Chánh án TANDTC nói gì về việc ông Chấn tố bị ép cung, nhục hình?

21/11/2013 14:42
Ngọc Quang
(GDVN) - "Việc để xảy ra oan sai, nhất là đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được”, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra đã có Bản án hình sự phúc thẩm số 1241 ngày 27/7/2004, sau khi xét xử gia đình ông Chấn và ông Chấn đã có đơn kêu oan vào những năm trước đây. Gần đây có xuất hiện việc là ngày 4/11/2013 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đã có Quyết định kháng nghị tái thẩm số 01 đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên thì bản án này được Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị và TANDTC đã triệu tập phiên họp của Hội đồng thẩm phán TANDTC để xét xử tái thẩm lại đối với bản án này.

Hiện nay các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để Viện kiểm sát thực hiện việc điều tra lại. Tất nhiên Viện kiểm sát sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.
Ông Trương Hòa Bình nhận định, các vị ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước rất quan tâm tới vụ án này. Vấn đề đặt ra ở đây là có oan sai hay không, ngoài ra các vị đại biểu cũng đã suy nghĩ và mỗi vị có quan điểm khác nhau, nhưng cũng có đặt vấn đề là có ép cung nhục hình hay không, trách nhiệm của các ngành như thế nào?
“Trên thực tế do những nguyên nhân khác nhau cũng có để xảy ra oan sai, gần đây có dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là sai và có ép cung nhục hình. Chúng tôi nghĩ rằng về bình diện chung thực tế thì bất cứ một nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có nền pháp luật tiên tiến thì cũng không tránh khỏi có tình trạng oan sai và Việt Nam chúng ta cũng nằm trong thực tế đó. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được”, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trương Hòa Bình, việc xác định có oan sai hay không thì lại phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, còn dư luận thì đó là dư luận. Với dư luận những người có trách nhiệm đặc biệt phải quan tâm, phải xem xét, phải nghiên cứu, những lời kêu oan, những người có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Nếu để xảy ra oan sai là một nỗi khổ, như các vị đại biểu đã nói đối với người dân phải bị ngồi tù "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" phải bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do thân thể, quyền con người, quyền tự do của công dân, ảnh hưởng cả dòng tộc, cả gia đình của họ thì phải được xem xét giải quyết một cách kịp thời, khẩn trương, thấu đáo. Nhưng đồng thời phải đúng pháp luật, có oan hay không oan là theo quy định của pháp luật.
“Mong các vị đại biểu Quốc hội chúng ta xem xét thấu đáo để chờ các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết lại đúng đắn vụ án. Các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Quốc hội và trước nhân dân. Những người đứng đầu của các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước pháp luật và trước nhân dân”, ông Bình nói. 
Về vấn đề có ép cung, nhục hình hay không? Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng: “Nếu có chúng tôi nghĩ rằng đó là điều không thể chấp nhận được, nhưng nếu có cũng phải được chứng minh. Hiện nay, tôi cũng được biết Bộ Công an cũng đang cho tiến hành kiểm điểm lại vụ việc này (vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn – PV).
Trong quá trình điều tra có sự tham gia của viện kiểm sát từ đầu kiểm sát cả việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra và viện có trách nhiệm truy tố vụ án trước pháp luật, thực hành quyền công tố. Tòa án xét xử thì viện kiểm sát cũng thực hiện quyền kiểm sát việc xét xử, trách nhiệm của điều tra nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó có trách nhiệm của viện kiểm sát. Luật sư cũng tham gia vào quá trình này, cũng có trách nhiệm là luật sư nếu có phát hiện ra có ép cung, nhục hình thì phải chứng minh”. 
Bên cạnh đó, ông Trương Hòa Bình cũng tỏ ra rất thẳng thắn khi đề cập tới trách nhiệm của hội đồng xét xử.
“Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, điều này phải được bị can có yêu cầu xem xét, Viện kiểm sát xem xét, luật sư có yêu cầu xem xét thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được. Cho nên với trách nhiệm của hội đồng xét xử dù không phát hiện được nếu có ép cung nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì vẫn có liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này, đòi hỏi phải nâng cao trình độ bản lĩnh của thẩm phán và cả thẩm tra viên, thư ký.
Trong quá trình nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ phải tinh thông, phải nhạy bén, phải bản lĩnh để phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố, điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của cán bộ công chức của ngành tòa án, đặc biệt các chức danh tư pháp, thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký đòi hỏi phải có tâm, phải "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" và đây cũng là vấn đề để không còn để xảy ra tình trạng oan sai, ép cung, nhục hình thì cũng là trách nhiệm của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án, ở đây là tôi nói nếu có. Còn trong trường hợp cụ thể này có hay không có thì sẽ còn phải chứng minh, chứ chúng ta không thể nói được ngay là có ép cung, điều đó là phải được chứng minh một cách rất chặt chẽ, chính xác, khách quan”, ông Bình cho hay. 
Ngọc Quang