Chọn niêu cơm của người nghèo hay bộ mặt đẹp của đô thị

24/03/2014 06:42
TRẦN KHÁNG
(GDVN) - Hà Nội sẽ dẹp hết chợ cóc, nhiều người lao động nghèo đang mưu sinh trên vỉa hè lo lắng trước “miếng cơm manh áo”...

Ít hôm nữa, Hà Nội sẽ giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường, thực hiện năm Văn minh đô thị 2014 trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn thành phố còn hơn 100 chợ cóc thuộc diện phải giải tỏa, trong đó quận Đống Đa 18 chợ, Từ Liêm 24 chợ, Cầu Giấy 13 chợ… Trước đó, trong năm 2013, Sở công thương đã lập danh mục 57 chợ cóc, chợ tạm tại 10 quận và 4 huyện ven đô cần giải tỏa nhưng sau khi tổ chức giải tỏa vẫn còn 27/57 chợ họp trở lại.

Bài toán mưu sinh của người nghèo và văn minh đô thị, một lần nữa được đặt ra.

Người lao động nghèo sẽ ra sao?

Mưu sinh nhiều năm tại khu chợ cóc trên phố Vĩnh Hồ (Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Phương, quê ở Thanh Hóa chia sẻ: “Chúng tôi từ tỉnh lẻ lên thành phố làm ăn, nhiều năm buôn bán ở cái chợ cóc này nhưng nếu giờ bảo dẹp thì chắc chúng tôi không biết phải làm gì khác nữa. Đành rằng về quê nhưng sẽ lấy gì để con cái ăn học tiếp”.

Một lượng lớn người lao động nghèo sẽ không có việc làm khi chợ cóc bị dẹp bỏ
Một lượng lớn người lao động nghèo sẽ không có việc làm khi chợ cóc bị dẹp bỏ

Cũng bày tỏ lo lắng như chị Phương, chị Trần Thị Thắm, quê ở Hưng Yên bán hàng rau tại chợ cóc Vĩnh Hồ nói: “Nếu đúng là dẹp chợ cóc này thì tôi bị thất nghiệp mất, mỗi ngày bán hàng cũng được 100 – 200 nghìn đồng mà còn chẳng đủ tiêu, giờ mà không được bán nữa thì lấy gì mà sống ở đất Hà Nội này chứ”.

Nỗi lo lắng không chỉ đối với những người ngoại tỉnh về đây buôn bán mà còn cả với chính những người Hà Nội. Chị Trần Thị Hải, 42 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tận dụng khoảng không gian trước nhà, tôi lấy ít hoa quả về bán. Mai đây, dẹp chợ cóc thì tôi còn buôn bán gì nữa”.

Tại mỗi chợ cóc trên các con phố, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Người lao động nghèo phải “chiếm dụng” từng cm vỉa hè để mưu sinh. Những quán cóc của họ chỉ vẻn vẹn vài bó rau, củ khoai, con cá… nhưng họ sẽ làm gì sau khi nơi họ kiếm sống hàng ngày bị dẹp?

Người dân vẫn “tha thiết” với chợ cóc

Cùng với sự phát triển đô thị, các chợ lớn, trung tâm thương mại, siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng cùng với nó, những khu chợ cóc cũng “mọc” ra khắp nơi. Tại các khu dân cư, khu tập thể hay trên các ngõ nhỏ đều có sự hiện diện của chợ cóc. Trước nhu cầu của người dân chợ cóc đang tạo ra một thế mạnh bởi sự nhanh chóng, tiện lợi và bình dân.

Chợ cóc bán tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh như mớ rau, bìa đậu, gạo, thịt, cá... Theo đánh giá của người dân, giá cả những mặt hàng này ở chợ cóc thường rẻ hơn hàng mua trong chợ chính, siêu thị.

Đi chợ cóc vừa nhanh vừa rẻ
Đi chợ cóc vừa nhanh vừa rẻ

Với những người không có thời gian nhiều, thì chợ cóc là điều họ thấy tiện lợi nhất. Chị Trần Thị Hường ở Thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng ngày phải đi làm từ sớm, không thể đi chợ sáng. Chiều đi làm về tôi thường ghé qua các quán chợ cóc gần nhà để mua cho nhanh. Rau với thịt là đủ chứ ra chợ lớn thì mất thời gian lắm”.

Chợ cóc không chỉ hợp với những bà nội chợ không có nhiều thời gian mà còn phù hợp với nhiều bạn sinh viên đang theo học ở Hà Nội. “Bữa nào chúng em cũng đi chợ mua đồ về nấu ăn, chợ chính thì xa với lại có mua gì nhiều đâu. Đơn giản chỉ cần một bó rau, vài lạng thịt hay cá gì đó thì chúng em mua ở mấy quán cóc ngoài ngõ là đủ” – bạn Phạm Văn Quang, sinh viên năm 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tiện lợi và hàng hóa rẻ nhưng cần phải thừa nhận rằng sự phát triển của các chợ cóc đang gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Chất lượng thực phẩm tại các chợ cóc cũng là một điều đáng lo ngại của nhiều người. Giao thông và môi trường tại các khu chợ cóc có nhiều bất cập. 

Tuy thế, để dẹp bỏ được triệt để chợ cóc là việc làm không dễ. Sâu xa của vấn đề là thói quen mua bán của người dân, nên nếu chưa thay đổi được thói quen này thì việc dẹp chợ cóc khó có hiệu quả lâu dài. Thực tế cho thấy, cứ dẹp ở phố này thì chợ lại mọc lên ở phố khác, hoặc tái mọc đúng địa điểm bị xóa sau một thời gian ngắn.

TRẦN KHÁNG