Cần xử lý hình sự cựu Phó Viện trưởng sàm sỡ bé gái trong thang máy

05/04/2019 06:15
HÀ DUNG
(GDVN) - Tính đến nay không có một văn bản pháp luật nào quy định phải sờ vào bộ phận nào của trẻ thì phạm tội dâm ô, sờ vào bộ phận nào thì không phạm tội.

Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh - cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng có hành vi ôm, hôn, sờ bé gái 7 tuổi trong thang máy khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu các cơ quan tố tụng vận dụng pháp lý rằng: Phải sờ vào bộ phận sinh dục của trẻ thì mới cấu thành tội phạm thì quá khiên cưỡng và chưa thực sự phù hợp với thực tế lẫn pháp luật.

Nguyên phó Viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi ôm hôn, sờ soạng bé gái trong thang máy ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: cắt từ clip
Nguyên phó Viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi ôm hôn, sờ soạng bé gái trong thang máy ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: cắt từ clip

Đó là hành vi tấn công tình dục, không phải là “nựng”

Thời gian gần đây dư luận đã nhiều phen phẫn nộ trước những hành vi “tấn công tình dục”.

Như vụ một chuyên viên ôm hôn, sờ soạng rồi cắn môi một nữ đồng nghiệp hay vụ nam thanh niên cố tình cưỡng hôn một thiếu nữ trong thang máy.

Phẫn nộ hơn khi những hành vi cố tình này chỉ bị xử phạt hành chính 200 ngàn đồng. Một mức phạt ngang bằng với hành vi để vật nuôi phóng uế ngoài đường…

Nay dư luận lại thêm một lần bức xúc khi gã đàn ông hơn 60 tuổi “vồ” lấy đứa bé 7 tuổi để ôm, hôn, sờ soạng. Chắc chắn người xem sẽ dễ dàng thấy ngay được những bất an tâm lý, sợ hãi của nạn nhân trong vụ việc này.

Tôi quá xấu hổ nếu kẻ dâm ô bé gái từng là lãnh đạo kiểm sát Đà Nẵng

Dù đối tượng này thản nhiên nói rằng mình chỉ “nựng” đứa bé, nhưng bất kỳ ai nhìn thấy đều tin rằng đó là hành vi hành vi tấn công tình dục.

Không một phụ huynh nào chấp nhận và không một đứa bé nào đón nhận kiểu “nựng” thô bỉ như vậy.

Những nhà làm luật cần minh định các hành động liên tiếp: kéo, ghì, ôm, hôn, sờ soạng mặc cho nạn nhân sợ hãi của ông Nguyễn Hữu Linh là hành động tấn công tình dục.

Phải vận dụng luật một cách triệt để

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hành vi dâm ô. Theo thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Nôi vụ có hướng dẫn việc áp dụng đối với tội dâm ô như sau:

Hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định gã đàn ông có sàm sỡ bé gái

Chiếu theo thông tư hướng dẫn này thì không hề có quy định phải sờ vào “bộ phận sinh dục” hay một bộ phận cụ thể nào thì mới được xem là phạm tội.

Đối với hành vi dâm ô, cần phải được vận dụng trên tinh thần: Mọi hành vi, thủ đoạn xâm phạm đến thân thể nhằm thỏa mãn dục vọng, sinh lý thì cấu thành tội dâm ô.

Tức là chỉ cần ôm hôn, sờ vào mông, đùi, ngực, cổ… chứ không nhất thiết phải là bộ phận sinh dục để thỏa mãn dục vọng thì đều cấu thành tội phạm.

Không cần gia đình bị hại yêu cầu mới có thể xử lý hình sự

Những ngày gần đây, dư luận có phần lo lắng vụ án không được xử lý hình sự vì người nhà nạn nhân không muốn tố cáo.

trong vấn đề này Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất sờ. Đối với tội danh dâm ô với người dưới 16 tuổi thì không cần phải người bị hại hay gia đình người bị hại có yêu cầu khởi tố thì mới khởi tố mà nếu các yếu tố, hành vi cấu thành tội phạm thì sẽ phải khởi tố.

Đà Nẵng nói gì về người đàn ông có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy?

Cụ thể, tại khoản 1 điều 155 Bộ luật tố tụng quy định:

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều sau đây:

Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh);

Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội);

Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính);

Điều 141 (Tội hiếp dâm);

Điều 143 (Tội cưỡng dâm);

Điều 155 (Tội làm nhục người khác);

Điều 156 (Tội vu khống);

Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết)

Theo đó thì việc khởi tố đối với tội dâm ô trẻ dưới 16 tuổi không phụ thuộc vào yếu tố bị hại, gia đình bị hại mà phụ thuộc vào chứng cứ cấu thành tội phạm mà thôi.

Còn khi khởi tố nếu bị hại, gia đình bị hại có bãi nại thì đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là tình tiết miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

HÀ DUNG