Chờ đợi Trung ương sớm vào cuộc điều tra vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang

24/09/2019 06:52
Nhật Minh
(GDVN) - Theo ông Trần Ngọc Vinh – Đại biểu Quốc hội khóa 12,13, Trung ương sớm vào cuộc điều tra vụ gian lận điểm thi ở Sơn La và Hà Giang sẽ đảm bảo khách quan.

Phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh Sơn La và tỉnh Hà Giang  vừa qua đều hoãn vì lý do quá nhiều nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Đặc biệt trước đó, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình một số ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội về vụ gian lận điểm thi ở Sơn La đã cho biết: “Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 bị can nữa”.

Ông Trần Ngọc Vinh: "Phụ huynh nào mà bảo không nhờ nâng điểm thi chỉ nhờ xem điểm hộ thôi nghe rất vô lý". Ảnh: Quochoi.vn
Ông Trần Ngọc Vinh: "Phụ huynh nào mà bảo không nhờ nâng điểm thi chỉ nhờ xem điểm hộ thôi nghe rất vô lý". Ảnh: Quochoi.vn

Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, ông Trần Ngọc Vinh – Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng, vụ gian lận điểm thi ở Sơn La và Hà Giang về cơ bản tương đối giống nhau. Để khách quan, rõ ràng vụ việc ở Sơn La và Hà Giang đều cần Trung ương vào cuộc là hợp lý.

“Việc đưa tiền để được nâng điểm thi hay không đúng là cần phải chứng minh và nó không đơn giản. Thậm chí có thể nếu phụ huynh là quan rất to thì chả cần đưa tiền trước mà xong việc chỉ “cảm ơn” thôi.

Nhưng rõ ràng, đã có dấu hiệu đưa và nhận hối lộ thì phải truy tố về tội đưa và nhận hội lộ mới chính xác. Bởi, nếu truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ tội nhẹ hơn rất nhiều.

Vấn đề bây giờ là cần có bằng chứng cụ thể là đưa hối lộ tiền là bao nhiêu, đưa ra sao.

Phụ huynh nào mà bảo không nhờ nâng điểm thi, chỉ nhờ xem điểm hộ thôi mà con em họ được nâng điểm nghe rất vô lý.

Không được lợi lộc vật chất, không lợi ích qua lại thì sẽ không có chuyện thí sinh con quan chức được nâng điểm thi”, ông Vinh nhấn mạnh.

“Tất cả phải chờ cơ quan điều tra của Trung ương vào cuộc thì sẽ làm sáng tỏ.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, cơ quan điều tra của Bộ Công an trực tiếp làm và đã khởi tố bổ sung tội Đưa và nhận hối lộ. Nó cho thấy kết quả có sự khác nhau giữa cơ quan điều tra của Bộ Công an làm và cơ quan điều tra công an tỉnh.

Dư luận chờ đợi, Trung ương sẽ vào cuộc điều tra sớm ở cả Sơn La và Hà Giang”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng chia sẻ thêm, thực tế các cháu được nâng điểm không thấy con dân thường, con hộ nghèo đâu mà đa phần là con của những người “tai to mặt lớn”, người có chức, có quyền ở địa phương.

Phải làm rõ, công khai, minh bạch những phụ huynh chạy điểm cho con. Họ móc nối với ai, cơ quan nào để chạy điểm, phải làm rõ ra và công khai để xử lý nghiêm.

Trước đó, ngày 18/9, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên xét xử công khai vụ gian lận điểm thi theo Quyết định số 57/2019/QĐXXST-HS.

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Nếu vô tư, việc chứng minh đưa tiền nâng điểm không khó
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Nếu vô tư, việc chứng minh đưa tiền nâng điểm không khó

Trước phiên xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã gửi giấy triệu tập 188 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan bao gồm phụ huynh có con được nâng điểm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, vì lý do quá nhiều nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên phiên tòa đã được hoãn. Thời gian mở lại được ấn định vào lúc 8h các ngày 14 - 15 - 16/10/2019.

Tương tự, ngày 16/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, theo điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tòa đã triệu tập 43 người làm chứng, trong số này có 27 người là phụ huynh có con được nâng điểm. Nhưng chỉ có 11 người có mặt, 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt nhưng không lý do. Theo đó, 32 người không đến.

Hội đồng xét xử cũng triệu tập 47 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có 3 người có mặt tại tòa.

Do quá nhiều nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, đặc biệt ông Hoàng Tiến Đức vắng mặt nên chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa đến ngày 15/10.

Nhật Minh