác kiểm định liên tục trên 10 năm để làm kiểm định viên.

Tuy nhiên, đây là cách hiểu chưa đầy đủ với tinh thần của Thông tư số 06, vì điều kiện về kiểm định viên “Có thời gian thực hiện công tác kiểm định liên tục trên 10 năm tính đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực" tại Điều 10 của Thông tư là điều kiện để cấp ngay chứng chỉ kiểm định viên cho những người có kinh nghiệm lâu năm thực hiện công tác kiểm định, không cần qua huấn luyện, sát hạch nghiệp vụ về kiểm định. Căn cứ vào quy định này, đã có 131 người được cấp chứng chỉ kiểm định viên.

Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lơ là quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lơ là quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Trong trường hợp tổ chức không có người có đủ thời gian thực hiện công tác kiểm định liên tục trên 10 năm, thì có thể tuyển dụng, cử những người có ít nhất 02 năm công tác làm kỹ thuật viên kiểm định hoặc người có ít nhất 02 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến đối tượng kiểm định (bao gồm: thiết kế, sản xuất, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng, vận hành, bảo trì) tham dự và hoàn thành khóa huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để được xem xét cấp chứng chỉ kiểm định viên. Hiện nay, Cục An toàn lao động đang phối hợp với các đơn vị đủ năng lực để tổ chức 06 lớp huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (03 lớp tại khu vực phía Bắc, 03 lớp tại khu vực phía Nam) cho gần 400 học viên tham gia.

Việc xã hội hóa hoạt động kiểm định đã thực hiện từ năm 2007, nên các tổ chức đang hoạt động hoàn toàn có thể đáp ứng các quy định về điều kiện tổ chức kiểm định phải có người phụ trách chung về kỹ thuật phải là kiểm định viên có tối thiểu 5 năm công tác trong lĩnh vực kỹ thuật liên quan hoặc 03 năm làm công tác kiểm định... So với quy định tại Thông tư số 37/2010/TT-BLĐTBXH (yêu cầu bắt buộc giám đốc tổ chức phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định) thì quy định tại Thông tư 06 linh hoạt hơn, khi cho phép tính thâm niên công tác trong lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến đối tượng được kiểm định.

Quy định này cũng phù hợp với yêu cầu của cán bộ kỹ thuật thuộc các tổ chức kiểm định quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ và về nhân sự tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Với những sửa đổi, hoàn thiện về chính sách quản lý đối với hoạt động kiểm định hiện nay, công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động sẽ có điều kiện để từng bước cải thiện về chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực của các tổ chức kiểm định. Đồng thời các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ được sử dụng dịch vụ kiểm định có chất lượng tốt nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, ngăn chặn tai nạn lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo Điều 138 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; 2) Bảo đảm các điều kiện ATLĐ, VSLĐ đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ, VSLĐ hoặc đạt các tiêu chuẩn về ATLĐ, VSLĐ tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng. Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện ĐKLĐ, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tang; Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc; Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm ATLĐ, VSLĐ.  Theo Nghị định 45/2013/CP NGÀY 10/5/2013, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo, bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN, sự cố nghiêm trọng 2. Việc thống kê, báo cáo bệnh nghề nghiệp được quy định như sau: Người sử dụng lao động phải lập hồ sơ sức khỏe đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp và định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, lao động; Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thủ tục, trình tự thống kê, báo cáo bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nguyễn Hoàng